Phụ huynh ngỡ ngàng vì "con gà phải được trồng ở vườn"

Bảo Khang

(Dân trí) - Nhiều phụ huynh đã ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến con mình bỗng hóa "gà gô" trong tích tắc khi tham gia vào những công việc "rất đời" ở quê.

Ông nội hết hồn vì cháu hái lá... trầu không để làm chả

Bố mẹ của Trung vẫn luôn tự hào khi cậu học sinh này luôn nằm trong danh sách đứng đầu của lớp, bảng thành tích không chê vào đâu được. Thế nhưng, cuối tuần vừa rồi, khi cả gia đình về quê, bố có nhờ Trung đi tìm con gà cho ông nội, cậu bé liền nhanh nhảu đáp: "Con thấy con gà trồng ở vườn kia rồi".

Bố cậu bé hết sức ngạc nhiên hỏi tại sao gà lại trồng ở vườn? Theo Trung, bất cứ thứ gì ở vườn thì đều là "trồng".

Chưa dừng lại ở đó, Trung còn khiến ông bà nội ngỡ ngàng vì không thể phân biệt được con ngan và con vịt. Đối với Trung, bất cứ con gì có lông và chân có màng thì đều là con vịt.

Trường Anh, một học sinh lớp 6 học tại một trường điểm tại Hà Nội đang có kỳ nghỉ hè tại nhà ông bà tại Hưng Yên. Trong lúc nấu cơm, ông có nhờ cháu ra vườn hái hộ ông một nắm rau lá lốt để làm chả. Một lúc sau, Trường Anh hớt hải chạy vào bếp đưa cho ông.

Ông hỏi đi hỏi lại là cháu hái lá lốt phải không, cậu bé vẫn hồn nhiên trả lời "vâng ạ". Thực tế, cậu bé hái một nắm lá trầu không, một loại lá dùng để ăn trầu, thân leo, có hình lá tựa như lá lốt.

Anh Phú (bố của Trường Anh) kể: "Ông nội còn gọi hai vợ chồng ra nói nhỏ, học nhiều thế này liệu sau này cháu tôi có ra ngoài tự nấu ăn được không hả các con". Hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau im lặng.

Khác với hai bạn trên, Minh Anh là học sinh lớp 10, về quê được bà giao cho việc khó hơn là nhóm bếp khò, sau một hồi loay hoay, không biết Minh Anh đã xử lý kiểu gì mà bếp thì không lên, đống rơm bên cạnh lại cháy xém, suýt cháy luôn cả bếp.

Những cậu học sinh được cho là "con nhà người ta" với bảng điểm đẹp, thành tích học tập cao, nhưng có vẻ như kĩ năng, kiến thức thực tế lại đang tỉ lệ nghịch. Trường hợp con không thể phân biệt được các con vật, các loại rau củ quả, không làm nổi những việc nhà đơn giản như rửa bát, nấu cơm… xuất hiện ngày càng nhiều.

Phụ huynh ngỡ ngàng vì con gà phải được trồng ở vườn - 1

Lựa chọn một ngôi trường học tập phù hợp là mong muốn của bất kỳ bậc làm cha mẹ nào.

Hãy để con được khổ

Câu chuyện phụ huynh sốc vì bị Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Trường Ams) từ chối bảng điểm toàn 10 đẹp như mơ chưa kịp lắng xuống, thì mới đây, dư luận lại được một phen xôn xao khi hàng trăm phụ huynh xếp hàng, chen nhau đến rách áo để được nộp hồ sơ vào trường chất lượng cao của quận Hà Đông. Nhiều người cho rằng, liệu các con có đang cõng trên vai "ước mơ thành công" của cha mẹ?

Độc giả Thành Lê Duy để lại bình luận rằng: "Liệu các phụ huynh có đang làm khổ tụi nhỏ, không còn tuổi thơ? Đâu phải cứ lao vào mấy trường chuyên mới học giỏi, thành công. Các phụ huynh cần xem lại năng lực con đến đâu để chọn trường chọn lớp cho con thì hợp lý hơn".

"Ước mơ nên được tạo nên từ mong muốn thực sự của bản thân. Muốn có ước mơ thì phải có hiểu biết, trải nghiệm, lập trường. Một đứa trẻ con chỉ biết nghĩ những gì bố mẹ bơm vào đầu thì đừng gọi là ước mơ của chúng, đó là ước mơ của bố mẹ. Hãy cho con một cuộc sống hạnh phúc ngay lúc này, đừng lấy đi tuổi thơ của con bằng cách bắt con cõng trên vai nhiều áp lực học tập", độc giả Duc Nguyen Viet bình luận.

Theo độc giả Phan Lê: "Thay vì bắt các con học nhiều, kỳ vọng trường chuyên lớp chọn, cha mẹ nên cho các con học vừa sức, đúng với thực lực, rèn luyện thực tế nhiều hơn. Dù có học nhiều nhưng kỹ năng kém thì ra ngoài đời, có học các đại học top đầu, học chuyên chọn cũng vẫn thất nghiệp như thường".

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trong một xã hội có nhiều bất định, việc cha mẹ tìm kiếm một con đường kỳ vọng để thay đổi cuộc đời chỉ có con đường học tập. Thêm vào đó, các trường chuyên, lớp chọn có "thương hiệu" được cho là yếu tố để đảm bảo thành công.

Phụ huynh ngỡ ngàng vì con gà phải được trồng ở vườn - 2

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, song song với việc học, cha mẹ nên để con "chịu khổ", rèn tư duy sáng tạo, độc lập, rèn bản lĩnh thực chiến, tự định hướng giải quyết khó khăn (Ảnh: KP).

Chính vì vậy, phụ huynh "toát mồ hôi" đua nhau vào các trường "hot", rèn con học trong bốn bức tường trường kỳ ngày này tháng khác cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, xu hướng học sinh bây giờ giỏi hơn, kiến thức rộng hơn, ngoại ngữ tốt hơn nhưng khả năng biến tri thức thành giá trị lại gần như rất kém, số các bạn trẻ giỏi trên mạng nhưng "lơ ngơ" ngoài đời rất nhiều.

Theo vị PGS.TS, để thành công trong cuộc sống, IQ - chỉ số thông minh chỉ chiếm 20%, 80% còn lại phụ thuộc vào các chỉ số như EQ - khả năng nhận thức, kiểm soát, chỉ số AQ - chỉ số vượt khó, chỉ số FQ - chỉ số tư duy tài chính…

Khi đối mặt với thực tế cuộc sống, thắng bại lúc này không còn phụ thuộc vào điểm số, mà chính là những kỹ năng từ thực tế, từ va vấp cuộc sống. Thay vì bắt các con hay bố mẹ tự áp lực mình trong khuôn khổ bảng điểm đẹp, học bạ như mơ, trường top đầu; nên chăng, hãy song hành, vượt ra ngoài khung an toàn cùng con, hãy để cho con "được khổ", được va vấp thực tế sẽ giúp các con phần nào có được tính độc lập, tính định hướng trong cuộc sống.

Song song với việc học, cha mẹ nên để con "chịu khổ", rèn tư duy sáng tạo, độc lập, rèn bản lĩnh thực chiến, tự định hướng giải quyết khó khăn để các con không chỉ là những "google sống - công cụ tìm kiếm sống", mà còn là những công dân hội tụ đủ 4Cs (4 kỹ năng mềm được coi trọng nhất: Creativity - sáng tạo, Collaboration - hợp tác, Critical Thinking - tư duy phản biện và Communication - kỹ năng giao tiếp).