Luật sư phân tích vụ công an chĩa súng đe dọa nhân viên y tế
(Dân trí) - Luật sư cho rằng, hành vi sử dụng súng của cán bộ Đội Cảnh sát kinh tế - ma túy huyện Lâm Hà là trái pháp luật, gây mất an ninh trật tự, đe dọa đến tính mạng người khác và có dấu hiệu tội phạm.
Các cơ quan chức năng huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đang xác minh làm rõ vụ một cán bộ công an tên là Nguyễn Duy Ngọ (31 tuổi) cán bộ Đội Cảnh sát kinh tế - ma túy, Công an huyện Lâm Hà chĩa súng vào nhân viên của Trung tâm Y tế huyện.
Trước đó, vào đêm 11/11, một chiếc ô tô 4 chỗ màu trắng chạy tới đỗ trước sảnh Trung tâm y tế huyện Đức Trọng. Một người đàn ông mặc quần jean ngắn, áo màu cam đỏ và một phụ nữ (cả hai đều không đeo khẩu trang) bế cháu nhỏ bước xuống xe rồi cùng một người đàn ông đứng tuổi đi vào bệnh viện.
Bị nhắc nhở đeo khẩu trang, người đàn ông mặc áo màu cam đỏ nổi giận vừa văng tục vừa rút súng chĩa vào nhân viên y tế. Mặc cho người đàn ông trung niên đi cùng ngăn cản, nam thanh niên mặc áo màu cam đỏ vẫn xô đẩy, tiếp tục văng tục, cầm súng chĩa khắp hướng.
Vụ việc đã được camera an ninh tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng ghi lại. Công an huyện Lâm Hà cho biết, đơn vị đã có quyết định đình chỉ công tác đối với cán bộ Nguyễn Duy Ngọ - Cán bộ Đội Cảnh sát kinh tế - ma túy, trực thuộc đơn vị này, để làm rõ, xử lý vụ việc.
Dư luận đặt vấn đề: Công an được sử dụng súng trong trường hợp nào? Công an tự do sử dụng súng sai mục đích bị xử lý như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp một số người được giao sử dụng vũ khí (trong luyện tập; thi đấu thể thao; quân đội; dân quân tự vệ,…) phải sử dụng đúng mục đích; đúng quy định; khi mang vũ khí phải mang theo giấy chứng nhận, giấy phép sử dụng; bảo quản đúng quy trình; bảo đảm an toàn; không để mất, hư hỏng; bàn giao vũ khí và giấy phép cho người có trách nhiệm quản lý; bảo quản theo đúng quy định sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc hết thời hạn được giao.
Theo đó, sĩ quan công an không được tự do sử dụng súng mà chỉ được phép sử dụng khi được giao và phải sử dụng đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật.
Sĩ quan công an sử dụng súng sai mục đích bị xử lý như thế nào?
Khi cá nhân sử dụng súng hơi nói chung, sĩ quan công an không thuộc diện được giao sử dụng hoặc sử dụng trái quy định pháp luật nói riêng thì tùy vào mức độ vi phạm mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
Xử phạt hành chính theo Khoản 3 điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
Xử phạt vi phạm hành chính ở mức từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vũ khí phép; Sử dụng các loại vũ khí trái quy định của pháp luật nhưng chưa gây ra hậu quả; trao đổi, mua bán, tặng cho, cho mượn, cho thuê các loại vũ khí.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều Điều 306 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ.
Như vậy, súng là vũ khí nhạy cảm. Do đó, pháp luật quy định chặt chẽ về việc quản lý, sử dụng súng. Sỹ quan công an phải dùng súng theo đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật. Hành vi sử dụng súng của ông Ngọ là trái pháp luật, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người khác, và có dấu hiệu tội phạm.
Cần xem xét hành vi đe dọa giết người
Luật sư Nguyễn Văn Nghĩa, Công ty Luật TNHH LSX cho rằng, cơ quan chức năng sẽ xem xét làm rõ khẩu súng mà ông Ngọ sử dụng có phải vũ khí quân dụng hay không. Nếu là vũ khí quân dụng, vụ việc là rất nghiêm trọng.
Trường hợp không phải là vũ khí quân dụng nhưng hành vi diễn ra nơi công cộng khiến nhiều người sợ hãi, hoảng loạn, dư luận bức xúc thì đây cũng là sự việc nghiêm trọng.
Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ tháng 7/2018, và với diễn biến sự việc thể hiện qua clip cho thấy việc sử dụng vũ khí của ông Ngọ không phải là đang thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bởi vậy, việc sử dụng vũ khí như vậy là lạm quyền, đe dọa đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người khác.
Bên cạnh đó, nếu ông Ngọ chĩa súng thẳng vào người khác lớn tiếng đe dọa là có thể xem xét dấu hiệu cấu thành của tội "Đe dọa giết người" theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo quy định cấu thành của tội "Đe dọa giết người" quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự, thì hành vi của người đe dọa giết người bằng động tác, bằng lời nói khiến cho người bị đe dọa hoàn toàn lo sợ và tin rằng mình có thể bị giết là đã hội đủ yếu tố cấu thành của tội phạm, cần phải xử lý nghiêm minh đối với người đe dọa giết người này, tránh tình trạng đe dọa dùng bạo lực gia tăng trong xã hội.
Điều 133. Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.
Trong trường hợp không đủ căn cứ để xử lý hình sự, ông Ngọ có thể sẽ phải chịu mức kỷ luật cao nhất là tước danh hiệu công an nhân dân.