Quảng Nam: Xã lập barie thu tiền xe chở keo, dân bức xúc

(Dân trí) - Thời gian gần đây, lãnh đạo xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) tiến hành rào barie trên tuyến đường chính vào xã để thu mỗi xe tải chở keo lá tràm 100 ngàn đồng. Vụ việc đã gây bức xúc đối với người dân địa phương.

Từ ngày 9/5, UBND xã Duy Sơn tiến hành thu tiền của các xe tải chở keo trên địa bàn xã. Với mỗi xe, xã yêu cầu nộp 100 ngàn đồng gọi là tiền duy tu, bảo dưỡng đường của xã, đường giao thông nông thôn…

Một dân quân ngồi ngay trạm barie để thu tiền của xe tải. Dân quân này cho biết, không những thu của xe chở keo mà còn thu của xe tải chở đất phục vụ đường cao tốc
Một dân quân ngồi ngay trạm barie để thu tiền của xe tải. Dân quân này cho biết, không những thu của xe chở keo mà còn thu của xe tải chở đất phục vụ đường cao tốc

Tuy nhiên, quyết định này đã bị người dân phản ứng. Trao đổi với PV Dân trí, một người dân ở xã Duy Sơn cho biết, Duy Sơn là một xã miền núi, người dân còn nhiều khó khăn. Cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào rừng với nghề trồng keo lá tràm. 5-6 năm mới thu hoạch được một lứa keo nhưng nay, Ủy ban xã lại “chặn đầu” xe chở keo để thu tiền. Xe nào không đóng tiền thì không cho chở ra.

Tại trạm barie được xã lập lên, theo quan sát của PV Dân trí, hàng ngày có một dân quân ngồi canh để thu tiền của các xe tải. Chiều ngày 18/5, khi PV đến hỏi tên tuổi thì người dân quân này không trả lời. Hỏi ông ngồi đây làm gì, ông nói thu vé của các xe tải. Hỏi thêm thì ông không trả lời và bảo “Có gì anh về hỏi chỉ huy của tôi, tôi không được phép trả lời khi chưa có chỉ đạo của cấp trên”.

Barie được xã dựng lên để thu tiền
Barie được xã dựng lên để thu tiền

Cũng trong chiều 18/5, PV Dân trí đã làm việc với lãnh đạo xã Duy Sơn về ý kiến phản ánh của người dân. Ông Ngô Phi Thâm - Chủ tịch xã Duy Sơn thừa nhận có lập barie để thu tiền chở keo của người mua keo. Ông nói: “Do các xe chở keo đi phá đường nên xã vận động nhân dân đóng góp để sửa chữa đường liên thôn, đường giao thông nông thôn”.

Ông Thâm cho biết, xã có họp với người dân trước khi thu số tiền này. Xã mời các chủ rừng đến họp và nói về quy định trong công tác quản lý bảo vệ rừng và vận động người dân đóng góp sửa chữa đường. Xã đề xuất thu một ke chở keo 200 ngàn đồng nhưng người dân không chịu nên mới giảm xuống còn 100 ngàn đồng. “Cái này là do người dân tự nguyện đóng góp”, ông Thâm khẳng định.


Ông Ngô Phi Thâm - Chủ tịch xã Duy Sơn trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 18/5

Ông Ngô Phi Thâm - Chủ tịch xã Duy Sơn trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 18/5

Khi PV hỏi ông Thâm nếu dân tự nguyện đóng góp sao phải lập barie chặn xe lại thu tiền. Ông Thâm nói: “Đóng barie là tạo công bằng giữa những người đóng và người không đóng”. PV hỏi tiếp: Nếu người dân thống nhất đóng số tiền này thì cần gì đóng barie? Ông Thâm cho rằng, đây là một hình thức quản lý, chủ yếu là “anh” có thống nhất chủ trương hay không thôi.

Chủ tịch xã Duy Sơn cũng cho hay, việc thu tiền này không thông qua UBND huyện Duy Xuyên vì xã thực hiện theo Chỉ thị 17 của UBND tỉnh. “Cái này là thu theo tinh thần Chủ thị 17 của UBND tỉnh và căn cứ theo văn bản về công tác quản lý bảo vệ rừng của Trung ương”, ông Thâm nói.

PV hỏi tiếp Chủ tịch xã Duy Sơn “nếu huyện yêu cầu dừng thì xã có tiếp tục thu nữa không?”. Ông Thâm cho hay, nếu huyện yêu cầu dừng thì xã sẽ dừng nhưng người dân đồng tình thì sẽ thực hiện.

Trao đổi với PV Dân trí về việc xã Duy Sơn thu tiền của xe tải chở keo qua xã, ông Nguyễn Công Dũng - Chủ tịch huyện Duy Xuyên cho biết, chưa nghe xã báo cáo về vụ việc nên không nắm. “Thu 100 ngàn thì thu làm cái chi, để tôi kiểm tra lại rồi sẽ báo”, ông Dũng nói.

Công Bính