Tiêu điểm:

Sổ lạm quyền

(Dân trí) - Cuốn sổ đỏ và những câu chuyện không tốt đẹp xung quanh nó được bày biện trên Dân trí suốt tuần qua. Người dân được dịp giải tỏa bức xúc lâu nay và những trường hợp bạn đọc nêu ra là những bài học về điều hành quản lý được bộc lộ qua thực tiễn.

Từ trước đến nay, người dân đến cơ quan công quyền để nộp đơn xin nhiều việc, xin cấp sổ đỏ là một điển hình. Thực ra, người dân “đề nghị” chính quyền cấp sổ đỏ mới đúng và công bằng. Quan hệ nhà nước – công dân không có chỗ cho việc “xin – cho”. Dân có quyền yêu cầu, đề nghị, chính quyền có trách nhiệm giải quyết, xử lý, cung cấp nếu như yêu cầu chính đáng và hợp pháp từ phía công dân. Cho nên, khi công dân yêu cầu cấp sổ đỏ, hộ khẩu hoặc chứng minh nhân dân là yêu cầu cái quyền của mình – quyền của một công dân được Hiến pháp quy định và được luật pháp bảo vệ.
 
Sổ lạm quyền - 1

Công cụ quản lý của chính quyền bị một số người có quyền sử dụng và khai thác như một quyền lực cá nhân.
 
Xin và cho xuất phát từ ngôn ngữ, chuyển qua nhận thức và cuối cùng là hành động, làm cho mối quan hệ nhà nước – công dân không còn bình đẳng mà trở thành kẻ trên người dưới. Người dân đến cơ quan công quyền không phải là một công dân làm chủ mà với thái độ của người đi xin. Khi đã đi xin thì đại diện chính quyền có quyền cho hoặc không. Nếu giải quyết công việc như vậy thì quy trình hành chính không tuân theo các quy định của pháp luật, công cụ quản lý của chính quyền bị một số người có quyền sử dụng và khai thác như một quyền lực cá nhân.
 
Trong trường hợp cấp sổ đỏ, đã có văn bản pháp luật quy định cụ thể về thời hạn, nhưng trên thực tế quy định này đã không được đảm bảo. Ở đây, không thể nói chung chung là chính quyền, mà chính những người trực tiếp giải quyết công việc đã không tuân thủ quy trình và không tôn trọng quy định của pháp luật. Việc giữ lại sổ đỏ hay cố tình kéo dài thời gian giải quyết cho người dân, sau đó đưa ra những yêu sách, gây khó khăn cho dân là lạm quyền và biểu hiện động cơ tiêu cực.
 
Đa số người dân vì mong muốn có được giấy tờ đầy đủ về tài sản đất đai, nhà cửa nên kiên nhẫn chờ đợi, thậm chí sẵn sàng "chung chi" cho xong việc. Từ đó, tạo thành tập quán xấu trong mối quan hệ giữa hai bên, tạo ra một môi trường hành chính không lành mạnh, một bộ phận cán bộ, viên chức lạm quyền, nhũng nhiễu người dân.
 
Để chấn chỉnh việc này cần phải có cơ chế buộc cơ quan công quyền, cá nhân người thực thi công vụ phải thực hiện đúng quy định của Chính phủ về thi hành Luật đất đai. Nếu làm sai, người dân có quyền thưa kiện, cán bộ trực tiếp giải quyết công việc phải bị xử lý.

Lê Chân Nhân