Quảng Nam: Người nông dân tần tảo trồng cây, nhiều người vào tranh thu hoạch
(Dân trí) - Đến khi thu hoạch keo đã trồng được 5 năm để trả đất cho chủ thì ông Đỗ Văn Hùng bất ngờ bị gây khó dễ với sự xuất hiện của một người thứ 2 cũng cho rằng mình trồng keo trên diện tích này. Sự việc nhùng nhằng, xã không giải quyết được khiến cho 5 tấn keo tươi bị bỏ khô.
Theo đơn khiếu nại của ông Đỗ Văn Hùng (trú thôn Thạnh Phú) gởi UBND huyện Đại Lộc và các cơ quan báo chí, vào năm 2012, sau khi được sự đồng ý của người chủ mảnh đất rừng diện tích 2.500m2 (thuộc thôn Thạnh Phú), vợ chồng ông đã phát dọn và trồng keo trên diện tích đất này.
Vào ngày 23/3/2017, khi keo đã lớn và người chủ khu đất trên yêu cầu trả lại đất nên ông Hùng tiến hành khai thác. Khi vợ chồng ông khai thác keo được khoảng 5 tấn thì bỗng dưng ông Huỳnh Văn Bình và ông Trần Văn Thuận (trú thôn Thạnh Phú) kéo vào tranh giành, không cho khai thác, họ nói vì có tham gia trồng keo, yêu cầu ông phải chia đôi số tiền bán keo.
Thấy chuyện vô lý, ông Hùng không đồng ý. Ông nói, khi ông trồng keo ở diện tích rừng này người dân trong thôn ai cũng biết; lúc ông trồng, ông Bình với ông Thuận cũng không nói gì, vả lại đất này cũng không liên quan đến họ. Sau đó Công an xã Đại Chánh lên lập biên bản yêu cầu ông không được khai thác, giữ nguyên hiện trạng chờ xã giải quyết. Dù thấy vô lý nhưng ông vẫn chấp hành.
Ông Hùng bức xúc: “Chờ đợi mãi, tôi vẫn không thấy xã giải quyết, trong khi số keo khai thác dần bị khô héo, mất giá trị. Tôi xuống báo với xã cho tôi chở số keo đã khai thác đi bán, sau đó về đưa hóa đơn và tiền cho xã giữ để số keo này không bị hư nhưng không nhận được sự đồng ý của chính quyền xã Đại Chánh”.
Ông Hùng bức xúc vì vụ việc không được xã giải quyết rốt ráo khiến 5 tấn keo bị khô không bán được
Tiếp đó, ngày 9/4, sau khi báo cho xã, ông Hùng đã thuê xe vào vận chuyển số keo đã khai thác đi bán nhưng ông Bình và ông Thuận đưa vợ con nằm giữa đường, ngăn cản không cho xe vào chở. Ông gọi điện cho chính quyền xã nhưng không có ai đến.
Đến ngày 20/4, gần một tháng sau ngày ông khai thác keo, Chủ tịch UBND xã Đại Chánh - ông Nguyễn Thanh Vinh có mời cả 3 người đến giải quyết. Xã đưa ra hướng giải quyết là chia đôi số tiền bán keo, ông Hùng một nửa còn ông Bình và ông Thuận một nửa.
Thấy vô lý, ông Hùng không đồng ý vì theo ông họ có trồng đâu mà đòi ăn chia với ông. “Tôi nói với ông Bình và ông Thuận rằng, đi hỏi cả thôn Thạnh Phú ai làm chứng cho hai ông có tham gia trồng keo trên mảnh đất đó thì tôi sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và danh dự. Tự nhiên đòi chia phần số keo mà vợ chồng tôi vất vả trồng, chăm sóc mấy năm qua. Sau đó, Ủy ban xã có yêu cầu chở keo đi bán nhưng tôi không đồng ý, vì số keo đã bị khô héo, mất giá trị, chở đi bán thì ai mua?”, ông Hùng bức xúc.
Vì sao ông Bình và ông Thuận lại đòi chia phần số keo với ông Hùng khai thác, vì sao UBND xã Đại Chánh lại chậm giải quyết vụ việc tưởng chừng đơn giản này? Theo lời của ông Hùng, là bởi vì ông Bình là em ruột của Bí thư xã Đại Chánh và là anh em cô cậu ruột với ông Võ Ngọc Huệ - Phó Chủ tịch xã Đại Chánh.
Trao đổi với PV Dân trí, nhiều người dân thôn Thạnh Phú cũng xác nhận việc ông Hùng đã trồng keo trên diện tích này từ năm 2012. Ông Huỳnh Văn Năm, một người dân thôn Thạnh Phú cho biết, từ trước đến nay ông chỉ thấy vợ chồng ông Hùng trồng và chăm sóc diện tích keo này chứ không có ai khác
Còn ông Mai Văn Anh (thôn Thạnh Phú), cũng xác nhận vào khoảng năm 2012, ông Hùng có rủ ông trồng cây keo tại khu rừng ông Trung, nay đã bán lại cho ông Phúc (chủ diện tích rừng trên- PV) nhưng ông không làm, sau đó ông Hùng làm một mình.
Ông Hùng trao đổi với PV
Để tìm hiểu cụ thể vụ việc, sáng 8/5, PV Dân trí gọi điện cho ông Nguyễn Thanh Vinh - Chủ tịch UBND xã Đại Chánh - để hẹn cuộc gặp vào buổi chiều; tuy nhiên ông Vinh nói ông bận đến thứ Tư mới rảnh và nói với PV chiều cứ ghé Ủy ban xã sẽ có ông Võ Ngọc Huệ tiếp và trao đổi.
Chiều cùng ngày, PV đến Ủy ban xã Đại Chánh và xin gặp trao đổi với ông Võ Ngọc Huệ về đơn khiếu nại của ông Hùng. Tuy nhiên, lúc này ông Huệ nói đến giờ họp Đảng ủy nên từ chối tiếp xúc và chỉ PV ra phòng Công an xã gặp anh Quốc để làm việc.
Sau đó, PV trao đổi với ông Võ Đình Quốc - Phó Công an xã Đại Chánh kiêm cán bộ lâm nghiệp xã. Ông Quốc cho biết: Cây là của ông Hùng trồng nhưng đất là của công ty khác. Nhưng giờ cả 2 người (ông Hùng và ông Bình) đều khai có trồng và cả hai bên đều có người làm chứng. Sau đó, Ủy ban có mời xuống làm việc. Tuy nhiên, hai bên không thống nhất chia đôi số cây đó nên Ủy ban có hướng dẫn ông Hùng kiện ra tòa nhưng ông Hùng không chấp nhận.
Ông Quốc cho hay, ngày 9/4, ông Hùng tiếp tục khai thác lần nữa. Hôm đó trúng Chủ nhật Ủy ban không làm việc, ông Bình vô ngăn cản không cho chở đi. Vì sợ khô nên Ủy ban quyết định bán số keo, số tiền bán được sẽ do Ủy ban giữ và sau đó ra tòa giải quyết bên nào thắng Ủy ban trả tiền lại nhưng ông Hùng cũng không thống nhất.
Ông Hùng còn “tố” ngày 3/5, khi ông được công an xã mời làm việc thì bị “đập bàn, thu điện thoại”; ông Quốc khẳng định công an không đập bàn mà chỉ hỏi làm việc rõ ràng. Còn việc thu điện thoại, ông Quốc nói là yêu cầu ông Hùng để điện thoại trên bàn vì đang làm việc lỡ có ai gọi tới ảnh hưởng đến công việc.
Khi PV hỏi về hồ sơ của ông Bình trong vụ tranh chấp, ông Quốc cho hay ông Bình có làm đơn có người chứng kiến việc ông trồng keo và hiện lá đơn kẹp trong hồ sơ. Còn hồ sơ Văn phòng Ủy ban đang giữ, chờ anh Vinh (Chủ tịch xã) làm việc với văn phòng nói photo đưa. Sau đó, PV gọi điện cho ông Vinh xin hồ sơ vụ việc nhưng ông Vinh không trả lời.
C.Bính-B.Trâm