Sau ly hôn, vợ có phải trả nợ cho chồng?
(Dân trí) - Một phụ nữ ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đang phải cầu cứu lực lượng chức năng vì liên tục bị dọa giết, bắt trả nợ thay người chồng đã ly hôn từ 3 năm trước.
Chị cho biết mình lấy chồng năm 2018. Sau khi cưới nửa tháng, phát hiện chồng nghiện cờ bạc nặng, chị đã ly thân. Trong quá trình ly thân, chị phát hiện có thai nhưng thấy chồng không thay đổi nên vẫn quyết định ly hôn.
Vợ chồng chị chính thức ly hôn năm 2020, con chung do chị nuôi.
"Kể từ khi ly hôn, tôi không biết chồng cũ đi đâu, làm gì. Thời gian gần đây, tôi liên tục bị nhiều người đến nhà hoặc gọi điện, nhắn tin đe dọa tính mạng 2 mẹ con. Họ bắt tôi phải trả nợ thay chồng cũ. Tôi đã nói rõ chuyện ly hôn từ lâu, không biết chuyện nợ nần nhưng họ không buông tha", chị cho biết.
Từ câu chuyện của người phụ nữ này, nhiều độc giả tỏ ý băn khoăn về vấn đề sau ly hôn, vợ/chồng có nghĩa vụ phải trả nợ thay cho người kia hay không?
Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đối với câu chuyện của người phụ nữ trên, không rõ là các khoản vay của người chồng có phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, hay là từ trước và sau hôn nhân. Bởi điều này liên quan trực tiếp đến trách nhiệm phải trả nợ của chị ấy hay không.
Theo đó, nếu là khoản nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, Điều 27 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định:
"Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng
Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này".
Điều 37 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng như sau:
"Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng
Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường; Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan".
Bên cạnh đó tại Điều 60 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn như sau:
"Điều 60. Giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn
Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết."
Như vậy theo quy định trên, trong trường hợp khoản vay có cả chữ ký của hai vợ chồng thì nghĩa vụ trả số nợ là nghĩa vụ chung của cả hai; tức là dù đã ly hôn thì khi người chồng bỏ trốn, người vợ vẫn phải có trách nhiệm trả nợ thay.
Trường hợp được xác định là nợ riêng của vợ/chồng
Căn cứ tại Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng như sau:
"Điều 45. Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng
Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:
Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn; Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này; Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình; Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng".
Do vậy, căn cứ vào mục đích sử dụng của khoản tiền vay nợ đó để xác định đó là nợ chung hay nợ riêng và vợ chồng có phải cùng trả hay không.
Luật sư Xuyến cho biết, nếu ở trong trường hợp này, cơ quan công an làm rõ được các khoản vay của người chồng không liên quan đến người vợ mà nhóm chủ nợ vẫn liên tục bị đe dọa, khủng bố; thì nhóm người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản và tội gây rối trật tự công cộng.