Liệu có “tiếp tay” cho “án bỏ túi”!?

(Dân trí) - Giới nghiên cứu cũng như những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật rất quan tâm đến Quyết định ban hành Quy định báo cáo nghiệp vụ xét xử giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự và các khiếu kiện hành chính với Chánh án TAND TP.Hà Nội, do ông Nguyễn Đức Bình, Chánh án TAND TP.Hà Nội ký ban hành ngày 23.1.2013 (gọi là Quyết định 13).

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng Quyết định 13 có những “quy định lạ lùng” và khẳng định Quyết định này là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuần theo pháp luật; nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc của thẩm phán và hội thẩm” (qui định tại khoản 2, điều 103, Hiến pháp 2013).

Tại sao là “lạ lùng”, bởi vì theo Quyết định 13, các phó chánh án, chánh tòa chuyên trách TAND TP.Hà Nội, Chánh án TAND cấp huyện, thẩm phán, thẩm tra viên phải có trách nhiệm báo cáo với Chánh án TAND TP.Hà Nội nhiều loại án, trong đó có: “Các vụ án hình sự sơ thẩm dự kiến xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, chuyển sang loại hình phạt nhẹ hơn hoặc cho bị cáo hưởng án treo; các vụ án dân sự về thừa kế có kỷ phần thừa kế  được tính bằng giá trị; các vụ án mà Chánh án TAND TP thấy cần thiết”…

Ông Chánh án TAND TP Hà Nội muốn thâu tóm quyền hành xét xử vào trong tay nên yêu cầu cấp dưới báo cáo cụ thể việc “dự kiến xử phạt”… cho mình biết trước. Vậy thì ông chánh án TAND TP Hà Nội không tin vào năng lực xét xử của tòa án cấp dưới hay sao?

Nguyên tắc cơ bản nhất đã được Hiến pháp minh định, đó là tòa án độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật. Ông chánh án TAND TP Hà Nội yêu cầu báo cáo là can thiệp vào hoạt động xét xử của thẩm phán, hội thẩm. Báo cáo với mục đích định hướng để ông biết trước, can thiệp  chỉ đạo thì còn gì là độc lập xét xử.

Không can thiệp, chỉ đạo, định hướng mới có được một bản án khách quan đúng pháp luật. Bởi vì, tất cả chứng cứ buộc tội cũng như gỡ tội, bản chất của vụ án được bộc lộ đầy đủ thông qua kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa. Hội đồng xét xử tuyên án dựa trên kết quả tranh tụng chứ không dựa vào bất kỳ sự can thiệp nào khác. Đó mới là độc lập thật sự trong hoạt động tư pháp.

Nhưng thẩm phán, hội thẩm, TAND cấp dưới ở TP Hà Nội độc lập sao được khi phải báo cáo rất cụ thể theo quy định của Quyết định 13, đặc biệt là báo cáo “các vụ án mà Chánh án TAND TP thấy cần thiết”. Vậy thì phải nói trắng ra: Đây là hình thức “duyệt án trước” mà theo ngôn ngữ dân gian là “án bỏ túi”?.

Chưa kể, Chánh án TAND TP Hà Nội đã “duyệt án”, chỉ đạo, hoặc ít nhất là thống nhất quan điểm xử án của TAND cấp dưới, vậy thì kháng án còn có ý nghĩa gì khi TAND TP Hà Nội là cấp tòa phúc thẩm, chẳng lẽ TAND TP Hà Nội “phúc thẩm” chính đường lối xét xử của mình đã thống nhất với tòa sơ thẩm trước đó. Đây mới là điều thực sự nguy hiểm vì rất có thế gây ra oan sai.

Dư luận còn nhớ vụ án căn nhà 194 phố Huế, TA ND TP Hà Nội đã  dùng dằng không đưa vụ án ra xét xử, bất chấp các quy định của pháp luật. Với Quyết định 13 này, càng cho thấy tư duy pháp luật của ông Chánh án TAND TP Hà Nội hình như có vấn đề?

Vậy thì, không chỉ kiến nghị xem xét tính hợp pháp của Quyết định 13, mà cấp thẩm quyền cần xem xét năng lực, trình độ pháp luật của chính ông Chánh án TAND TP Hà Nội - người đã ký ban hành cái quyết định trái với qui định của Hiến pháp.

Lê Chân Nhân