Sau Tết, cha mẹ có được tiêu tiền lì xì của con?
(Dân trí) - Dưới góc nhìn pháp lý, cha mẹ có được giữ và sử dụng tiền mừng tuổi Tết của các con để chi tiêu hay không?
Trả lời
Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo Điều 75 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản riêng của con bao gồm tài sản do con được tặng cho riêng. Do đó, tiền mừng tuổi được coi là tài sản riêng của con.
Điều 76 Luật này quy định con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự quản lý tài sản hoặc nhờ cha mẹ quản lý. Trường hợp con dưới 15 tuổi hoặc mất năng lực hành vi dân sự, cha mẹ được quản lý tài sản riêng của con tới khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Đối với trường hợp con đang được người khác giám hộ, người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản theo di chúc chỉ định người khác quản lý tài sản thì cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con.
Như vậy, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, cha mẹ được giữ tiền lì xì của con nếu con chưa đủ 15 tuổi, mất năng lực hành vi dân sự hoặc từ đủ 15 tuổi trở lên nhưng có thỏa thuận với cha mẹ về việc quản lý tiền mừng tuổi. Tới khi con đủ 15 tuổi hoặc đã khôi phục năng lực hành vi dân sự, cha mẹ phải trao lại tiền lì xì (tài sản riêng) cho con.
Việc cha mẹ giữ tiền lì xì của con được hiểu là việc quản lý, trông coi tài sản riêng của con và phải hoàn trả cho con khi con đủ điều kiện quản lý tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Về việc sử dụng số tiền trên, nếu không có thỏa thuận giữa con cái và cha mẹ thì cha mẹ không được tự ý tiêu xài số tiền riêng của con.
Ngoài quy định trên, pháp luật thậm chí còn quy định chế tài trong trường hợp cha mẹ cố tình không trao lại tài sản hoặc sử dụng tài sản riêng của con bất hợp pháp. Theo đó, đối với hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên trong gia đình, mức phạt có thể áp dụng là phạt tiền 20-30 triệu đồng, căn cứ khoản 1, Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, đặt cạnh góc nhìn pháp lý, dưới góc nhìn xã hội có thể thấy dù pháp luật đã có quy định nhưng trên thực tế, việc phạt tiền cha mẹ giữ hay tiêu xài tiền của con ít xảy ra, thậm chí chưa xảy ra vì con hầu như không khiếu nại hay tố cáo cha mẹ. Bên cạnh đó, việc chi tiêu phần lớn cũng đều nhằm mục đích phục vụ cho đời sống gia đình hoặc phục vụ các quyền và lợi ích hợp pháp của con.
Hoàng Diệu