“Người trong cuộc” nói về học tại chức
(Dân trí)- Bài “học tại chức, quên tại chỗ?” đăng trên Dân trí đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Có luồng dư luận phản đối và lên án gay gắt về chất lượng của loại hình đào tạo này. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến bày tỏ quan điểm ngược lại.
Hà Nội (yenlt033@gmail.com):
Ở đâu cũng có người này người khác, người dốt, người giỏi. Mọi người nói như vậy là đổ hết cái xấu cho người học tại chức là không đúng. Có nhiều người học tại chức ra ngoài còn làm việc tốt gấp mấy lần người học chính quy đấy. Trường hợp này tôi đã gặp rồi chính tại cơ quan tôi, người học đại học tin học ra nhưng chẳng biết gì về tin học, máy tính bằng người học tại chức. Vì vậy khi nói thì mọi người cần nhìn nhận một cách toàn diện hơn, đừng nhìn phiến diện như thế. Có người họ theo học tại chức vì không còn sự lựa chọn nào khác, do hoàn cảnh, điều kiện không cho phép.
Mai Hiểu (maihieuhunmg@gmail.com):
Vấn đề học tại chức ở Việt Nam là vấn đề nói thì dễ nhưng rất khó thay đổi, vì ở nhiều nơi kinh tế còn nghèo còn khó khăn, cả làng chẳng có ai đỗ đại học. Vậy tôi thử hỏi không đào tạo tại chức chúng ta lấy nguồn nhân lực đâu mà làm nguồn cán bộ bây giờ, theo tôi ở những nơi đó chúng ta cần có một chính sách khác, không thể đánh đồng được ở những nơi phát triển như Hà Nội và các thành phố, thị xã khác người dân có đầy đủ điều kiện để học. Vì thế, theo tôi Bộ GD&DT cũng nên có những chính sách hợp lý cho những vùng miền khác nhau.
Gia Long VP (samhai74@gmail.com):
Chào các bạn. Tôi cũng đang theo học một lớp tại chức ĐH Xây dựng, còn 1 năm học nữa là tôi làm đồ án và sẽ trở thành kỹ sư xây dựng, nhưng đến giờ phút này tôi vẫn chưa học được một chút kiến thức nào về chuyên môn cả.
Tôi vẫn cho rằng mình là người học tương đối khá trong lớp học hơn 50 học sinh đó, nhiều người dốt đến mức không thể tưởng tượng được, tôi khẳng định là có đến 20% số người không giải được bài toán phương trình bậc nhất 1 ẩn số.
Lý do mà tôi theo học lớp tại chức này là vì tôi là chủ doanh nghiệp, lớp học mở cũng gần nhà nên tôi đi học để hiểu biết về lĩnh vực doanh nghiệp tôi đang làm. Tôi là công chức nhà nước, đang hưởng lương kỹ sư bậc 6/9, tôi đã tốt nghiệp 1 đại học.
Trước đây lúc tôi học đại học, mỗi môn học kéo dài cả 1 học kỳ, thậm chí 2-3 học kỳ. Ấy vậy mà bây giờ đi học tại chức, toàn những người dốt đặc cán mai nhưng thầy giáo chỉ “chơi” có 3 buổi học là xong.
Trước kia, khi tôi đi học, vào những ngày lễ, tết thầy tôi chỉ cần những món quà như bó hoa chẳng hạn, nhưng giờ tôi đi học thầy lại thích "quả". Mỗi môn học đón thầy lên dạy 4-5 hôm, thầy cầm vài chục “quả” mang về làm quà.
Thật đáng buồn! có lẽ tôi là người duy nhất trong lớp học là không cần đến cái bằng đại học đó, số còn lại chỉ mong được cầm tấm bằng để có 1 công việc tốt hơn. Tôi tin rằng những người chủ doanh nghiệp như tôi cũng không sử dụng những người học như thế.
Hằng Hi (hicong@yahoo.com):
Trong các ngành đào tạo tại chức thì tại chức luật là "dốt" nhất nhưng lại nhiều người học nhất. Làm việc với những người học tại chức đã khó chịu, với những người học tại chức luật còn khó chịu hơn.
Trần Phương (tranphuong1008@yahoo.com):
Các bạn so sánh giữa hệ tại chức và hệ chính quy thông, qua đó khi tôi đọc những lời bình luận tôi thấy hơi xót lòng. Tôi không phủ nhận việc học chính quy thì chất lượng tốt hơn tại chức, nhưng không có nghĩa là học tại chức thì đều là tệ hại.
Các bạn cứ cho là chính quy tốt cả về kiến thức đào tạo và cả chất lượng làm việc, nhưng điều đơn giản dễ thấy qua việc bình luận tôi thấy tư duy của các bạn vẫn còn kém. Sao các bạn không nhìn rộng thêm một chút, nước ta là nước đang phát triển từ một nước nghèo đi lên, dân ta đa số ta còn nghèo, nhiều vùng kinh tế còn khó khăn không có điều kiện học liên tục từ THPT lên thẳng đại học. Xét về mặt xã hội, đâu phải ai cũng may mắn như các bạn gia đình có điều kiện học từ THPT rồi học đại học chính quy.
Có những người vì hoàn cảnh không được học liên tục, mà cố gắng có được bằng cấp 3 rồi khép lại việc học để đi làm kiếm sống. Sau thời gian 2 -3 năm ổn định việc làm, kinh tế có phần thay đổi, người ta muốn học tiếp phấn đấu vươn lên thì đại học tại chức là cơ hội duy nhất dành cho họ - những người kém chút may mắn nhưng có ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Vậy các bạn tự hào là được đào tạo chính quy mà điều này các bạn cũng không thông, thì làm sao các bạn khẳng định đủ tư duy để làm việc tốt hơn hệ tại chức?
Tuy nhiên, tôi nhìn nhận hệ tại chức nước ta nhiều năm gần đây đúng là có sự biến tướng, có sự tiêu cực "xin - cho" giữa thầy và trò. Nó là hệ lụy tư tưởng của một tầng lớp không tốt trong xã hội, nhưng chúng ta cũng đừng quơ đũa cả nắm mà bẻ.
Chúng ta không nên chỉ trích lẫn nhau kiểu "vạch áo cho người xem lưng", mà chúng ta nên góp ý kiến làm sao để Bộ Giáo dục & Đào tạo có hướng cải thiện hệ đào tako tại chức cho đúng nghĩa hơn, có chất lượng hơn. Làm sao để đầy lùi việc "chạy" thầy như các bài báo đã dưa, dẹp nạn "cho" thì làm, không có việc thì "xin".
Lê Anh Hải (leanhhai35@yahoo.com):
Tôi cũng đang học tại chức đây, nhưng sao mà ngán quá! Tôi chịu khó đi học nhưng cũng chẳng giải quyết được gì. Cả lớp có đến 60 học sinh vậy mà ngày nào đông nhất cũng chỉ được khoảng 20 người học, đến lúc điểm danh không hiểu kéo đâu vào nhiều đến như vậy.
Hic! điểm danh xong thì lại... thôi rồi, sao lớp lại vắng đến như vậy. Tôi thấy tình cảnh như thế này nên ngán quá, vậy là tôi bây giờ đã quyết định nghỉ làm và quyết tâm cho việc thi đại học chính quy. Lúc đầu mọi người đều gàn bảo tôi bằng nào chẳng là bằng, nhưng cho đến bây giờ tôi đã nhận được rất nhiều ủng hộ. Và khi đọc những lời bình như trên, thực sự thấy con đường tôi đang đi là đúng mặc dù tôi cũng không biết có thi đỗ hay không.
Học Tại Chức (k6407hcm@yahoo.com):
Các bạn học chính quy nhưng chưa hẳn đã giỏi và nếu bạn có bản lĩnh thì các bạn làm trong công ty nhà nước để làm gì? Tại sao lại không tìm cho mình cơ hội mới? Tôi không nghĩ học tại chức là xấu và cũng không cho việc học chính quy là tốt hoàn toàn.
Học hay không học là do sinh viên. Tôi thấy một số người cũng học rất giỏi, mạnh dạn phát biểu ý kiến và luôn không ngừng phấn đấu và không phải thi lại lần nào. Trong khi ở hệ chính quy nhiều người không được như thế, thi nhiều lần không đậu và thậm chí còn có những người đạo đức quá kém đến mức hành hung giáo viên vì thi hoài không qua.
Tôi góp ý các bạn, nếu bạn đã mạnh dạn phê phán tại chức thì cũng phải thẳng thắn nhìn lại kết quả học tập của các bạn đi, xem có bằng một số người học tại chức không. Đừng quá coi trọng học tại chức hay chính quy. Nhiều lúc con người ta cầm bằng tại chức nhưng năng lực không tại chức và có một số lại ngược lại.
Nguyễn Lan (lanlan_nguyn@yahoo.com):
Tôi nghĩ rằng bản thân loại hình đào tạo này không có lỗi. Việc đào tạo tại chức tạo cơ hội cho những người có nhu cầu nâng cao kiến thức và hiểu hiết của mình để làm việc tốt hơn nhưng không có điều kiện để học hệ chính quy, tập trung. Điều đó phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước ta.
Nhưng có một thực tế mà tất cả mọi người đều biết là chất lượng đào tạo tại chức hiện nay quá kém! Việc đó có nguyên nhân cả từ phía người học, người dạy và các nhà quản lý giáo dục.
Hậu quả của nó không chỉ là sự lãng phí thời gian và tiền của của nhân dân, mà còn làm tồi tệ nền giáo dục của Việt Nam vốn đang còn nhiều vấn đề phải bàn, thậm chí nó còn kéo lùi sự phát triển của xã hội.
Nhiều người đã dùng cái bằng tại chức để được đề bạt, bổ nhiệm làm ông này, bà nọ. Nhưng một khi người lãnh đạo đã kém hiểu biết và năng lực thì tất nhiên là làm tổn hại lợi ích của đất nước và nhân dân rất nhiều.
Vì vậy tôi đề nghị các nhà quản lý giáo dục cần quản lý chặt chẽ loại hình đào tạo này. Các nhà làm luật cũng nên nghiên cứu sâu hơn về những tiêu cực trong loại hình đào tạo này để có chế tài thích đáng.
Các nhà tổ chức hạn chế đến tối đa việc bổ nhiệm những người chỉ có học tại chức. Khi xây dựng tiêu chí về bằng cấp cho những vị trí quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước từ cấp huỵện trở lên, cần yêu cầu phải có bằng đại học chính quy. Như vậy sẽ hạn chế được tác hại của việc đào tạo tại chức gây nên.
Hải (hailvtn@yahoo.com.vn):
Trước hết xin chân thành cảm ơn báo Dân trí rất nhiều vì đã mở ra diễn đàn trên để bạn đọc được bày tỏ quan điểm của mình!
Tôi đã đọc kỹ bài viết của tác giả Đinh Thế Hưng và các ý kiến tham gia của bạn đọc, tôi rất đồng tình với các ý kiến tham gia. Theo tôi việc đề xuất với Bộ GD&ĐT nên bỏ hay để, hoặc hạn chế đào tạo đại học tại chức là không cần thiết, vì việc học là việc nâng cao trình độ của mỗi cá nhân, nên việc tự học là chính, vì vậy đã có bằng đại học dù bất cứ hệ gì cũng là điều rất tốt.
Tuy nhiên, sản phẩm của bằng cấp cũng giống như bất cứ các loại hàng hóa khác (cho dù bằng cấp là hàng hóa có tính chất và đặc thù riêng), đã là hàng hóa thì có cầu ắt có cung, đã có hàng thật thì sẽ có hàng giả, vì vậy loại hàng hóa này phải có "Quản lý thị trường đặc biệt " để xử lý nghiêm tình trạng “học giả, bằng thật”!
Vũ Văn Tiến (tổng hợp)