Học sinh trở lại trường, phụ huynh nghỉ làm để tận hưởng "ngày giải phóng"

Thế Hưng

(Dân trí) - Sau một thời gian dài phải học online vì dịch Covid-19, hầu hết học sinh tại Hà Nội đã quay trở lại trường. Nhưng không chỉ học sinh, các phụ huynh cũng rất mong chờ điều này.

Tưởng chỉ là chuyện đùa, nhưng đối với các bậc phụ huynh tại Hà Nội, việc con đi học trở lại như một cuộc "cách mạng" giải phóng tự do. Bởi thay vì lo cơm nước, trông con thì các phụ huynh có thời gian đi làm, đi chơi và làm các việc cá nhân.

Gửi bình luận tới Dân trí, độc giả Quốc Sơn khẳng định, để kỷ niệm ngày giải phóng phụ huynh khỏi "ách đô hộ" của con em, anh sẽ xin nghỉ một ngày để tận hưởng trọn vẹn. Anh Sơn cho biết, anh sẽ rủ bạn bè đi nhậu, đi cà phê và lang thang trên phố để vơi đi nỗi nhớ tự do suốt gần 1 năm qua.

Học sinh trở lại trường, phụ huynh nghỉ làm để tận hưởng ngày giải phóng - 1

Tại cổng Trường tiểu học Tam Hưng, các cán bộ giáo viên đã trực sẵn từ sớm để đón học sinh (Ảnh: Hữu Nghị).

"Con ở nhà 3 ngày một trận nhẹ, 5 ngày một trận nặng. Tình cảm cha con sứt mẻ, tôi chỉ mong cô giáo dạy cả cuối tuần để cho cháu đi học", anh Sơn chia sẻ.

Đối với độc giả Nguyễn Huy Anh, ngày giải phóng Thủ đô ngoài ngày 10/10 thì trong lòng anh bây giờ ghi nhớ thêm ngày 10/2. Anh vui mừng cho biết, hôm nay cả Thủ đô hân hoan "đẩy" con đến trường trong vòng tay chào đón của thầy cô.

Không ít độc giả còn bày tỏ sự xúc động khi các con đến trường. Thậm chí, một tài khoản có nickname Trang Nguyễn còn đưa con đến trường trước một tiếng đồng hồ để tránh tắc đường và tìm lớp cho con. 

Thậm chí, độc giả Nguyễn Anh bày tỏ, các cháu đi học dù không được bán trú cũng là một niềm hạnh phúc vì chị có vài tiếng dành cho bản thân.

Đối với những khu vực học sinh chưa được trở lại trường, các bậc phụ huynh đang đếm ngược từng ngày để được "giải phóng". Sau một thời gian dài phải ở nhà trông con, các bậc phụ huynh mới thấy trân trọng hơn các thầy cô giáo. Bởi không chỉ phải trông 1-2 học sinh, các thầy cô còn phải dạy dỗ, chăm lo và giáo dục hàng chục học sinh.

Dù còn nhiều lo lắng về dịch bệnh, nhưng độc giả Anh Vũ cho rằng, còn những nguy hiểm khác như tai nạn điện, thương tích, tai nạn giao thông cũng luôn rình rập. Nếu chỉ vì những mối lo mà không cho trẻ tới trường thì sẽ rất bất cập.

Sáng ngày 10/2, học sinh bậc tiểu học tại các huyện, thị xã ở Hà Nội trở lại trường học sau kỳ nghỉ dài phòng dịch Covid-19. 

Theo thống kê, toàn TP Hà Nội hiện có 818.891 học sinh cấp tiểu học với 20.664 lớp. Trong đó, số học sinh cấp tiểu học ở 18 huyện thị xã là 455.249 học sinh, với 12.000 lớp. Số học sinh lớp 6 của 18 huyện thị xã là 74.687 học sinh, với 1.924 lớp.

Hơn nữa, theo vị độc giả này thì trẻ con cần phải được đến trường cũng như người lớn phải làm việc trong môi trường tập thể, hòa đồng và giao tiếp với mọi người. Không thể mãi lấy lý do dịch bệnh dịch để tước đoạt thời gian vàng trưởng thành của trẻ.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cho rằng học trực tiếp sẽ có hiệu quả hơn học trực tuyến rất nhiều. Việc học buổi sáng trực tiếp và buổi chiều online chỉ gây mệt mỏi cho học sinh và phụ huynh, trong khi mọi người vẫn tiếp xúc trực tiếp với nhau.

Các bậc phụ huynh có con học lớp một ủng hộ việc cho trẻ đến trường nhiệt tình nhất. Vì từ khi vào năm học mới tới giờ, trẻ chưa biết cảm giác ngồi trong lớp là thế nào.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, khảo sát cho thấy, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện, thị xã chủ yếu ở địa bàn nào đều học ở trường thuộc địa bàn đó, như vậy sẽ đảm bảo an toàn khi triển khai học trực tiếp. Trong khi đó, học sinh tại 12 quận nội thành thường cư trú ở nhiều địa bàn khác nhau.

Với học sinh tiểu học và lớp 6 nội thành, sau khi cho các em ở 18 huyện ngoại thành đi học trực tiếp, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ có đánh giá sơ bộ; nếu đảm bảo an toàn thì dự kiến từ ngày 21/2 sẽ có kế hoạch cho học sinh các khối lớp này ở 12 quận nội thành được đến trường.