Quảng Nam: Hơn 2 thập kỷ mòn mỏi chờ cộng nối thời gian tham gia bảo hiểm xã hội
(Dân trí) - Hơn 20 năm viết đơn gửi các cấp chính quyền địa phương để được hưởng các chế độ theo pháp luật, đến nay hàng chục người lao động trên địa bàn Quảng Nam nghỉ theo chế độ mất sức vẫn chưa nhận được bất cứ chế độ nào đáng lẽ ra họ phải được hưởng.
Theo phản ảnh của những người lao động: Năm 1991-1992, có 387 người lao động trong các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp Nhà nước tại thị xã Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) do nhu thu hẹp sản xuất kinh doanh, tinh giản lao động nên các đơn vị này đã có quyết định cho người lao động nghỉ việc, một số người nghỉ việc về nhà làm nhiều công việc khác nhau kiếm sống, còn một số người tiếp tục được làm việc tại các cơ quan, đơn vị khác của Nhà nước. Những người lao động bị nghỉ việc này đa số là những người tham gia cách mạng có thời gian công tác ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, gian khổ...
Lẽ ra, các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp cho người lao động nghỉ việc phải giải quyết theo Thông tư số 48/TBXH của Bộ LĐ-TB&XH ngày 30/9/1985 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 236/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) về sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách đối với thương binh và xã hội khi đó là: Giới thiệu người lao động đi giám định sức khỏe, nếu người nào đủ điều kiện thì được hưởng chế độ mất sức lao động, còn những người nào không đủ điều kiện thì mới trợ cấp thôi việc 1 lần theo quy định.
Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp này đã giải quyết chế độ cho người lao động khác nhau: có đơn vị làm đúng theo Thông tư số 48 nêu trên của Bộ LĐ-TB&XH giới thiệu cho người lao động đi giám định sức khỏe; còn một số cơ quan, đơn vị không thực hiện đúng theo Nghị định 48 (không giới thiệu cho người lao động đi giám định sức khỏe để làm căn cứ giải quyết chế độ cho người lao động) mà giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc 1 lần.
Tuy nhiên, sau đó các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp này tự thấy giải quyết trợ cấp 1 lần mà chưa giới thiệu người lao động đi giám định sức khỏe là sai theo quy định của Thông tư số 48 nên đã thông báo cho người lao động nộp lại tiền trợ cấp thôi việc đã nhận và giới thiệu họ đi giám định sức khỏe làm chế độ trợ cấp mất sức lao động và người lao động đã đủ điều kiện được cấp sổ mất sức lao động, nhận tiền trợ cấp mất sức lao động được 6 tháng thì Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) ra quyết định tạm dừng giải quyết chế độ cho người lao động, thu hồi sổ mất sức lao động và tiền đã chi trả vào năm 1994.
Từ năm 1994-2013, 387 người lao động này của tỉnh Quảng Nam có đơn khiếu nại, kêu cứu khắp nơi nhưng UBND tỉnh Quảng Nam rất lúng túng trong giải quyết nên chưa có hướng giải quyết được và hồ sơ, giấy tờ của nhiều người lao động cũng chưa đầy đủ do thời gian quá lâu và do đã nộp một số giấy tờ cho Phòng Nội vụ TP Tam Kỳ trước đây…
Đến năm 2013, người lao động được tư vấn pháp lý khiếu nại, kiến nghị có kết quả: Cụ thể là sau nhiều lần làm việc với các Sở, Ban, ngành của tỉnh thì UBND tỉnh Quảng Nam đã đi đến thống nhất: Những người có thời gian công tác dưới 20 năm giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc 1 lần theo quy định của pháp luật hiện hành với số tiền ước tính là 26,5 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của tỉnh và nếu thiếu sẽ xin tạm ứng nguồn từ Trung ương; số người có thời gian công tác 20 năm trở lên hoặc dưới 20 năm nhưng sau đó tiếp tục công tác trong các cơ quan, đơn vị khác có đóng BHXH thì giải quyết cộng nối nếu đủ 20 năm và đủ tuổi theo quy định thì được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng theo quy định hiện hành của Nhà nước và có công văn xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH và đã được 2 Bộ này đồng ý.
Qua rà soát, có 145 người được nhận trợ cấp thôi việc 1 lần đủ hồ sơ và tháng 8/2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã chi trả hơn 10 tỷ đồng cho những người lao động này, những người còn thiếu hồ sơ tiếp tục bổ sung để làm các thủ tục do pháp luật quy định để hưởng chế độ.
Trong số 387 người lao động nêu trên, có 31 đối tượng đủ điều kiện được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng đã được Bộ LĐ-TB&XH đồng ý.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có chỉ đạo quyết liệt yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam phối hợp với BHXH tỉnh Quảng Nam và các cơ quan có liên quan tiến hành họp để làm các thủ tục cần thiết để giải quyết chế độ chính sách cho 31 đối tượng nêu trên nhưng đến nay, các đối tượng này vẫn chưa được giải quyết.
Ngày 13/11/2015, 7 trong số 31 trường hợp nêu trên đã có đơn gởi đến các cấp, BHXH Việt Nam và các cơ quan báo chí nhờ can thiệp, giải quyết để họ được cộng nối thời gian tham gia bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Theo những hộ dân này, ngày 22/8/2014 của UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gởi Bộ LĐ-TB&XH đề nghị cho phép cộng nối thời gian tham gia BHXH cho 31 đối tượng bị tạm dừng, chưa giải quyết chế độ trong giai đoạn 1991-1994.
Trên cơ sở đó, ngày 6/7/2015, Bộ LĐ-TB&XH đã có Công văn về việc cộng nối thời gian công tác để hưởng BHXH gởi UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý với đề nghị của tỉnh vận dụng giải quyết tính cộng nối thời gian công tác trước khi nghỉ việc với thời gian đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH đối với 31 đối tượng đã được tỉnh Quảng Nam rà soát.
“Nhận được công văn của Bộ LĐ-TB&XH, chúng tôi rất vui mừng vì đã hơn 20 năm qua chúng tôi cầm hồ sơ đi kêu cứu, gõ cửa các cơ quan Nhà nước từ trung ương tới địa phương, nhưng vẫn chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quan tâm xem xét giải quyết thấu đáo cho chúng tôi và đa số các anh chị em chúng tôi hiện nay đều đã già yếu, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, một số người bị bệnh tật rất thê thảm nên rất cần được giải quyết chế độ để có điều kiện về kinh tế đỡ bớt một phần khó khăn trong cuộc sống ở tuổi già”, đơn của các hộ dân viết.
Bà Lê Thị Kim Hoa (SN 1956, trú 175 Hùng Vương, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) là một trong 7 hộ dân đứng đơn cho hay, UBND tỉnh Quảng Nam đã có chỉ đạo quyết liệt yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam phối hợp với BHXH tỉnh Quảng Nam và các cơ quan có liên quan tiến hành họp để làm các thủ tục cần thiết để giải quyết chế độ chính sách cho chúng tôi đúng theo quy định của pháp luật và có xem xét đến tình hình thực tế lịch sử để lại đối với từng trường hợp cụ thể của chúng tôi để giải quyết dứt điểm, thấu đáo chế độ chính sách cho chúng tôi.
“Tuy nhiên, chúng tôi rất thất vọng và bức xúc khi được biết BHXH tỉnh Quảng Nam không đồng ý với lý do 31 hồ sơ của 31 người nêu trong các văn bản nêu trên của UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ LĐ-TB&XH thì mỗi hồ sơ một khác và trách nhiệm của BHXH tỉnh Quảng Nam chỉ có trách nhiệm giải quyết chế độ cho 31 đối tượng nêu trên từ thời điểm năm 1995 trở về sau. Bởi vì, BHXH Việt Nam được thành lập theo Nghị định số: 19/CP ngày 16/1/1995 của Chính phủ về việc thành lập BHXH Việt Nam. Giai đoạn trước năm 1995, thì trách nhiệm giải quyết chế độ thuộc về Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam… và nhiều lý do khác không chính đáng để né tránh giải quyết chế độ cho chúng tôi hoặc kéo dài thời gian giải quyết chế độ chính sách cho chúng tôi”, bà Hoa trình bày.
Bà Hoa bức xúc: “Việc giải quyết chế độ chính sách cho các trường hợp như đã trình bày ở trên một lần nữa lại bị chậm trễ chưa biết khi nào mới được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, mặc dù chúng tôi đa số đều là những người già yếu, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn và có một số người bị bệnh tật rất thê lương…”.
Ngày 19/11, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thành Khả - Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam cho biết, Sở đã tập hợp các công văn của UBND tỉnh Quảng Nam và các đơn vị liên quan gởi lên BHXH Việt Nam, khi nào có kết quả sẽ thông báo cho các trường hợp này.
Công Bính