Bi kịch của phụ huynh nuôi con trong 'lồng ấp'
“Người Việt có tuổi thơ dài nhất thế giới; Những đứa trẻ không bao giờ lớn” là cụm từ mô tả về kiểu nuôi con trong “lồng ấp” của nhiều cha mẹ Việt Nam.
Cách đây vài năm, khi thực hiện phóng sự điều tra về những người trẻ mắc chứng tâm thần vì nghiện game online, tôi tình cờ gặp Hưng, chàng trai 23 tuổi, xuất thân từ gia đình giàu có. Từ cấp 1 lên cấp 3, Hưng luôn được “sắp xếp” vào học trường chuyên lớp chọn.
“Lộ trình cuộc đời được mẹ tôi tính toán một cách cẩn trọng và quyết liệt. Dù biết tôi học kém các môn khoa học tự nhiên nhưng bà vẫn ép tôi học trường Y vì đó là nghề danh giá, không bao giờ sợ “chết đói”.
Chân bước chân ráo xuống Thủ đô, bố mẹ sắm cho Hưng một căn hộ chung cư sang trọng và người giúp việc theo giờ dọn dẹp, nấu nướng.
“Ngoài giờ đến trường, tôi khoá trái cửa cày game vì thực sự tôi không có động lực hay khao khát điều gì. Chương trình học tại trường quá khó, tôi thi lại, học lại liên tục, và đến năm thứ 3 tôi bỏ học”.
Mối quan hệ giữa Hưng và bố mẹ sụp đổ vì họ không biết làm gì ngoài việc lao vào chửi mắng, nguyền rủa.
“Không có yêu thương, gần gũi giữa tôi và bố mẹ vì hầu như họ chỉ dành thời gian theo đuổi tiền bạc và danh vọng. Tôi là “son phấn” giúp cho họ nở mày nở mặt trước họ hàng, đồng nghiệp. Chỉ trong thế giới game online, tôi mới cảm thấy hạnh phúc và thực sự là chính mình.”
Cách nuôi dạy độc đoán, nhằm uốn nắn cuộc đời con trẻ theo ý muốn của mình của nhiều cha mẹ Việt Nam đã đẩy nhiều đứa con vào bi kịch.
Như lý giải của Tiến sỹ Đặng Hoàng Giang trong cuốn “Tìm mình trong thế giới hậu Tuổi thơ”: Cách nuôi dạy này phủ nhận cái tôi của trẻ. Đứa trẻ sẽ trải qua những cuộc khủng hoảng, những cơn sang chấn và phải dằn vặt giữa các lựa chọn: Hoặc tiếp tục xung đột với cha mẹ để phát triển bản thân theo hướng mình mong muốn trong học hành, công việc, chuyện tình cảm, hoặc buông xuôi, biến thành cục đất sét để cha mẹ nhào nặn. Trong thế giới hậu tuổi thơ này, nhiều bạn phải vật lộn để đi tìm chỗ đứng của bản thân, họ trở nên nổi loạn dữ dội, hoặc thành bạc nhược, chai sạn, trầm cảm. Trường hợp nào thì họ cũng bị phá hủy từ bên trong, họ trở nên căm ghét chính bản thân mình”.
“Người Việt có tuổi thơ dài nhất thế giới”, "Những đứa trẻ không bao giờ lớn”,”Những người lớn chưa cai sữa hoặc chưa cắt dây rốn” là những câu nói xuất hiện trên truyền thông đề cập cách nuôi dạy “nhào nặn”, bao bọc, can thiệp thô bạo vào đời sống tâm sinh lý của những đứa con của nhiều cha mẹ Việt. Có những đứa trẻ lớn lên với ti vi, điện thoại, ông bà hoặc người giúp việc. Có những đứa trẻ bị bắt ép học chính khoá, ngoại khoá, thi trường chuyên, lớp chọn, giành giật giải thưởng này đến giải thưởng kia. Nhiều sinh viên 20 tuổi bố mẹ vẫn kèm cặp đưa đi đón về hàng ngày. Nhiều du học sinh ra nước ngoài bị khủng hoảng tâm lý vì phải sống “tự lập” trong khi từ bé không phải động tay động chân vào bất cứ việc gì.
Không những vậy, nhiều ông bố bà mẹ còn “lập trình cuộc đời” cho con cái theo cách “chạy việc”, “chạy biên chế”, “chạy chức”, chạy cả “hôn nhân” nếu điều đó đem lại lợi ích.
Việc này đã sinh ra nhiều hậu quả, mà theo Tiến sỹ Đặng Hoàng Giang, hậu quả lớn nhất là “huỷ hoại cái tôi” hay là quá trình tìm hiểu bản thân, xác định danh tính, khẳng định giá trị của mỗi người trẻ.
Có những người 30, 40 tuổi vẫn loay hoay tìm đường vì không trả lời được câu hỏi “Tôi là ai? Tôi đang làm gì trong cuộc đời này? Như thế nào là một cuộc đời đáng sống?” Vì không xác định được danh tính, không tìm được mục đích và ý nghĩa trong đời sống, nhiều người đã tha hoá và lầm lạc, những người khác thì uể oải mỏi mệt trong kiếp sống “mòn”, những người còn lại bế tắc sống cho qua ngày đoạn tháng.
Ở một khía cạnh khác, những áp lực vô hình đến từ sự kỳ vọng và yêu thương cực đoan của cha mẹ đã để lại gánh nặng, nhiều khi là chất độc tàn phá cuộc đời của nhiều con trẻ khi có những học sinh dày bảng thành tích – huy chương nhưng ẩn sâu bên trong lại là tâm hồn tan nát, nhiều bạn bỏ nhà, nổi loạn hoặc tự cắt vào cổ tay.
“Cuộc đua chiến thắng từ vạch xuất phát” của nước Mỹ
Câu chuyện phụ huynh làm trực thăng “vè vè” bên lề cuộc đời con cái đã trở thành hiện tượng toàn thế giới, đặc biệt còn ở Hoa Kỳ - quốc gia đặc trưng với cách nuôi dạy con độc lập, tự chủ.
Theo một thăm dò của tờ Thời báo New York và hãng tư vấn Morning Consult cho thấy 3/4 phụ huynh có con trong độ tuổi từ 18 đến 28 đã hẹn con đi khám bác sĩ hoặc cắt tóc, 16% giúp con viết đơn xin việc hoặc xin thực tập, 11% cho biết họ sẽ gọi cho sếp của con nếu đứa trẻ có vấn đề tại nơi làm việc và hơn một nửa số phụ huynh cung cấp cho con cái họ một khoản hỗ trợ tài chính hàng tháng.
Năm 2019, nước Mỹ chấn động với scandal ngôi sao điện ảnh, doanh nhân, chính khách chi hàng trăm nghìn đô la cho các hoạt động bất hợp pháp như thuê người thi SAT, viết hộ bài luận, làm giả thành tích thể thao, đổi chác từ thiện ... để kiếm suất học cho con cái tại top 10 trường đại học danh giá. Đây là những phụ huynh điển hình cho kiểu cha mẹ “trực thăng” sẵn sàng dọn mọi rào cản, thách thức trên đường đời của con cái.
Quá trình này bắt đầu từ sớm, khi mẹ lựa chọn uống sữa bầu, thuốc bổ, nghe nhạc Mozart để thai nhi được phát triển tối ưu. Sau đó, họ lên danh sách những trường mầm non ưu tú, huấn luyện trẻ lên trả lời phỏng vấn, chi tiền cho các lớp học ngoại khoá dày đặc vào cuối ngày. Đến lúc con bước vào tiểu học hay trung học, nhiều cha mẹ gọi điện cho thầy giáo để tranh cãi về điểm số, gây áp lực cho huấn luyện viên thể thao đưa con họ vào đội, hoặc làm thay bài tập, viết luận cho con.
Madeline Levine - một nhà tâm lý học và là tác giả của cuốn sách "Dạy con bạn tốt: Tại sao giá trị và kỹ năng đối phó lại quan trọng hơn điểm số” đã phân tích hiện tượng cha mẹ “gạt tuyết” xuất phát từ nỗi lo sợ con cái bị thua thiệt về kinh tế của nhiều phụ huynh Mỹ. Từ đó, họ quan niệm việc con cái được thụ hưởng những điều kiện tốt nhất, những lợi thế vượt trội nhất sẽ giúp đứa trẻ “chiến thắng từ vạch xuất phát”.
Hậu quả của sự bao bọc con cực đoan khiến nhiều đứa trẻ “không có đủ loại kỹ năng trưởng thành tối thiểu mà một người cần phải có khi học đại học”.
“Một người không thích ăn thức ăn có nước sốt. Cả cuộc đời của cô, cha mẹ đã giúp cô tránh nước sốt bằng cách gọi điện cho bạn bè trước khi đến nhà họ ăn tối. Ở trường đại học, cô ấy không biết làm thế nào để đối phó với những món ăn có nước sốt” - Madeline Levine chia sẻ.
Julie Lythcott-Haims, tác giả của cuốn sách "Cách nuôi dạy một người lớn” cũng phân tích: “Nếu làm mọi thứ cho con mình, chúng ta sẽ cướp đi khả năng vượt qua chướng ngại vật và các kỹ năng sống quan trọng con cần học. Hậu quả là những đứa trẻ này sẽ nản chí, ít có khả năng chấp nhận rủi ro, khó khăn khi tự mình đưa ra quyết định, thất bại khi đối phó với nghịch cảnh trong đời”.