Con ăn trộm tiền của bố mẹ: Pháp luật có "bỏ qua"?
(Dân trí) - "Dù cha mẹ và con là quan hệ huyết thống nhưng không đồng nghĩa tài sản của cha mẹ đương nhiên là tài sản của con cái. Sở hữu tài sản của cha mẹ tách biệt với quyền sở hữu, sử dụng của con cái".
Mẹ báo mất trộm, hóa ra thủ phạm là con gái
Ngày 4/7, Công an thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình nhận được tin báo, tố giác tội phạm của chị Hoàng Thị L., trú tại xã Quảng Văn, về việc bị kẻ gian mở két sắt lấy trộm nhiều tài sản có giá trị lớn, gồm 120 triệu đồng tiền mặt và một số vàng, tổng tài sản bị mất trộm khoảng 450 triệu đồng.
Sau khi tiếp nhận đơn trình báo, Công an thị xã Ba Đồn đã huy động lực lượng và khẩn trương triển khai các biện pháp điều tra, xác minh. Quá trình điều tra, cơ quan công an phát hiện con gái của chị L. là Hoàng Thị Hằng có những biểu hiện nghi vấn.
Quá trình thu thập chứng cứ, cơ quan công an phát hiện số tài sản nói trên được cất giấu trong phòng ngủ của Hằng.
Qua đấu tranh, Hoàng Thị Hằng đã khai nhận hành vi của mình. Cụ thể vào khoảng 16h30 ngày 4/7, Hằng về nhà thấy không có ai ở nhà, lúc này do không có tiền tiêu xài cá nhân nên nảy sinh ý định lấy trộm tài sản.
Sau khi rút dây nguồn hệ thống camera trong nhà, Hằng lấy chìa khóa mở két sắt của gia đình lấy trộm tiền, vàng đem cất giấu. Sau đó, Hằng đã gọi điện báo với mẹ về việc két sắt bị kẻ gian mở trộm.
Công an thị xã Ba Đồn đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với đối tượng Hằng về hành vi trộm cắp tài sản.
Con cái lấy tiền của cha mẹ có vi phạm pháp luật không?
Trước thông tin vụ việc, nhiều bạn đọc thắc mắc việc con cái lấy trộm tài sản của bố mẹ có là "ngoại lệ" trước pháp luật không? Trong tình huống này, nếu người mẹ biết trước thủ phạm là con gái, "máu chảy ruột mềm", ắt hẳn người mẹ sẽ không báo án vì không nỡ để con cái phải lâm cảnh tù tội.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: "Dù quan hệ cha mẹ và con là quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng nhưng không đồng nghĩa tài sản của cha mẹ đương nhiên là tài sản của con cái. Sở hữu tài sản của cha mẹ tách biệt với quyền sở hữu, sử dụng của con cái".
Theo đó, hành động con cái lấy trộm tài sản của cha mẹ cũng là xâm phạm quan hệ sở hữu tài sản - khách thể được bảo vệ bởi các quy định của bộ luật hình sự. Hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, được xác định là tội phạm và phải gánh chịu những hậu quả không khác gì việc chiếm đoạt tài sản của người khác trong xã hội.
Tại Bộ luật Hình sự hiện hành không có sự loại trừ, phân biệt nào về việc định tội danh, mức hình phạt khi người phạm tội và bị hại có quan hệ thân thích với nhau. Trộm cắp là hành động lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Theo điều 173, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì việc chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì có thể bị chịu mức án phạt tù lên tới 20 năm.
Cha mẹ nuôi nấng con cái, giành cả cuộc đời cho con nên họ không tiếc, không báo công an nếu biết rằng tài sản đó do con cái lấy đi. Người làm cha mẹ đôi khi không hiểu rằng "pháp bất vị thân". Việc cha mẹ không tố cáo, bao che cho hành vi phạm tội của con có thể gây ra những hậu quả lớn hơn nữa sau này.
Tuy nhiên nếu quá trình điều tra có cơ sở xác định tài sản mà người con lấy đi có một phần thuộc về người con hoặc đã được tặng cho người con thì cơ quan điều tra hoàn toàn có thể kết luận không có hành vi chiếm đoạt hoặc số tiền chiếm đoạt nhỏ hơn.
Nếu nguồn gốc hình thành khối tài sản đó có phần giá trị do người con đóng góp tạo thành thì có thể sẽ giảm giá trị tài sản người này chiếm đoạt. Nguồn tiền đó có thể hình thành do việc bán tài sản chung của hộ gia đình mà người con là thành viên. Hoặc số tiền đó đã được cha mẹ tặng cho con nhưng chưa chuyển giao, do nóng lòng nên người con đã xâm phạm thì cũng có thể xác định không có việc chiếm đoạt tài sản.