Phô trương kiểu “đại gia”

(Dân trí) - Lối sống phô trương khiến không ít trẻ em cũng bị lôi cuốn vào cuộc đua dành những danh hiệu rởm như “trạng nguyên”, “hoa khôi”... Tệ chạy theo bằng cấp sinh ra khai man lý lịch, "học giả bằng thật", “đẻ non” trường đại học, mạo danh đại học quốc tế...

Phô trương kiểu “đại gia” - 1
(Nguồn ảnh: Internet)
 
Giản dị, tiết kiệm vốn là nét đẹp văn hóa của dân tộc ta từ bao đời nay. Nhưng tiếc thay, trong thời buổi hình kinh tế thị trường, guồng quay của sự phát triển một mặt đưa đời sống của người dân khá lên, mặt khác cũng đã và đang làm lu mờ dần các đức tính tốt đẹp đó.
 
Thậm chí những đức tính ấy còn bị lấn lướt bởi căn bệnh phô trương hình thức khá nặng nề. Mà ngay cả trong thời kỳ tăng giá, lạm phát cao như hiện nay, thì  một bộ phận người dân vẫn bất chấp tất cả để thể hiện cách sống kiểu “đại gia”.

 

Ở đây, chúng ta đang nói đến căn bệnh phô trương hình thức rất nặng nề và đã trở nên phổ biến. Nó xảy ra từ trên xuống dưới, làm xói mòn đạo đức nhân cách của một số bộ phận người dân và đang có xu hướng loang ra toàn xã hội.
 
Nguy hiểm hơn là bệnh phô trương hình thức lại bắt nguồn từ chủ trương, cơ chế đến tổ chức và phong cách làm việc của nhiều cấp, ngành, giới. Đó là căn bệnh phô trương hình thức kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”, không muốn bị thua chị kém em.
 
Bất chấp điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng thực tế, nhiều địa phương trêm cả nước đều đồng loạt “trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư của nước ngoài” với bất kỳ giá nào. Rút cục, với không ít địa phương thì cái lợi thu về không đủ bù đắp chi phí mời gọi đầu tư. Hàng trăm dự án treo, hàng ngàn hécta đất nông nghiệp bị bỏ hoang hàng chục năm rất lãng phí. Hàng trăm dự án sân golf phải xóa bỏ, thu hồi, khiến bao người dân khốn khổ.

 

Phô trương hình thức còn thể hiện qua xây dựng các công trình, sắm sửa trang thiết bị. Có công trình trụ sở của một tỉnh mà tiền xây cổng ra vào mất tới 3 tỷ (bằng chi phí xây khoảng 100 nhà tình nghĩa). Có trụ sở của cơ quan cấp huyện mà tính ra trung bình mỗi cán bộ viên chức được trang bị một máy điều hòa không khí. Mua sắm ô tô không chỉ vượt chỉ tiêu mà còn vượt cả tiêu chuẩn được dùng.

 

Phô trương hình thức trong việc tổ chức lễ hội. Hiện nay, cả nước ta có hàng ngàn lễ hội trong một năm từ làng xã đến huyện, tỉnh và trung ương. Ngoài các lễ hội trên, đầu năm hoặc xuân thu nhị kỳ. hoặc ngày thành lập làng, xã, các địa phương, các ngành còn tổ chức các lễ hội riêng của địa phương mình, ngành mình. Mà từ nội dung đến hình thức đều na ná giống nhau vì đều rập khuôn theo kịch bản có sẵn - phần lễ thì nhiều phần hội lại ngắn, có lễ hội kéo dài hàng tuần, hàng tháng.

 

Rất lạ đối với các nước, vì hình như chỉ có nước ta là gần như bất kỳ cuộc họp nào, kể cả long trọng, đều bắt đầu một chương trình văn nghệ dài và hoành tráng. Đúng là họp không ra họp, chơi không ra chơi. Hầu như bất kỳ cuộc họp nào, người dự cũng đeo hoa kết nở hoặc ít ra là đeo biển ép nhựa... Trong cuộc động thổ, khởi công nào cũng  có tấm cartong bọc giấy hồng để các đại biểu vẫy vẫy. Những thứ này Chính phủ ta đã chỉ thị cấm nhưng vẫn chưa chấm dứt được.

 

Có nhất thiết khi các lãnh đạo cấp cao từ trung ương về địa phương, các ngành làm việc có nhất thiết phải có khẩu hiệu to đùng: “Nhiệt liệt chào mừng…” và những bó hoa, lẵng hoa ?

 

Phô trương hình thức trong việc quy định phong hàm, chức vụ khoa học (PGS,GS) mà trước đây gọi là “học hàm” và học vị (TS) là rất cần và bắt buộc đối với người làm công tác khoa học và giáo dục - là lĩnh vực đòi hỏi phải có kiến thức chuyên ngành cao.
 
Nhưng đối với cán bộ, công chức và các lĩnh vực khác trong đó cán bộ lãnh đạo, cán bộ chính trị, cán bộ hoạt động xã hội có nhất thiết cũng phải có chức vụ khoa học không?  Không phân biệt điều đó, nên trong xã hội nước ta, trước hết là những người làm công tác nhân sự-cán bộ, lại đang có chiều hướng nặng về bằng cấp trong tuyển chọn, đề bạt và sử dụng cán bộ, công chức gây nên tình trạng chạy bằng, chạy chức, chạy quyền.

 

Trẻ em cũng bị lôi cuốn vào những danh hiệu rởm như: tôn vinh “trạng nguyên”, “hoa khôi”... Và chính do chạy theo bằng cấp mà dẫn tới hiện tượng khai man lý lịch, học giả bằng thật…sinh ra nạn “đẻ non” trường đại học, mở đại học chui, mạo danh đại học quốc tế.
 
Trong xã hội thì có hiện tượng đổ xô vào đại học, xa lánh trường công nhân kỹ thuật, tạo ra tình trạng “thừa thầy dốt thiếu thợ giỏi”….

 

Bệnh phô trương hình thức là “con đẻ” của bệnh quan liêu, là “cha đẻ” của sự lãng phí, nên Đảng và Nhà nước ta luôn kêu gọi phải khắc phục. Nhưng càng kêu gọi thì hình như nó lại càng bành trướng.

 

Bệnh phô trương hình thức gây nguy hại đến việc giữ vững vai trò lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng, làm tổn thương nghiêm trọng mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Do vậy, chúng ta cần và phải kiên quyết đấu tranh khắc phục, dẫn tới loại bỏ hẳn!

 

 

Văn Khánh Trình
Minh Phụng-Phường 6-Quận 6-TPHCM