Tấm "giấy thông hành âm tính": Nguy cơ trở thành con dao 2 lưỡi!
(Dân trí) - Người dân ở TPHCM đang đổ xô đi xét nghiệm SARS-CoV-2 làm "giấy thông hành" để tới các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm được nhận định ít có tác dụng trong hoạt động phòng chống dịch.
Chi phí xét nghiệm tốn kém nhưng ít hiệu quả chống dịch
"Tôi cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính mới đủ điều kiện đến công ty để làm việc. Theo quy định, cứ 3 ngày chúng tôi sẽ phải xét nghiệm một lần để xác định bản thân có bị mắc Covid-19 hay không. Thời gian đi xét nghiệm được công ty cho nghỉ, chi phí xét nghiệm của chúng tôi công ty cũng đồng ý chi trả" - Chị N.T.T. công nhân ngụ ở Thành phố Thủ Đức đang làm việc tại công ty trên địa bàn Thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết, khi đến thực hiện test nhanh tại Bệnh viện TP Thủ Đức.
Anh L.V.N. (42 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp) chia sẻ: "Tôi làm nghề tự do, công việc mỗi ngày đều phải tới tỉnh Bình Dương. Hiện nay, mẫu test nhanh Covid-19 chỉ được công nhận trong thời gian 3 ngày, sau đó tôi phải làm lại mẫu khác để có xác nhận âm tính mới đủ điều kiện đi làm. Tính ra mỗi ngày tôi phải tốn hơn 100.000 đồng cho việc xét nghiệm, chưa kể phải tốn ít nhất một buổi nghỉ làm để đi lấy mẫu xét nghiệm. Nghỉ làm thì gia đình sẽ rơi vào khó khăn vì tôi là lao động chính nhưng tình hình này nếu kéo dài cũng sẽ phát sinh nhiều chi phí, tác động không nhỏ đến thu nhập".
Thực tế ghi nhận tại một số bệnh viện thực hiện dịch vụ test nhanh Covid-19 cho thấy, đang có tình trạng tập trung đông người. Trao đổi với phóng viên về tính cấp thiết của "giấy thông hành" bằng kết quả âm tính và hiệu quả phòng chống dịch, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng, "test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 chỉ có giá trị một phần nhỏ".
Theo phân tích của BS Hữu Khanh: "Nếu một người đang trong thời gian ủ bệnh thì "giấy thông hành âm tính" không có giá trị bởi vì có thể vài ngày sau họ sẽ chuyển sang dương tính. Việc định nghĩa sự an toàn căn cứ trên kết quả test nhanh cũng không chắc chắn nếu kéo thời gian càng dài thì nguy cơ nhiễm bệnh càng cao nhưng nếu rút ngắn thời gian thì sẽ tốn rất nhiều chi phí của người dân".
Mặt khác test nhanh Covid-19 nguy cơ trở thành con dao hai lưỡi bởi người test nhanh có kết quả âm tính và những người tiếp xúc có thể ngộ nhận rằng họ đã an toàn dẫn tới chủ quan không tuân thủ thông điệp 5K.
Mặt khác, trong thời gian "giấy thông hành" còn hiệu lực, người có kết quả test nhanh âm tính có thể đi đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, chính điều đó sẽ gia tăng nguy cơ lây nhiễm.
Loạn giá test Covid-19, hàng bắt đầu khan hiếm
Bệnh viện Quân y 175 đang triển khai dịch vụ test nhanh Covid-19 cho người có nhu cầu. Thông tin từ bệnh viện cho biết, mỗi ngày tại đây thực hiện test và trả kết quả cho khoảng 2.000 người. Phí dịch vụ được thực hiện đối với những người đến khám chữa bệnh tại bệnh viện là 300.000 đồng (bệnh viện hỗ trợ 50.000 đồng), người đến test nhanh để lấy kết quả đi làm thì mức phí dịch vụ là 350.000 đồng.
BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết: "Hiện mỗi ngày bệnh viện đang tiếp nhận, thực hiện test nhanh cho khoảng 1.500 đến 2.000 người có nhu cầu xác nhận âm tính để đi làm việc hoặc cần đến các tỉnh thành khác. Chi phí dịch vụ của mỗi người là 350.000 đồng bao gồm phí thực hiện test nhanh 238.000 đồng theo quy định và các khoản phụ thu công khám, vật tư tiêu hao như găng tay, khẩu trang y tế, dụng cụ lấy mẫu".
Trong khi đó, tại Bệnh viện Lê Văn Việt - Giám đốc Bệnh viện, BS Nguyễn Khoa Lý cho biết: "Hiện nay, bệnh viện đã hết mẫu test nhanh, chúng tôi đang phải tạm ngưng dịch vụ này. Bệnh viện đang liên hệ với nhiều đầu mối để mua nhưng tình hình hiện tại rất khó khăn vì không có chỗ nào bán, trong khi đây là nhiệm vụ phải triển khai".
Lãnh đạo một bệnh viện trực thuộc thành phố thông tin: "Chúng tôi đang thực hiện test nhanh cho người đến khám và điều trị bệnh với đúng mức giá được quy định là 238.000 đồng. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, bệnh viện không có nhiều test nhanh để làm dịch vụ nên chúng tôi sử dụng chủ yếu vào mục tiêu phòng thủ, giữ an toàn cho bệnh viện và phục vụ sàng lọc cấp cứu".
Nhu cầu đi lại của người dân sinh sống tại TPHCM đến các tỉnh thành rất lớn, những ngày qua đã ghi nhận có sự tập trung đông người ở các điểm thực hiện xét nghiệm Covid-19.
Từ thực tế trên, BS Hữu Khanh bày tỏ lo ngại, hiện nay thành phố đang thực hiện giãn cách và tuyên truyền sâu rộng thông điệp 5K, xử lý nghiêm đối với những cá nhân tập trung đông người tại nơi công cộng nhưng việc xét nghiệm lại tập trung khá đông người điều này là mâu thuẫn trong công tác phòng chống dịch. Ngoài cộng đồng đang có nhiều F0 lang thang nên các điểm xét nghiệm cần phải có phương án hiệu quả để giữ khoảng cách, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cho người dân.