Quyết định của Chánh tòa Hà Nội là "vi phạm nặng"

Sáng 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi). Khi thảo luận về nguyên tắc xét xử độc lập của thẩm phán, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Hiện nay, Chánh tòa Hà Nội đang bắt tất cả thẩm phán phải báo cáo lên Chánh án TAND Thành phố, thế thì vi phạm rất nặng rồi”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về nguyên tắc thẩm phán xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, không bị bất kì chỉ đạo nào. Nếu không đảm bảo tính độc lập của thẩm phán, tòa không thể là người bảo vệ công lý, đảm bảo công bằng.

“Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã kiểm tra kĩ để đảm bảo nguyên tắc này chưa. Nếu phát hiện có vấn đề vi phạm thì các đồng chí xử lý sao? “, Chủ tịch Quốc hội nói.

“Về Quyết định 13 của Chánh án tòa án Hà Nội, chúng tôi đang tiến hành chỉ đạo kiểm tra, khi nào có kết luận sẽ báo cáo. Còn Chánh án TAND Hà Nội đã rút quyết định rồi”, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, khi tòa xử rồi mà sai thì tòa phải chịu trách nhiệm."Đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử nhưng cũng phải đảm bảo độc lập chịu trách nhiệm".

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, vấn đề đảm bảo nguyên tắc tranh tụng sẽ được cụ thể hóa trong các luật tố tụng hình sự, dân sự, kinh tế. Tuy nhiên, bước đầu tiên phải đảm bảo trong Luật tổ chức tòa án để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng theo đúng tinh thần Hiến pháp.

“Về vấn đề độc lập của thẩm phán, đây là nguyên tắc Hiến định. Hiến pháp 2013 đã quy định rõ và dự thảo luật đã thể hiện rõ. Dù vậy vẫn có nguyên tắc tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong nguyên tắc xét xử, chúng tôi sẽ chấp hành nguyên tắc này”, ông Trương Hòa Bình nói.

Theo Công Khanh

Tiền phong