“Lý giải” nguyên nhân nỗi khổ khi làm sổ đỏ

(Dân trí)- Sau loạt bài của Dân trí phản ánh về nỗi gian truân của người dân đi làm sổ đỏ đang được đông đảo bạn đọc khắp các vùng miền quan tâm, chia sẻ, tòa soạn đã nhận được những ý kiến đầu tiên “lý giải” về nguyên nhân của vấn đề rất bức xúc này.

“Lý giải” nguyên nhân nỗi khổ khi làm sổ đỏ - 1
Nhiều bạn đọc có ý kiến nên thay đổi cụm từ "Xin cấp sổ đỏ"
thành "Yêu cầu được cấp sổ đỏ" thì mới đảm bảo quyền của công dân.

Ha Hung (hahung1052010@yahoo.com.vn):

Xin chào mọi người, tôi là một người không làm trong lĩnh vực địa chính nhà đất, tuy nhiên tôi có rất nhiều bạn bè, người quen làm trong lĩnh vực này và tôi cũng làm công tác quản lý nhà nước nói chung.

Tôi đã đọc rất nhiều ý kiến của các bạn đọc trên Dân trí, xin phép cho tôi có một số ý kiến như thế này: Chúng ta đừng vội đổ tội cho cán bộ nhà nước làm địa chính như vậy, có một số lý do mà họ không thể làm đúng hẹn với bà con, ví dụ:

1. Nhân lực: Một phường xã chỉ có một cán bộ tài nguyên môi trường, họ phải quản lý toàn bộ phần việc như: đất đai, nhà cửa, dịch bệnh (từ cúm gà, côn trùng lạ, dịch viêm đường hô hấp cho đến việc nghĩa trang, nghĩa địa.... tóm lại tất cả những việc có liên quan đến Tài nguyên và Môi trường theo nghĩa rộng).

Số cán bộ tại quận huyện cũng tương tự như vậy, rất ít. Họ có quyền thuê cán bộ hợp đồng nhưng phải tính đến việc lấy đâu ra tiền để trả trong số ngân sách hạn hẹp của phường xã. Một số chỗ họ còn không được thuê vì lãnh đạo không duyệt cho phương án này do phải dành kinh phí cho những việc khác cần hơn (chúng ta đều biết rằng nguồn thu chính của địa phương là từ ngành này).

2. Công việc: Rất nhiều, tất cả những hồ sơ đầy đủ điều kiện để cấp "sổ đỏ" đều đã được cấp, những hồ sơ còn lại đều là những hồ sơ thiếu giấy tờ, hoặc cần xác minh (theo quy định), hoặc không có giấy tờ, mà chúng ta đều biết các quy định của Nhà nước rất chặt chẽ, vậy giải quyết các hồ sơ này thế nào? Nếu vận dụng theo tình hình thực tế rất dễ phải nhận các rủi ro trong nghề. Nhìn chung nếu các bác lãnh đạo thông cảm thì khá hơn, còn nếu không thì "thôi cứ theo quy định mà làm" vừa bảo vệ được mình mà không ai có thể phê bình được và việc chậm trễ là đương nhiên. Mà họ đâu có phải chỉ có một việc cấp sổ đỏ cần phải làm?

3. Thái độ làm việc: Việc “hành dân”, theo tôi, có một số cán bộ tuy có trình độ nhưng muốn hành dân để kiếm tiền (việc đó có). Một số thì nói thực là không có đủ trình độ để tìm ra một lúc tất cả các thiếu sót trong hồ sơ (họ là con em, người thân hoặc đã bỏ tiền để kiếm chỗ làm tốt, học vấn chưa cao những sẽ tìm cách làm đầy đủ hồ sơ bằng các khóa học ngắn hạn hoặc bất kỳ một hình thức nào đó….)

Một số thì có đủ trình độ nhưng họ bận quá nhiều công việc, nên chỉ cần phát hiện ra một thiếu sót họ sẽ chuyển trả về cho “khổ chủ”. Đó là một cách giãn việc, hay đẩy việc (trong bối cảnh cải cách hành chính, cứ 5 ngày phải trả lời một hồ sơ).

Việc quá nhiều, lương thấp, làm việc nhiều áp lực, thời gian không đủ nên dễ cáu gắt. Bạn hình dung giống như khi bạn đi mời đám cưới: đến nhà nào cũng nói đúng một câu và phải đến vài trăm nhà thì bạn cũng dễ cáu gắt lắm.

Hoặc là bác sỹ (theo thống kê bác sỹ tại một bệnh viện xin được giấu tên) một ngày hỏi khoảng gần 100 bệnh nhân một câu hỏi: đau ở đâu, đã uống thuốc gì rồi, đã đi khám ở đâu chưa…. Rồi lại nghe đúng những câu trả lời như nhau với thái độ khác nhau. Tôi cho rằng đến cuối buổi chiều sẽ không còn bác sỹ nào đủ bình tĩnh vui vẻ để trả lời bệnh nhân nữa. Mà bệnh nhân hoặc người dân đến cơ quan nhà nước thì cũng đủ trình độ, độ tuổi, cách nhận thức, có người thì thông cảm, có người thì chưa đến đã nghĩ là họ đang hành hạ mình đây.

Có người thì lăm lăm phong bì, chỉ muốn khoán gọn, họ không biết là thời gian của cán bộ, bác sỹ cũng chỉ có 8 giờ nên nếu ai cũng đưa phong bì thì mọi người đều như nhau, không thể có trường hợp đặc biệt được. Nhưng ai cũng muốn đưa phong bì cho nhanh, và nếu cán bộ bác sỹ không nhận thì họ lại càng sợ (vì e là bị chê ít).

4. Thu nhập: Lương họ nhìn chung là thấp so với mặt bằng của xã hội. Tôi biết có người chủ động muốn kiếm tiền bằng cách này cách khác, nhưng có người thực sự không muốn, họ muốn gom tất cả về lương (lương và thu nhập phải là một), họ không muốn phải kiếm tiền bằng những cách không lương thiện. Nhưng nói thật, trong một môi trường đều nhận tiền như vậy nếu anh trả lời "không", anh sẽ bị "đánh hội đồng", anh sẽ trở thành người ngoài cuộc ngay. Dần dần sẽ trở thành thói quen và việc so sánh giữa những người đưa tiền và không đưa tiền sẽ xuất hiện và con người tốt trong họ sẽ mất đi. Tôi cho rằng đó mới là con người (với đầy đủ các tính cách tốt, xấu). Mà chúng ta ai cũng biết, cuộc sống có bao nhiêu thứ phải chi tiêu.
 
Tôi tin rằng hiện nay không một cán bộ nào chủ động đòi tiền trước khi làm việc, sau khi kết thúc công việc người dân đưa tiền (theo nghĩa cảm ơn thì họ nhận). Còn với những cán bộ chủ động đòi tiền, ra giá thì không nói làm gì nữa vì đã “hết thuốc chữa”.

5. Trình độ: Do công việc quá nhiều, họ sẽ không thể có thời gian để đọc thêm, nghiên cứu thêm nên trình độ khoa học, ngoại ngữ sẽ ngày càng hạn chế. Họ chỉ thuộc văn bản, các luật lệ để phục vụ cho công tác hàng ngày, không có thời gian để suy nghĩ thêm về đường hướng chiến lược và những điều cao hơn, để có thể trở thành một công chức có thể tư vấn cho lãnh đạo về đường lối chiến lược của ngành. Họ đã bị biến thành công chức sự vụ.

Sau một thời gian dài như vậy có thể nói họ đã quá xa rời thực tiễn, trong khi đó đất nước lại đặt họ vào vị trí quản lý, một vị trí cần phải giải quyết các vấn đề xã hội đang nhức nhối, người thiếu thực tế lại đề xuất ra các chính sách để quản lý thực tế.

6. Thời gian: Họ bị bó buộc thời gian, ví dụ một công việc lãnh đạo yêu cầu 5 ngày, họ không thể nói: không được tôi cần 10 ngày (đây là thực tế). Nếu tính theo lý thuyết, ví dụ một bộ hồ sơ cấp sổ đỏ cần 4 giờ để đọc và đề xuất phương hướng giải quyết, như vậy một cán bộ chỉ có thể hoàn thành 2 bộ hồ sơ trong một ngày làm việc. Nhưng nếu có 6 bộ hồ sơ, họ vẫn phải hoàn thành để trong vòng số ngày quy định phải có ý kiến trả lời bằng văn bản, không thể nói là tôi không đủ thời gian để đọc được.

7. Trang thiết bị phục vụ công việc: Nhìn chung trang thiết bị phục vụ công việc của cán bộ nhà nước còn nhiều hạn chế so với yêu cầu công việc, kinh phí không đủ nên không có điều kiện trang bị. Các máy móc đều cũ, hay hỏng hóc, mà lúc hỏng báo sửa thì phải mất thời gian khá lâu mới được sửa chữa. Nhiều khi chúng tôi phải bỏ tiền túi ra để sửa, nhưng điều này cũng không đúng với quy định, rồi sau này thì không ai muốn bỏ tiều túi mình ra sửa chữa nữa vì việc thì việc công, mà trách nhiệm lại đổ vào đầu cá nhân.

Cơ quan tôi rất gần với doanh nghiệp nên nhiều khi máy móc hỏng không làm được đúng hạn, họ đã lên thẳng cơ quan và nói để chúng tôi bỏ tiền ra mua máy khác cho các anh với điều kiện lần sau các anh đừng trả lời chúng tôi vì máy hỏng nữa. Nhưng chúng tôi không được quyền nhận điều này vì như thế là vi phạm quy định.

8. Người dân: Trình độ hiểu biết về luật pháp còn chưa cao, hồ sơ giấy tờ làm nhìn chung là sai nhiều, tâm lý ngại đến chỗ công đường, ngại hỏi (sợ các cán bộ cáu gắt). Không nắm được luật pháp, chưa biết quyền lợi của mình đến đâu, trách nhiệm của mình thế nào, rất dễ bị người khác lợi dụng. Thôi cứ đưa ít tiền cho người trung gian họ sẽ làm giúp cho nhanh (chính điều này đã góp phần tạo nên một số người xấu trong đội ngũ cán bộ nhà nước).

9. Về cơ chế: Nhà nước chưa bóc tách được rõ ràng giữa dịch vụ công và công tác quản lý nhà nước, nên một cán bộ phải làm toàn bộ dễ dẫn đến công việc quá tải. Trong số cán bộ nhà nước có người không làm được việc, nhưng theo chính sách không thể điều chuyển sang bộ phận khác hoặc cho nghỉ việc (có thể các bác lãnh đạo không dám làm vì sợ kiện tụng hay vì các lý do khác). Mà cũng không thể tăng lương cho các cán bộ làm được việc, vì bị hạn chế bởi khung lương và các quy định khác.

Điều này khó tránh khỏi tâm lý so đo, dẫn đến trì trệ vì người làm cũng như người ngồi chơi hoặc sự khác biệt không đủ lớn để khuyến khích người làm.

10. Chính sách: Việc thực hiện cải cách hành chính là đúng đắn và cần thiết, tuy nhiên đưa ra một chỉ tiêu cứng, giảm 20-30% các thủ tục hành chính cho một cơ quan là không đúng, có những thủ tục cần giảm, nhưng có những thủ tục cần phải xiết chặt thêm (trong bối cảnh các điều kiện của Việt Nam). Vậy thì thủ tục nào cần giảm và giảm bao nhiêu là một câu hỏi không dễ trả lời. Trong khi trách nhiệm công việc lớn, quyền lợi không nhiều, chuyện đùn đẩy tránh việc là dễ hiểu.

11. Hệ thống văn bản pháp luật: Có một thực tế là các văn bản chuyên ngành hiện nay do các cán bộ chuyên môn soạn thảo (theo ý kiến cá nhân tôi, cán bộ chuyên môn chỉ đưa ra ý tưởng còn việc lắp ghép thành câu chữ đúng quy định phải do người làm về luật hoàn thiện), thời gian không có nhiều, tiền dành cho việc soạn thảo văn bản rất ít và chậm trễ, trình tự thì các bạn đều hiểu: Luật do Quốc hội, Pháp lệnh do UBTVQH, Thông tư do Bộ trưởng ban hành…. Tuy nhiên nhiều khi do khác nhau về góc nhìn, bên thì nói cần bên thì nói chưa cần nên dẫn đến việc: tiền không có, thời gian bị thúc ép, người làm văn bản đa phần kiêm nhiệm và hơn nữa họ không thể trả lời “không” với lãnh đạo, dẫn đến việc tuổi thọ văn bản ngắn, vẫn còn nhiều sai sót trong văn bản.

12. Thủ trưởng: Xin nói thêm một chút, các bác thủ trưởng do bị quá nhiều sức ép từ trên xuống, nên bản tính cáu gắt đã ngấm vào xương tủy. Ở nước ngoài người ta có hẳn trường lớp dạy cách làm lãnh đạo, cách đối nhân xử thế, cách ứng xử trước công chúng, người dưới quyền. Ở nước ta không có như vậy. Vô hình chung các bác lãnh đạo không mấy khi (có thể nói không bao giờ) biết nói cám ơn cấp dưới, việc làm đúng là nghiễm nhiên, còn làm sai là khiển trách.

Điều này gây rất nhiều ức chế cho cán bộ cấp dưới, và những người này mang nỗi bực tức vào phòng làm việc với dân là dễ hiểu.

Tôi viết vài điều như trên để bạn đọc có thêm một cái nhìn về công việc (từ góc độ cán bộ nhà nước). Tôi đang làm tại một bộ phận được coi là nhạy cảm, tuy trong một bộ phận nhỏ nhưng chúng tôi tự nhận từ năm 2004 đến giờ chúng tôi chưa hề gây khó dễ, đòi hỏi hay gạ gẫm gì đối với các doanh nghiệp hay một công ty, một cơ sở nào. Chúng tôi rất hãnh diện khi nhận được phản ánh từ các đơn vị, công ty rằng nhiều khi gọi điện đến để hỏi các vấn đề có liên quan đều được chúng tôi giải thích cặn kẽ, nhiệt tình thậm chí còn hơn cả những gì họ mong chờ.

Vì chúng tôi tự biết rằng lương của cán bộ nhà nước là từ thuế của người dân mà ra. Tôi cũng không có ý bào chữa cho các thủ tục hành chính, chỉ muốn bạn đọc hiểu thêm những khó khăn mà chúng tôi hàng ngày phải đối mặt. Và giải pháp, theo tôi, phải từ tất cả các ngành, các bên có liên quan, không thể chỉ từ một phía. Việc cần làm là mọi người phải đồng lòng xắn tay lên, đừng đứng ngoài mà phê bình, ca thán, vì nói cho cùng chúng ta đều là những thành viên của xã hội này.

Nhân văn (quangsinhnnhl@yahoo.com.vn):

Trước hết cám ơn Báo Dân trí đã đăng bài: “Bắt mạch” nỗi gian truân khi làm sổ đỏ” để nhiều người gặp vấn nạn này giãi bày tâm sự của việc làm sổ đỏ.

Qua các bình luận trên tôi không thấy ai nói đến việc nộp hồ sơ tại nơi giao dịch 1 cửa từ cấp xã, phường, thị trấn đến cấp huyện, quận, thị xã, thành phố cả, mà chỉ thấy giao dịch trực tiếp với cán bộ (công chức Địa chính) cấp xã, phường, thị trấn, như vậy chậm giải quyết và bị gây khó dễ là chắc chắn. Vì qua bộ phận giao dịch một cửa người ta sẽ cấp phiếu hẹn, nếu trễ hẹn sẽ có lý do chính đáng, nếu tổ giao dịch một cửa làm sai thì các vị có quyền báo lên cấp trực tiếp vào ngày tiếp dân của chính quyền xã, phường, thị trấn đến huyện, quận, thị xã, thành phố qua đây phản ảnh cho lãnh đạo có biện pháp.

Quy trình giải quyết theo cơ chế 1 cửa đã được Chính phủ ban hành. Khi đã chậm trễ không có lý do thì các vị cứ theo luật khiếu nại tố cáo để thực hiện.

Còn theo đề xuất của một số vị là cứ có công chức giải quyết sổ đỏ làm chậm thì thay người khác - việc thay người khác chưa chắc người khác đó đã có chuyên môn để phục vụ tốt, hơn nữa khi thay cán bộ phải có hình thức kỷ luật mà hình thức kỷ luật phải có bằng chứng. Vì vậy các vị làm đúng luật xem thử ai dám làm sai?

Thiên Chi (rivaret79@yahoo.com.vn):

Cám ơn Dân Trí rất nhiều. Dù có thể một số cán bộ nhũng nhiễu không đọc và có đọc thì cũng cho qua. Nhưng diễn đàn này cũng là cơ hội cho hầu như (số đông) những người dân bày tỏ nỗi bực mình về vấn đề làm sổ đỏ và liên quan đến thủ tục đất đai.

Có lẽ một người dân bình thường nhất cũng biết rằng để giải quyết những vấn đề bức xúc về đất đai cũng không phải là khó lắm. Tất cả chỉ cần phổ biến công khai các văn bản, hướng dẫn và thủ tục hành chính lên các báo điện tử, qua mạng Chính phủ điện tử… Và theo tôi một điều quan trọng nữa là chúng ta cùng nhau đoàn kết chống lại những tiêu cực và tệ nạn nhũng nhiễu vì muốn kiếm chác tiền của một số đối tượng biến chất, bằng cách kiến nghị lên cấp trên có thẩm quyền xem họ có làm đúng như luật định không.

Vũ Văn Tiến (tổng hợp)