Quảng Bình: Dân kêu trời vì sống giữa hai nhà máy gây ô nhiễm môi trường!

(Dân trí) - Nhiều năm trở lại đây, hàng chục hộ dân tại hai thôn Xuân Kiều và Thanh Lương của xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình rất bức xúc trước việc hai nhà máy sản xuất tấm lợp Fibrocement và gạch tuynel gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân địa phương.

Người dân xã Quảng Xuân lo lắng vì phải sống cạnh hai nhà máy

Theo phản ánh của hàng chục hộ dân tại hai thôn Xuân Kiều và Thanh Lương, nhiều năm nay họ đang phải sống chung với khói bụi và chất thải từ Nhà máy tấm lợp Fibrocement Cosevco và Nhà máy gạch tuynel Ba Đồn đóng ở địa bàn xã Quảng Xuân.

Các hộ dân sinh sống quanh hai nhà máy này cho biết, hai nhà máy này đã đóng trên địa bàn gần 20 năm nay và quá trình hoạt động đã xả ra nhiều khói bụi, chất thải. Gần đây tình trạng mắc bệnh về đường hô hấp và các bệnh ngoài da có chiều hướng gia tăng nên người dân cho rằng khói bụi và chất thải từ nhà máy chính là nguyên nhân.

Nhà máy Gạch Tuynel Ba Đồn
Nhà máy Gạch Tuynel Ba Đồn

Dẫn chúng tôi trực tiếp đi xem bãi thải ngói vỡ và hồ chứa nước thải của Nhà máy tấm lợp Fibrocement Cosevco sát nhà mình, chị Trần Thị Cúc (SN 1971), một hộ dân sống cạnh nhà máy ngói này bức xúc cho biết, cứ mỗi lần mưa là nước xi măng chảy hết vào nhà, ngấm vào nước, cả gia đình tắm rửa ai cũng bị ngứa, cả nhà chị không dám dùng nước giếng để ăn mà phải mua nước bình. Thực trạng này không chỉ khiến gia đình chị Cúc mà rất nhiều hộ dân ở gần nhà máy nói trên vô cùng lo lắng.

Nước thải bẩn chảy từ nhà máy ra ngoài và thấm vào vườn đất nhà dân
Nước thải bẩn chảy từ nhà máy ra ngoài và thấm vào vườn đất nhà dân

“Nhà máy gạch tuynel thì xả khói từ đêm đến sáng ngày, khói bụi bay hết vào nhà nên rất khó chịu, còn đối với Nhà máy tấm lợp Fibrocement thì mỗi lần sản xuất là bụi xi măng lại bay hết vào nhà dân, nước thải của nhà máy này cũng thường tràn ra ngoài, nhất là ngày mưa lũ, ngấm vào đất, nước ngầm, trong đó có chất amiang chúng tôi được biết rất độc hại, có thể gây ung thư nên dân ở đây rất lo nếu tình trạng này cứ kéo dài”, anh Võ Xuân Lộng (SN 1983), trú thôn Xuân Kiều, xã Quảng Xuân nói.

Nhà máy Tấm lợp Fibrocemen Cosevco
Nhà máy Tấm lợp Fibrocemen Cosevco

Ngoài ra, người dân còn phản ánh các hoạt động xả thải gây ô nhiễm làm cá chết ở ao hồ phía sau 2 nhà máy khiến nhiều diện tích ao hồ của nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản phải bỏ hoang. “Tui từng có 4 ao cá nhưng nhiều năm nay phải bỏ hoang vì không thể nuôi nổi, cứ nuôi là bị chết nên không dám nuôi lại”, ông Trần Văn Đại, (SN 1967) buồn rầu.

Để hiểu rõ hơn về các vấn đề người dân phản ánh, chúng tôi đã tìm đến Nhà máy tấm lợp Fibrocement Cosevco để tìm hiểu, theo phản biện của ông Đào Xuân Quang, Giám đốc phụ trách nhà máy, nhà máy này vận hành đều đảm bảo quy trình an toàn môi trường, các chỉ tiêu thanh kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN – MT) Quảng Bình cũng đạt tiêu chuẩn.

Bãi thải tấm lợp Fibrocemen sát với nhà dân
Bãi thải tấm lợp Fibrocemen sát với nhà dân

“Về việc phản ánh của người dân chúng tôi cũng nhận được rất nhiều, Sở TN - MT cũng đã lập đoàn thanh tra, lấy mẫu để kiểm tra, kết quả mới nhất của đoàn thanh tra cho thấy các chỉ số đều đảm bảo không vượt mức, trong quá trình sản xuất nhà máy nào cũng phải có bụi, nhưng chỉ trong nhà máy, chứ không đến mức gây ô nhiễm ra bên ngoài”, ông Quang quả quyết.

Ngói vỡ tấp đầy bên cạnh nhà dân
Ngói vỡ tấp đầy bên cạnh nhà dân

Vị Giám đốc nhà máy này cũng thừa nhận trong quá trình sản xuất nước thải được đưa về hồ lắng, việc nước ngấm vào lòng đất là không thể tránh khỏi, tuy nhiên thì theo kết quả kiểm tra của Sở TN - MT thì nước tại hồ vẫn không vượt chỉ tiêu về an toàn, nước này chúng tôi tiếp tục dùng lại để sản xuất chứ không xả thẳng ra ngoài. Còn về ngói vỡ đang tập kết phía sau công ty, sở cũng đã yêu cầu công ty phải sớm di chuyển hết.

Quảng Bình: Dân kêu trời vì sống giữa hai nhà máy gây ô nhiễm môi trường! - 6
Chị Cúc cho rằng nước thải xi măng từ nhà máy gần nhà là nguyên nhân chị và các thành viên trong gia đình mắc bệnh ngoài da
Chị Cúc cho rằng nước thải xi măng từ nhà máy gần nhà là nguyên nhân chị và các thành viên trong gia đình mắc bệnh ngoài da

Về phía chính quyền địa phương, ông Phạm Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân cho biết trước sự việc mà người dân phản ánh, xã cũng đã có công văn gửi Sở TN&MT tỉnh đề nghị kiểm tra. Sở TN&MT cũng đã có công văn trả lời rằng mạch nước ngầm nằm trong quy chuẩn và giới hạn cho phép, không ô nhiễm (?!).

Hồ chứa nước thải của Nhà máy Tấm lợp Fibrocement Cosevco
Hồ chứa nước thải của Nhà máy Tấm lợp Fibrocement Cosevco

Theo ông Hòa, mấy lần họp ở huyện, ông cũng đã đề nghị nên có những biện pháp với Nhà máy tấm lợp Fibrocement bằng cách thay đổi mô hình công nghệ sản xuất sản phẩm khác như gạch không nung tránh thải chất Amiăng độc hại.

Bài, ảnh: Tiến Thành - Đặng Tài