Lạ lùng phụ huynh xếp hàng như thời bao cấp "kiếm chữ" cho con

Ngọc Hảo

(Dân trí) - Chen nhau đến rách áo; thức xuyên đêm chầu chực, thậm chí ngất xỉu vì nộp hồ sơ cho con đi được học… những hình ảnh tưởng chừng chỉ có ở thời bao cấp lại hiện hữu trước các cổng trường thời 4.0.

Câu chuyện xếp hàng để nộp hồ sơ nhập học cho con không chỉ đẩy các phụ huynh vào tình thế mệt mỏi về thể chất mà còn "cạn kiệt" về tinh thần. Mới đây, khi các trường như THPT Phan Huy Chú, THPT Hoàng Cầu, hay THPT Tạ Quang Bửu (Hà Nội)… đã ưu tiên những người đến sớm để nhận hồ sơ cho con học khiến nhiều người cảm thấy bất công.

Không có thông tin đầy đủ về điều kiện nộp hồ sơ, ngày giờ nộp phát số, phương thức tuyển sinh cụ thể, điểm chuẩn "nhảy số" nhanh như thị trường chứng khoán… khiến phụ huynh xếp hàng trong tâm trạng mò kim đáy bể, vận may đến ai người đó hưởng.

Theo nhiều độc giả Dân trí, thay vì xét tuyển theo kiểu "mạnh ai người ấy được", nên chăng, các trường xét tuyển trực tuyến, xét điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Bởi nếu việc xét tuyển không công khai, minh bạch sẽ khiến nhiều học sinh dù đủ điểm cũng vẫn có nguy cơ "thất học".

Độc giả Nguyễn Thu Hương chia sẻ: "Phụ huynh theo đúng giờ đăng ký đến thì hết chỗ, con đảm bảo đầy đủ yêu cầu của nhà trường thì bị kêu "hết chỉ tiêu", liệu như thế này có gọi là công bằng?".

Độc giả Lam Cao: "Vì sao nhà trường thông báo tiếp nhận hồ sơ từ 7h30-11h, nhưng 19h tối hôm trước đã hết số thứ tự, ai lại làm việc ban đêm, nên những học sinh bốc số từ trước 7h30 phải được xem là không hợp lệ".

"Bộ Giáo dục cần xem xét lại cách xét tuyển của các trường, làm như trên là không công khai minh bạch, không văn minh và không nhân văn khiến nhiều người không phục, gây bức xúc dư luận. Trường tự chủ về tài chính nhưng lại xét tuyển theo cơ chế "xin cho", độc giả Forrest Gump

Theo độc giả Tiepsmartphone Bui: "Tiêu cực trong tuyển sinh khó tránh khỏi. Trường Phan Huy Chú công khai tuyển 230 học sinh mà chỉ nhận 80 hồ sơ. Còn 150 học sinh nữa tuyển ở đâu ra, nhận hồ sơ từ bao giờ đến bao giờ?".

Cùng chung quan điểm, độc giả Hanh Pham: "Trường thông báo còn 200 suất xét tuyển bằng điểm Sở, thế nhưng lại chỉ phát lén lút đêm hôm đến số 86 là dừng, vậy còn 114 trường hợp còn lại là đi bằng đường quan hệ hay đường phong bì để vào trường? Đề nghị thanh tra toàn diện trường này để xem tất cả những học sinh được tuyển vào năm nay (và cả những năm gần đây) có đạt điểm chuẩn như nhà trường công bố hay không. Hay năm nào cũng đều có "đường đi riêng" như năm nay?".

"Quyền được học tập bình thường của học sinh đang bị bóp méo quá nhiều. Nên hạn chế trường dân lập, mở rộng trường công lập ra để đáp ứng được chỗ ngồi học của học sinh. Không nên đẩy nhiều cháu ra trường dân lập vì cha mẹ các cháu không có sức nuôi. Trường dân lập ở ngoại thành mà chi phí học 2 buổi của 1 học sinh dân lập cấp 3 khoảng 7 triệu đồng/tháng trong khi bố mẹ đi làm hơn chục năm ở nhà nước cũng chỉ được hơn 7 triệu đồng/người", độc giả Nguyên Ngọc.

Theo độc giả Khanh Nguyen: "Xếp hàng nộp hồ sơ kiểu ai nhanh chân người đó được rất dễ phát sinh tiêu cực. Nên nhận hết hồ sơ rồi xét theo điểm từ cao xuống thấp mới công bằng chứ?".

Là một độc giả, đồng thời là một phụ huynh trải nghiệm cảnh xếp hàng, chị Nguyễn Hồng Giang chia sẻ: "Tôi cũng là một trong số những phụ huynh xếp hàng sáng sớm nay từ 6h mà cuối cùng cũng không được nộp hồ sơ cho con. Tôi thực sự thất vọng vì cách làm việc của một cơ sở giáo dục mà được coi là uy tín và được nhiều người kỳ vọng! Điều này không chỉ khiến các phụ huynh mất đi niềm tin vào các cơ sở giáo dục công, mà còn cướp mất tương lai của nhiều em khi mới 15 tuổi".

Lạ lùng phụ huynh xếp hàng như thời bao cấp kiếm chữ cho con - 1

Phụ huynh xếp hàng từ nửa đêm để đăng kí cho con học tại trường THPT Hoàng Cầu (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Khi trường học không tự "mọc" theo kịp nhu cầu

Một điều hiển hiện trước mắt rất rõ ràng rằng dân số cơ học tại Hà Nội tăng chóng mặt khiến hệ thống trường công quá tải ở tất cả các cấp. Mặc dù có khá nhiều trường tư thục, tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn của số đông, dẫn đến việc phụ huynh phải căng thẳng đêm hôm xếp hàng để "kiếm chữ" cho con vào trường công lập.

Bàn luận về vấn đề này, nhiều độc giả đã đưa ra những nhận định với nhiều góc nhìn khác nhau.

Theo độc giả Do Bui Sy: "Phụ huynh các cấp từ mầm non cho tới cấp 3 đều chen chân xếp hàng thế này thì có nghĩa là Hà Nội rất thiếu trường lớp".

Cùng chung quan điểm trên, độc giả Gia cát Lượng cho rằng: "Việc phụ huynh khổ sở xếp hàng như vậy, nguyên nhân chính vẫn là thiếu trường. Tôi thấy nhiều quận ở Hà Nội có vài trường cấp 3 từ mấy chục năm nay mà không xây thêm trường nên dẫn đến quá tải".

Theo độc giả Hiep: "Do quy hoạch dịch vụ, an sinh không tương xứng với quy hoạch dân cư. Dân số quá đông còn trường học lại quá ít. Những nơi có khu công nghiệp hoặc dân số đông nên quy hoạch để mở thêm trường. Thay vì xây những tượng đài, cổng chào không cần thiết, hãy xây trường để các cháu đỡ bị thiệt thòi".

Độc giả Đào Trọng Hiền cho rằng: "Đây là hệ quả tất yếu và có thể nhìn thấy khi chỉ chăm chăm quy hoạch chung cư, không quan tâm đến quy hoạch trường học, bệnh viện... Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thời của tôi 25 năm trước so với bây giờ số trường cấp 3 vẫn vậy nhưng học sinh thì tăng lên nhiều lần dẫn đến không đủ trường cho nhu cầu học tập... Phải chăng Thủ đô ngày càng phát triển, nhưng khả năng đáp ứng quyền được học tập của các cháu học sinh lại càng đi xuống?".

Còn độc giả Pham thuat cho rằng: "Tại sao nhà nước lại không xây thêm trường công để các cháu đều được đi học? Trong khi các trường tư lại mọc lên như nấm, liệu có lợi ích nhóm trong việc cho phép xây các trường tư?".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm