"Sa lưới" sau 43 năm, nghi phạm vụ sát hại 6 người có thể bị xử lý ra sao?

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, do Việt cố tình bỏ trốn và công an đã ra quyết định truy nã, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn còn do được tính bắt đầu từ ngày nghi phạm bị bắt giữ.

Phan Thanh Việt (71 tuổi, ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vừa bị Công an tỉnh Quảng Ngãi bắt giữ theo quyết định truy nã đặc biệt liên quan tới vụ sát hại 6 người vào năm 1981.

Theo cơ quan chức năng, tháng 4/1981, Việt cùng 4 người khác móc nối tổ chức đưa người dân vượt biên bằng đường biển. Sau khi nhận tiền của một nhóm 6 người dân, nhóm của Việt đưa họ tới bờ biển thuộc khu vực xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, rồi sát hại, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân rồi chia nhau bỏ trốn. Ba người trong nhóm sau đó bị bắt, một người bị công an tiêu diệt vì chống trả, riêng Việt bặt vô âm tín.

Sau 43 năm, nghi phạm bị bắt giữ khi lẩn trốn lại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Tại cơ quan công an, Phan Thanh Việt khai nhận hành vi phạm tội.

Độc giả Dân trí nêu thắc mắc trong trường hợp này rằng, với việc Phan Thanh Việt đã gây án cách đây 43 năm, còn đủ thời điểm để xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với nghi phạm không? Nếu có, tội danh nào có thể được áp dụng?

Sa lưới sau 43 năm, nghi phạm vụ sát hại 6 người có thể bị xử lý ra sao? - 1

Đối tượng Phan Thanh Việt bị bắt giữ sau 43 năm lẩn trốn (Ảnh: Công an Quảng Ngãi).

Theo dõi sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, căn cứ quyết định truy nã của Công an tỉnh Nghĩa Bình (nay là tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định), có thể thấy Việt bị quy kết 2 hành vi là giết người và cướp tài sản. Sau khi bắt giữ nghi phạm, Công an tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục củng cố lời khai, thu thập thêm các tài liệu, chứng cứ để làm cơ sở xử lý hình sự đối với Việt về các hành vi nêu trên.

Trong trường hợp Việt được xác định có các hành vi giết người và cướp tài sản, việc áp dụng căn cứ pháp lý để xử lý nghi phạm sẽ căn cứ Thông tư số 442/TTg ngày 19/1/1955 của Thủ tướng Chính phủ và Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân năm 1970 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, theo Điều 3 Thông tư 442/TTg, người phạm tội Cố ý giết người có thể đối diện mức phạt tù 5-20 năm. Trường hợp dự mưu có thể áp dụng hình phạt cao nhất lên đến tử hình.

Còn Theo Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân năm 1970, người sử dụng bạo lực để chiếm đoạt tài sản riêng của công dân sẽ đối diện khung hình phạt 2-12 năm tù. Trường hợp hành vi có tính chất chuyên nghiệp, có tổ chức hay làm chết người… thì mức phạt áp dụng là phạt tù 10-20 năm, tù chung thân hoặc xử tử hình.

Về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, pháp luật hình sự của Việt Nam trước khi Bộ luật Hình sự 1985 ra đời không quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại Bộ luật Hình sự các năm 1985, 1999 và 2015, thời hiệu dài nhất để truy cứu trách nhiệm hình sự lần lượt là 15 năm (Điều 45 BLHS 1985) và 20 năm (Điều 23 BLHS 1999, Điều 27 BLHS 2015).

Dù quy định về thời hiệu khác nhau song có điểm chung trong các Bộ luật này, đó là đều có quy định về việc nếu người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì thời hiệu tính lại từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Đối chiếu trường hợp trên, có thể thấy hành vi của Việt được thực hiện từ tháng 4/1981, tức quá các mốc thời hiệu 15 năm (BLHS 1985) và 20 năm (BLHS 1999, 2015). Tuy nhiên, do nghi phạm cố tình bỏ trốn và lực lượng chức năng đã ra lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm, thời hiệu sẽ được tính lại từ thời điểm Việt bị bắt giữ.

Do vậy, thời hiệu là vẫn còn và hoàn toàn đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nghi phạm về các hành vi đã thực hiện trước đây.

Việc áp dụng các chế tài đối với nghi phạm cần được đánh giá cẩn trọng, khách quan, tỉ mỉ dựa trên hồ sơ, tài liệu vụ án cũng như các căn cứ pháp lý quy định tại Thông tư số 442/TTg năm 1955, Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân năm 1970 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Hoàng Diệu