Phú Yên: Chợ tiền tỷ xây xong vẫn đìu hiu vì nhiều tiểu thương không mặn mà!
(Dân trí) - Cho rằng khi xây chợ Yến mới không họp bàn dân, đồng thời có lợi ích nhóm của một số cán bộ địa phương trong việc xây chợ nên nhiều tiểu thương cương quyết không di dời từ chợ Yến cũ sang mới, khiến ngôi chợ mới dù được đầu tư xây dựng hơn 6 tỷ đồng nhưng khi đưa vào hoạt động thì đìu hiu, vắng người mua bán.
Chợ Yến cũ xuống cấp, ô nhiễm môi trường…
Chợ Yến (cũ) được chính thức xây dựng vào năm 1994 tại thôn Nhơn Hội, xã An Hòa (H. Tuy An, Phú Yên) với diện tích gần 2.000 m2, gồm 1 nhà chợ chính và 19 ki ốt. Trải qua gần 25 năm, hiện tại ngôi chợ đã trở nên xập xệ, nhiều ki ốt đã bị xuống cấp, chợ lọt thỏm giữa khu dân cư, không có nhà vệ sinh, cũng như các biện pháp an toàn phòng chống cháy, nổ, thường bị ngập úng vào mùa mưa. Đặc biệt, do không có nhà để xe nên khi họp chợ, người dân đã lấn chiếm lòng, lề đường gây khó khăn cho việc lưu thông qua lại của người dân và học sinh.
Trước thực trạng chợ Yến cũ đã quá tải, nhiều hạng mục xuống cấp. Từ năm 2017, sau nhiều lần tiếp xúc cử tri người dân hai thôn Nhơn Hội và Hội Sơn đã kiến nghị với HĐND xã An Hòa cần đầu tư, xây dựng lại chợ Yến.
Chợ Yến cũ không có chỗ để xe, nên người mua bán tại chợ dựng xe cộ ngay trên đường, lấn chiếm làn lề đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông
Đến tháng 8/2018, chợ Yến mới được đầu tư xây dựng cũng tại Thôn Nhơn Hội (cách chợ Yến cũ 400) với diện tích 3.387 m2, tổng đầu tư là hơn 6 tỷ đồng với hệ thống khu chợ chính, ki ốt, nhà giữ xe, nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước, đảm bảo cho hàng trăm tiểu thương kinh doanh, buôn bán.
Một số nơi trong chợ tình trạng xuống cấp rõ rệt, khi bê tông rơi từng mảng lớn
Tuy nhiên khi UBND xã An Hòa ra thông báo dời chợ Yến cũ về mới vào ngày 29/5/2019, đã có nhiều tiểu thương không đồng tình, cương quyết bám trụ chợ cũ, khiến chợ Yến mới dù đã được đưa vào hoạt động 1,5 tháng vẫn đìu hiu, vắng người mua bán.
Người dân nghi ngờ có lợi ích nhóm trong việc xây chợ Yến mới
Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao người dân cương quyết bám trụ chợ Yến cũ dù đã xuống cấp nặng nề. PV báo Dân trí đã trao đổi với một số tiểu thương đang buôn bán ở chợ Yến mới và cũ.
Đang buôn bán ở chợ Yến cũ, chị Trịnh Thị Minh Trang, thôn Nhơn Hội cho rằng, người dân hai thôn Nhơn Hội và Hội Sơn không đồng tình đối với việc di dời chợ Yến cũ, do chợ mới không nằm ở giữa khu dân cư, chợ xa không thuận tiện cho việc mua và bán của người dân; ngoài ra khi xây dựng chợ chính quyền địa phương không khảo sát, tham khảo ý kiến của người dân.
Chợ mới được xây dựng khang trang, sạch sẽ với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng
Một số hộ khác thì cho rằng, khi trời mưa chợ Yến mới sẽ xảy ra tình trạng ngập lụt... Ngoài ra họ còn cho rằng các ki ốt, lô đất có vị trí thuận lợi tại chợ Yến mới đã được cán bộ xã An Hòa đấu thầu, mua, có yếu tố lợi ích nhóm trong xây dựng chợ Yến mới nên người dân không đồng tình di dời.
Trái ngược với ý kiến của các tiểu thương còn bám trụ ở chợ Yến cũ, chị Huỳnh Mỹ Dung một tiểu thương tại chợ Yến (mới) chia sẻ: “Tôi đã kinh doanh tại chợ Yến cũ từ năm 2000, do nền chợ thấp hơn mặt đường, mùa mưa thường bị ngập, nhiều mặt hàng đồ đạc bị ướt sũng, hư hỏng. Trần bê tông các ki ốt đã bong tróc, có nhiều vết nứt không an toàn nếu tiếp tục bán tại chợ cũ. Từ khi chuyển về chợ mới, tôi được kinh doanh ở ki ốt giữa chợ, rộng rãi, thoáng mát, không còn chịu cảnh cứ mưa xuống là lo lắng như trước nữa”.
Mặc dù khang trang, nhưng chợ mới vắng người buôn bán
Còn theo bà Nguyễn Thị Hòa, thôn Nhơn Hội, mỗi sáng khi chợ Yến cũ họp, do không có nhà giữ xe, người dân để xe lấn ra hai bền đường nên việc lưu thông tại chợ Yến cũ thường bị ách tắc. Chợ Yến mới rộng rãi, có nhà để xe, nhà vệ sinh, thoáng mát không phải chen lấn như trong chợ cũ nên tôi chọn đi chợ mới này mỗi ngày.
Chính quyền nói gì?
Để làm rõ những thắc mắc của người dân trong việc xây dựng chợ Yến mới, trao đổi với ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, xây chợ Yến mới là chủ trương đúng đắn của xã An Hòa. Do chợ Yến cũ đã quá tải, mùa mưa chợ thường bị ngập, nước thải từ chợ chảy vào Trường Tiểu học An Hòa, gây ô nhiễm môi trường, nhà trường đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương; đồng thời, chợ Yến cũ nhiều mảng bê tông trong các ki ốt chợ cũ đã vỡ, xuống cấp, nếu có cháy nổ xảy ra sẽ không ứng cứu được, vấn đề này đã được Sở Xây dựng tỉnh thẩm định, đánh giá, nên việc xây dựng chợ Yến mới là cấp thiết.
Sắp đến, UBND xã An Hòa sẽ có nhiều chính sách miễm giải phí thuê ki ốt để đưa chợ Yến mới vào hoạt động hiệu quả
Theo ông Bùi Văn Thành, chợ Yến mới được thực hiện theo quy hoạch, được thống nhất của UBND tỉnh, cùng với sự phát triển du lịch của Danh thắng Hòn Yến, du khách sẽ đến tìm hiểu mua sắm tại chợ Yến mới nhiều hơn, tạo điều kiện cho bà con kinh doanh, buôn bán tại đây. Ông Thành cho rằng, thôn Nhơn Hội có dân số rất đông, nếu chợ Yến cũ được xây dựng thành công viên thì bà con trong thôn sẽ được hưởng lợi, vì vậy người dân cần nghĩ cho cộng đồng, vì lợi ích chung.
Ý kiến của người dân về việc di dời về chợ Yến mới có lợi ích nhóm của cán bộ xã An Hòa, ông Thành khẳng định việc này là bịa đặt: " Tôi đã cho kiểm tra, xác minh đây là thông tin “bịa đặt”, hiện chỉ có một cán bộ xã mua đất tại khu dân cư cách chợ Yến mới 200 m, mà khi cán bộ này tham gia mua đã có đấu giá như mọi người dân, ai bỏ cao thì thắng, nên không thể nói lợi ích nhóm được; Còn việc đấu thầu các ki ốt trong chợ mới thì tổ chức đấu giá công khai, minh bạch…ai cũng có thể tham gia, thì làm sao mà nói lợi ích nhóm" ông Thành nói.
Về vấn đề người dân cho rằng chợ Yến mới thường bị ngập lụt khi mưa xuống, ông Thành cho biết " Tôi là Trưởng Ban Phòng chống lụt bảo và thiên tai của huyện, mùa mưa lũ tôi thường về xã An Hòa để kiểm tra, không có chuyện vị trí chợ Yến mới thường bị nước ngập như người dân phản ánh".
Cũng theo ông Thành, để tạo sự đồng thuận cho người dân di dời về chợ mới, huyện Tuy An cũng đã chỉ đạo UBND xã An Hòa, tiếp tục tuyên truyền, vận động, đối thoại với người dân, đồng thời có biện pháp miễn giảm tiền thuê ki ốt, sạp cho người dân, tạo điều kiện cho người dân ổn định khi về chợ mới.
Trung Thi