Quảng Nam: Chờ đợi mỏi mòn nhưng chưa được cấp “sổ đỏ” với lô đất đã mua
(Dân trí) - Đấu giá được một lô đất và đóng tiền đủ cho UBND xã từ năm 2009 nhưng đến nay một số hộ dân vẫn chưa được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Để tìm hiểu về vụ việc, PV Dân trí đã gặp ông Bùi Xuân Vinh - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Đại Lộc. Ngày 22/2, ông Nguyễn Quốc Vũ - cán bộ thẩm tra hồ sơ của đơn vị này đã phản hồi về vụ việc.
Theo ông Vũ, việc chậm trễ hồ sơ (GCNQSDĐ-PV) của 11 hộ gia đình, cá nhân tại xã Đại Phong trong 8 năm qua, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Đại Lộc không biết.
Theo đó, ngày 18/10/2016, cán bộ địa chính xã Đại Phong nộp hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho 11 hộ gia đình, cá nhân được giao đất tại xã Đại Phong cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, qua kiểm tra hồ sơ thì Chi nhánh phát hiện hồ sơ có một số vấn đề sai sót.
Một là hồ sơ không có Quyết định giao đất cho hộ gia đình, cá nhân của UBND huyện Đại Lộc, không có giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Khoản 3, Điều 68, Nghị định 43.
Trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất được quy định như sau: Cơ quan tài nguyên và môi trường hướng dẫn chủ đầu tư lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất; ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất.
Người được giao đất, cho thuê đất nộp tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, nộp tiền thuê đất đối với trường hợp cho thuê đất; Cơ quan tài nguyên và môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tổ chức giao đất trên thực địa và trao Giấy chứng nhận cho người được giao đất, cho thuê đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Theo Quyết định 586/QĐ-UBND ngày 10/2/2015 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc công bố thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng có quy định: Thủ tục đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu phải có các giấy tờ sau: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ ngày 15/10/1993 đến ngày 1/7/2014.
Hai là Quyết định phê duyệt phương án khai thác bố trí đất ở có thu tiền giai đoạn 2007-2008 được phê duyệt năm 2008, nhưng đến năm 2010 UBND xã Đại Phong mới tiến hành giao đất theo giá cũ mà không thực hiện việc điều chỉnh giá theo quy định. (Lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc có bút phê cho phép UBND xã Đại Phong tiếp tục triển khai phương án năm 2009, phương án được phép kéo dài, tuy nhiên phải điều chỉnh giá theo giá đất hằng năm).
Ba là không có biên bản họp xét, niêm yết công khai về các trường hợp được giao đất không qua hình thức đấu giá. Điểm g, khoản 2, điều 118 Luật Đất đai quy định về việc giao đất ở không thông qua hình thức đấu giá: Giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại xã mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở.
Bốn là biên lai thu tiền mà UBND xã Đại Phong cung cấp cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Đại Lộc không đúng quy định. Đó chỉ là biên lai thu tiền của xã mà không phải là giấy nộp vào ngân sách Nhà nước.
“Vì các lý do trên, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Đại Lộc từ chối tiếp nhận hồ sơ vì vượt quá chức năng và quyền hạn của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Đại Lộc và yêu cầu UBND xã Đại Phong làm việc với Phòng TN-MT, xin ý kiến chủ trương của các cơ quan cấp trên để có hướng xử lý hồ sơ nhưng đến nay UBND xã Đại Phong vẫn chưa bổ sung hồ sơ”, ông Nguyễn Quốc Vũ nói.
Đến ngày 17/2/2017, UBND huyện Đại Lộc có công văn số 371/UBND-VP giao Phòng TN-MT phối hợp với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Đại Lộc kiểm tra, tham mưu UBND huyện xem xét, giải quyết nội dung đề nghị của UBND xã Đại Phong, báo cáo kết quả về UBND huyện trước ngày 28/2/2016.
Công Bính