Quảng Bình: Dân tố thôn “ép” trích lại tiền đền bù để xây dựng nông thôn mới!
(Dân trí) - Nhiều người dân thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình gửi đơn đến báo Dân trí phản ánh, chính quyền xã và thôn tự lập hội đồng thu tiền bồi thường từ một dự án và “ép” họ trích lại 30 - 40% số tiền đền bù để xây dựng nông thôn mới.
Xã, thôn "tranh" đất của dân
Cánh đồng Sào Sạn ở xã Quảng Phú được người dân thôn Nam Lãnh khai hoang từ năm 1986 để trồng lúa và hoa màu. Tuy nhiên, đến năm 2011, một số diện tích đất khai hoang, phục hóa của bà con trên cánh đồng này bị thu hồi để xây dựng Khu tái định cư cho Dự án Khu công nghiệp Hòn La II
Điều đáng nói, trước khi chủ đầu tư dự án tiến hành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, lãnh đạo UBND xã Quảng Phú và thôn Nam Lãnh đã nhiều lần tổ chức họp dân để lấy ý kiến về việc phân chia tiền bồi thường, đồng thời khẳng định diện tích đất Sào Sạn là đất 5% của UBND xã. Tuy nhiên, khi bà con nhân dân yêu cầu phía chính quyền xã Quảng Phú đưa ra văn bản, giấy tờ liên quan chứng minh diện tích trên là đất 5% của xã thì phía chính quyền UBND xã không chứng minh được.
Sau đó, chính quyền UBND xã này lại khẳng định rằng, diện tích trên đang diễn ra tranh chấp giữa xã và nhân dân thôn Nam Lãnh nên xã bàn giao lại vụ việc cho chính quyền thôn Nam Lãnh và người dân tự bàn bạc, xử lý.
Bức xức trước việc làm trên, anh H., một người dân ở thôn Nam Lãnh phát giác: “Khi được xã giao trách nhiệm, chính quyền thôn lúc này lại khẳng định số diện tích đất trên phải quy vào diện tích đất của thôn. Toàn bộ số tiền đền bồi thường, hỗ trợ thôn sẽ nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, số đất khai hoang của bà con đã có số thửa, trích lục bản đồ và quy chủ có tên trên bản đồ”.
Điển hình như gia đình ông Lê Thăng Long (SN 1975, ở Đội 3 - thôn Nam Lãnh). Ông Long cho biết, gia đình ông có gần 3 sào ruộng nằm ở thửa đất số 408, do ông Lê Nhẫn (là bố ông Long) khai hoang từ năm 1986, sau đó giao quyền cho ông sử dụng trồng hoa màu từ bao năm nay. Đến năm 2010, khi đoàn địa chất 104 về đo đạc lập hồ sơ địa chính, ông Long nhiều lần lên xã kê khai xin cấp GCNQSĐ nhưng UBND xã không đồng ý.
Trước sự việc trên, UBND huyện Quảng Trạch từng có văn bản số 190/QĐ - UBND vào ngày 27/1/2016, với kết luận: “Các hồ sơ, tài liệu về quản lý đất đai từ thời điểm thu hồi đất trở về trước không đủ căn cứ để khẳng định thửa đất số 408, tờ bản đồ 32 là đất 5% thuộc quyền quản lý của UBND xã Quảng Phú, đồng thời UBND xã Quảng Phú cũng không có hợp đồng cho hộ gia đình ông Lê Thăng Long thuê đất 5% tại thửa đất này”.
Kết luận còn nói rõ thửa đất này do hộ gia đình ông Long khai hoang sử dụng (không phải đất nhà nước giao) và đã sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp từ trước ngày 15/10/1993. Căn cứ các quy định của pháp luật thì hộ gia đình ông Long đủ điều kiện cấp GCNQSD đất theo khoản 4, điều 50 của Luật Đất đai 2003.
“Tuy huyện đã có văn bản gửi về và tôi đã hàng chục lần lên xã kê khai để làm sổ đỏ nhưng xã không đồng ý mặc dù tôi có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp lệ về số diện tích trên. Họ cho rằng đây là đất 5% của xã nhưng thực tế đất này được bố tôi khai hoang từ năm 1986, sau khi bố tôi mất thì giao lại cho tôi quản lý và sử dụng”, ông Long bực dọc.
Theo điều tra của phóng viên, ở thôn Nam Lãnh, ngoài gia đình ông Long còn có rất nhiều hộ dân khác cũng nằm trong tình cảnh tương tự.
Dân tự nguyện trích tiền hỗ trợ hay thôn ép?
Sau khi tranh giành 5% số diện tích đất trong diện được đền bù, hỗ trợ với dân bất thành, chính quyền UBND xã Quảng Phú và thôn Nam Lãnh “hiến kế” và lên phương án tự ý lập hội đồng thu tiền đền bù, hỗ trợ của bà con.
Tại một cuộc họp thôn, đại diện của UBND xã Quảng Phú và cán bộ thôn Nam Lãnh đã đề xuất khi diện tích trên được thu hồi và nhận tiền bồi thường thì bà con nhân dân phải trích lại 30-40% số tiền được đền bù cho thôn để xây dựng nông thôn mới.
Sau đó, thôn Nam Lãnh đã tự ý làm một văn bản “giấy hỗ trợ tiền” cùng một phiếu thu và bà con ai muốn nhận tiền hỗ trợ thì phải trích lại 30-40% số tiền được đền bù cho thôn trên danh nghĩa “tự nguyện”?
Người phải trích lại số tiền cao nhất là hộ ông Lê Thanh Quế (SN 1952) có diện tích hơn 2 sào ruộng ở Sào Sạn được hưởng số tiền bồi thường khoảng hơn 200 triệu đồng, tuy nhiên phải nộp lại cho thôn 72 triệu đồng. “Khi chồng tôi đến nhận tiền, nghe cán bộ nói muốn nhận được tiền hỗ trợ thì phải đóng lại từ 30-40% cho thôn, nếu ai không đóng lại thì không lấy tiền được. Vì không muốn bị họ làm khó nên chồng tôi và nhiều người dân khác buộc lòng phải đóng”, bà Phạm Thị Lợi (vợ ông Quế) bức xúc.
Còn ông Lê Quang Trung (SN 1956) cho hay, nhà ông có diện tích 8 thước ruộng nhưng chỉ nhận tiền đền bù có 50 triệu đồng, rồi nộp lại cho thôn 15 triệu đồng. “Tôi đến nhận tiền thì cán bộ đưa cho cái giấy bảo mình ký tên rồi họ trích lại số phần trăm tiền được đền bù luôn”, ông Trung nói
Tượng tự, nhiều hộ gia đình khác như hộ bà Tưởng Thị Thắm có diện tích 2 sào cũng bị thôn trích lại 60 triệu đồng, hộ ông Lê Văn Hòa 25 triệu đồng và 4 hộ gia đình khác là ông Lê Thanh Hải, Lê Văn Lệ, Nguyễn Đình Trung, Nguyễn Quốc Đí bị thôn “xẻo” với tổng số tiền 106 triệu đồng.
Riêng ông Lê Thăng Long do không đồng ý với khoản tiền bị thôn "trưng thu" 30-40% nên đến bây giờ vẫn chưa nhận được tiền bồi thường, dù ông đã nhiều lần lên gặp chính quyền xã Quảng Phú để phản ánh nhưng không nhận được sự hợp tác và giải quyết. “Mới đây, người của Ban quản lý dự án đã đến gia đình tôi yêu cầu đền bù số đất trên với giá 16,5 triệu đồng/sào (trong khi những hộ khác là 98 triệu/sào), nhưng chúng tôi không đồng ý”, ông Long cho biết.
Được biết, căn cứ vào quyết định bồi thường, tái định cư cho người có đất bị thu hồi ở Sào Sạn của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Quảng Trạch áp giá đền bù thì cứ 1 sào ruộng mỗi hộ dân được hưởng mức bồi thường, hỗ trợ 99 triệu đồng.
Làm việc với PV Dân trí về vấn đề này, ông Lê Nhớ Thương, Trưởng thôn Nam Lãnh thừa nhận có việc người dân trích lại 30-40% số tiền được bồi thường, hỗ trợ từ dự án tái định cư ở cánh đồng Sào Sạn để cho thôn xây dựng nông thôn mới. “Việc này đã được bà con thống nhất và từ nguyện chứ chúng tôi không ép buộc”, ông Thương quả quyết.
Ông Thương cũng cho biết thêm, trước đây là đất của dân, nhưng khi có chủ trương dồn điền đổi thửa thì đã được chia lại nên không còn là đất của dân nữa. Tuy nhiên, có nhiều hộ dân đứng tên nên khi nhận đền bù họ "tự nguyện" trích lại để xây dựng nông thôn mới.
Theo điều tra của PV Dân trí, phần lớn những hộ gia đình được nhận tiền đền bù, hỗ trợ từ dự án này, cuộc sống đang còn gặp rất nhiều khó khăn, bởi vậy việc “tự nguyện” đóng từ 5 đến 72 triệu đồng cho thôn là điều rất “bất thường”?!
Đặng Tài - Tiến Thành