Phụ huynh vã mồ hôi vì trường công lập "đòi" tự chủ

Ngọc Hảo

(Dân trí) - Tuyển sinh theo kiểu "ai nhanh chân người đó được", hay "đánh úp" phụ huynh thay đổi học phí một cách bất ngờ của những ngôi trường công lập "đòi" tự chủ đang khiến phụ huynh cảm thấy "vã mồ hôi".

Câu chuyện "tuyển sinh theo kiểu ai nhanh chân người đó được" của trường  THPT Phan Huy Chú, THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) còn chưa dứt thì mới đây, trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội) lại khiến phụ huynh "ngã ngửa".

Theo thông tin phụ huynh gửi đến báo Dân trí cho biết, ban tuyển sinh nhà trường thông báo mức học phí áp dụng cho năm học 2023-2024 dự kiến 3.000.000-3.200.000 đồng/tháng. Tổng tiền ăn học bao gồm bán trú khoảng 6.000.000 đồng/tháng với lý do trường thực hiện tự chủ tài chính.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông sau đó khẳng định, thông tin về mức học phí mà phụ huynh phản ánh là chưa chính xác. Tuy nhiên gửi bình luận về báo Dân trí, độc giả cho rằng "Phòng GD quận cần kiểm tra lại bởi trường không đưa ra mức phí đó thì tự dưng phụ huynh nghĩ ra à? Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là đầu tư cho thế hệ tương lai của đất nước, trường công do nhà nước đầu tư mà giờ lấy chữ tự chủ ra để tăng thu thì làm sao có được trái ngọt?".

Nhiều ý kiến khác cho rằng, đây là mức phí trường tư chứ không phải trường công. Độc giả cũng đặt ra câu hỏi, liệu xu hướng công lập tự chủ của các trường học phải chăng là nguyên nhân gây ra những "câu chuyện không giống ai" của ngành giáo dục trong những ngày qua?

Phụ huynh vã mồ hôi vì trường công lập đòi tự chủ - 1

Trường THCS Lê Quý Đôn tuyển sinh khóa đầu tiên năm học 2016-2017, là trường công lập phục vụ cư dân KĐT Dương Nội (Ảnh: THCS Lê Quý Đôn).

Lấy lý do tự chủ tài chính để "đánh úp" phụ huynh?

Độc giả Dinh Minh Quan Le: "Đã là trường công mà tự chủ tài chính thì đâu còn của công. Trong khi chi phí xây dựng trường là do của công (nguồn nhà nước), nay tự chủ đòi thu theo kiểu tư thì phụ huynh nào chịu được?".

Độc giả Cuong Nguyen: "Dù tự chủ hay không tự chủ thì cũng phải tuân thủ theo quy định chung, tự chủ về tài chính chứ không thể để tự chủ trương, tự quy định được. Giáo dục như vậy là thả nổi. Chính điều này đã tạo ra những câu chuyện giáo dục không giống ai. Thay đổi học phí mà như thay đổi thời khóa biểu".

"Trường được xây bằng thuế của dân, giáo viên sư phạm được nhà nước đào tạo, bao nhiêu năm sử dụng tiền ngân sách, vậy tại sao thu học phí đến 3,2 tr/tháng chưa kể các khoản khác?", độc giả Hanh Vu.

Độc giả Vàng Anh đặt câu hỏi: "Tại sao ngân sách rót cho giáo dục không thiếu mà đâu đâu cũng tự chủ tài chính. Cấp đại học tự chủ tài chính đã đành, đây cả cấp trung học cơ sở cũng đòi tự chủ?".

Theo độc giả Trần Cường: "Bộ Giáo dục cần tuýt còi nhà trường ngay, quá lạm quyền, đi ngược lại chủ trương học tập của nhà nước".

Độc giả Tuan Nguyen: "Cứ tự chủ tài chính là được đánh úp phụ huynh sao? Kế hoạch tuyển sinh ngày 22/5/2023 không thấy đề cập gì về vấn đề học phí hay công lập tự chủ, vậy mà công văn ngày 5/6/2023 đưa ra áp dụng luôn".

Độc giả Công Nguyễn cho rằng: "Mức phí thế này khác gì trường tư đâu, tự thu, tự chi, tự trả lương giáo viên. Nhưng lại được đầu tư cơ sở vật chất ban đầu từ nhà nước. Rồi lợi ích của việc này là gì?".

"Tự chủ là tự xây trường, tự mua sắm trang thiết bị học tập... Còn đây là ngôi trường đã được nhà nước xây, cơ sở vật chất như điều hòa, máy chiếu... do phụ huynh các lớp mấy năm nay đóng góp và vẫn tiếp tục được sử dụng. Bây giờ lại đùng đùng nói là tự chủ, rồi thu học phí và nhiều thứ khác cao như trường tư? Ai nghĩ ra việc này, và ai đã cho phép? Học THCS đúng tuyến, thu nhập trung bình của nhiều hộ gia đình, làm sao nuôi nổi 2 đứa con ăn học cấp 2?", độc giả nguyen nguyen.

Không dám đẻ thêm vì chi phí giáo dục quá tốn kém

Trước những gánh nặng về tài chính khi phải nuôi con ăn học thời nay, nhiều độc giả trẻ cho biết họ đang cảm thấy... sợ đẻ. 

Độc giả Hải Hà: "Thực ra các trường công để mức thu học phí rất thấp nhưng chẳng con nhà nào đi học được với chỉ duy nhất 1 khoản học phí đó cả. Tổng chi cho 1 đứa con đi học ở thành phố giờ ít ra cũng 3-4 triệu, học thêm các kiểu, chưa kể lễ tết và các khoản khó nói".

Độc giả Đọc Sách Mỗi Tối: "Nghĩ thấy sợ luôn. Con nhà mình ở quận rìa thành phố mà còn thấy sợ với các chi phí. Lo lắng nếu con không được tuyển sinh thì biết về đâu học. 2 đứa 2 bộ sách giáo khoa đã tiền triệu rồi, đứa lớn học xong lại bỏ đi vì đứa sau không thể dùng được do trường đổi bộ sách khác.

Học trường công cũ kĩ 48 học sinh/lớp và không hề đi học thêm ở đâu cũng đã hơn 2 triệu/đứa cấp 2. Hỏi phải học thêm nếm nữa lại phí nọ phí kia, rồi giờ toàn trường tự chủ thì đâu dám đẻ thêm nữa?".

Độc giả Cuong Nguyen: "Trường công lập mà một trẻ đi học 6tr/tháng thì nhà nào 3 bé chắc vã mồ hôi".

"Trong khi bố mẹ các cháu thu nhập có hơn 6tr/tháng mà học phí của 1 cháu đã đi luôn tháng lương. Liệu chất lượng các trường "công lập tự chủ" này có gấp 30 lần các trường công khác?", độc giả Hanh Vu.

Độc giả Thu Trang: "Trường công thì không thấy xây thêm, tự chủ tài chính không hiểu chất lượng có tăng không mà chi phí cho con đi học tăng gấp 5 lần. Không hiểu phổ cập giáo dục kiểu gì, chứ thấy lo cho con cái đi học thật vất vả".

Độc giả Người Lạ: "Vẫn biết xã hội hóa giáo dục, hay tự chủ tài chính là một bước đi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng nó phải vừa trong tầm tay của người dân. Không thể nào tiền học phí hàng tháng của bậc học phổ thông lại cao gấp rưỡi mức lương cơ bản của nhà nước quy định .

Việc phổ cập giáo dục hoàn toàn bậc học phổ thông là cách tốt nhất để nâng cao trình độ phổ cập cho toàn dân. Nhiệm vụ chức năng chính của ngành giáo dục là có một hệ thống giáo dục đảm bảo được chất lượng và quyền lợi cho đại đa số người dân, chứ đâu phải tìm kiếm nâng cao nguồn thu?".

Theo độc giả Angela Nguyen: "Việc nhà trường tăng học phí theo phương án tự chủ tài chính cần được báo trước cho phụ huynh ít nhất 1 năm để có sự chuẩn bị, đồng thời phụ huynh cũng cần nắm được kế hoạch nâng cao chất lượng, cơ sở vật chất của nhà trường. Trong 1 phường chỉ có 1 trường công tự chủ tài chính, không có sự lựa chọn nào khác cho các học sinh đúng tuyến là rất bất cập".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm