“Tại chức” hay “tại cần chức” ?

(Dân trí)- "Cảm ơn Dân trí đã đăng những bài viết và những bình luận như thế này, tôi thường xuyên đọc rất nhiều báo nhưng tôi thấy chỉ có Dân trí mới đúng là tiếng nói của nhân dân" - Đó là một trong hàng nghìn ý kiến của bạn đọc về chủ đề này.

“Tại chức” hay “tại cần chức” ? - 1
Phao thi môn văn trước hội đồng thi Trung tâm GDTX
kinh tế tổng hợp, hướng nghiệp TP Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Xuân)
 
Nguyễn Trung Đoàn (donhung65@gmail.com):
 
Cám ơn tác giả Đinh Thế Hưng. Bài viết hay. Tôi nghĩ nhiều người có suy nghĩ như bạn nhưng không hẳn ai cũng dũng cảm nói lên sự thật. Đọc các ý kiến tôi thấy rất nhiều người có suy nghĩ đúng. Đề nghị Dân trí duy trì mục này để mọi người tham gia bình luận. Giống như Dân trí đã để mọi người bàn luận về chuyện khổ sở vì cái sổ đỏ.

Ngành khoa học kỹ thuật của tôi không có người theo học tại chức vì không học nổi và học chẳng để làm gì. Tuy nhiên tôi thấy ngành kinh tế và ngành luật sao nhiều người học tại chức vậy? Học tại chức, không biết ngoại ngữ, vậy mà có nhiều người leo lên tới Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu... thật là...

An Bình (nguyen_dong_tdt@yahoo.com):

Đọc xong các bình luận mà hoa mắt. Đúng là vấn nạn học tại chức trong xã hội hiên nay. Các bác có biết phần lớn người học tại chức là người làm việc ở đâu không? Họ làm việc chủ yếu trong các cơ quan nhà nước. Học tại chức là để giữ chức, thăng chức, tăng lương thôi. Để xóa bỏ dần được kiểu học tại chức như thế này thì cơ quan tuyển dụng, chuyển ngạch lương cần loại bỏ ngay bằng tại chức. Không trọng dung bằng tại chức nữa thì sẽ chẳng còn vấn nạn tại chức nữa. Nên nhân rộng cách làm của thành phố Đà Nẵng.

La Thanh Liêm (lathanhliem59@yahoo.com):

Học tại chức- nên dành cho những người lớn tuổi  (>40) không có thời gian để học liên tục. Đa số những người trẻ tuổi hiện nay mới ra trường đi làm được 3,4 năm là xin đi học tại chức, cơ quan không cho thì kêu gào là “chèn ép nhân tài” (nếu thực tài thì họ đã đậu ĐH). Thậm chí có người lúc đi xin việc làm chìa bằng cử nhân ngoại ngữ cũng là bằng tại chức, tại sao còn trẻ mà họ không thi TOEFL hay IELTS ?... Chắc vì họ lười biếng và mang quan niệm dựa dẫm vào cơ chế nhà nước, muốn dùng thời gian và tiền bạc của cơ quan để đi học, chứ không muốn phấn đấu tự học.

Trần Đại Dư (vuichoigiuatroi@yahoo.com):

Kiến nghi Bộ GD&ĐT bãi bỏ ngay hình thức đào tạo tại chức vì: 1- Sinh viên tốt nghiệp chính qui nhưng đa số vẫn không có việc làm. 2- Hệ tại chức là môi trường thuận lợi cho việc mua bán bằng cấp, để chạy chức chạy quyền của các quan tham. 3- Chủ trương không sử dụng bằng tại chức của TP. Đà Nẵng trong tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước là việc làm cần học tập và phổ biến toàn quốc.

Bùi Thị Lý (btly245@yahoo.com):

Cảm ơn tác giả Đinh Thế Hưng đã viết lên sự thật, bởi cuộc sống nhiều cái rất thật mà ít ai dám nói thật. Thật trớ trêu phải không bạn?!

Le Khang (khang1101@yahoo.com):

Bài viết rất dũng cảm, rất hay! Cơ quan tôi có anh lái xe xin đi học tại chức, nghe cậu ta kể về học và thi mà cười lăn ra đất. Có tài liệu mà cả phòng thi cứ ngơ ngác nhìn nhau, không biết chép chỗ nào, chép còn sai.

Hoàng Nam (GERarslUCEmhlvn@gmail.com):

Bài viết phải nói là cực kỳ chính xác, chính xác 99% luôn. Trước đây học tại chức còn chấp nhận được vì lúc đó nước ta mới thống nhất, hệ thống đào tạo còn ít mà công việc đòi hỏi phải có trình độ. Bây giờ theo tôi biết thì học trong các trường tại chức 50% là học sinh vừa tốt nghiệp THPT mà thi rớt đại học.

Những người này vì sao không chọn học trung cấp hay cao đẳng, bởi 1 lý do rất đơn giản vì cái tấm bằng tại chức được đánh giá cao bằng tấm bằng chính quy, và cũng bởi vì chất lượng sinh viên cũng như hệ thống đào tạo tại chức "thực tế" còn chả so sánh được với học cao đẳng chính quy nữa. Nhưng những người này thử hỏi vì sao "không dám" học cao đẳng, vì họ thi trung cấp chắc gì đã đỗ.

Tôi không đánh đồng tất cả những người học tại chức, những anh chị đã có gia đình rồi, những người đã lớn tuổi học tại chức thì không nói làm gì. Ở đây là những bạn trẻ không hiểu sao lại lao theo học tại chức, nói thật các bạn ra cũng chả làm được gì đâu, vì nền tảng tư duy các bạn đã không có sẵn từ hồi học phổ thông rồi. Sao không chọn học nghề hay học trung cấp rồi học lên dần dần.

Học tại chức thì những bất cập trong giảng dạy cũng như cách học như thế nào thì chúng ta ai cũng biết hết rồi, không phải nói lại làm gì. Xin ví dụ: ở trong cơ quan tôi toàn trình độ đại học cả, nhưng chính quy thì chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đến 60% là tại chức, 20% là liên thông từ trung cấp lên... Hiện tại tôi làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, công ty tôi là 1 công ty 100% vốn nhà nước, nhiều lúc ngẫm lại vì sao người ta chê công ty Nhà nước "kém", chắc cũng là vì vấn đề này.

Trong quá trình làm việc mới thấy trình độ tại chức lộ rõ, nói thật là họ quá kém chứ không nói là dốt, chả hiểu sao vẫn lấy được cái bằng đại học. Học đại học mà mấy cái cơ bản như Office, Auto Cad... làm như mấy ông học việc. Cách làm việc thì qua loa, hời hợt, nhưng lại rất hay lên mặt, hay thật... là hay!!!

Tạ Quang Huy (huyhoang_83@yahoo.com.vn):

Em chào anh Hưng!  Em thấy bài viết của anh rất hay, cám ơn anh đã nói hộ nỗi niềm của chúng em, những người học chính quy ra mà chật vật vẫn chưa tìm được việc đúng chuyên ngành. Em cũng cám ơn báo Dân trí đã tạo điều kiện cho chúng em phát biểu về vấn đề này.

Em có ý kiến như sau: quả thực kỳ thi đại học đối với chúng em quá căng thẳng, vất vả. Em công nhận rằng Nhà nước có làm như vậy mới tuyển vào đại học những người thực sự cố gắng trong học tập. Em đã thi điểm khá cao (26 điểm). Tuy nhiên, ra trường tìm việc còn khó khăn gấp bội. Nếu khó chung cho mọi người thì em không kêu ca. Nhưng đứa bạn em, nó chẳng chịu học gì cả, thi cùng với em mà nó được 11,5 điểm 3 môn. Ấy vậy, liền sau đó nó chọn học tại chức. Học lớt phớt, chả ra sao cả mà nó cũng có bằng tốt nghiệp đại học. Có bằng là bố nó bố trí việc làm ngay, chỗ rất "ngon", ai cũng thèm. Mới ngoài 30 tuối đã lên trưởng phòng và hiện đang học thạc sỹ (em đồ vài năm nữa nó có bằng tiến sỹ như ai). Cho nên em ghét cay, ghét đắng cái hệ tại chức. Nó chiếm hết vị trí của chính quy rồi.

Em nghe nói, có vị học tại chức sau không hiểu sao lại thành tiến sỹ, phó giáo sư (nếu giỏi thì em không kể, đằng này lại dốt), rồi lại được bố trí là Viện phó một viện nghiên cứu, lại còn hướng dẫn cả thạc sỹ và tiến sỹ nữa. Chúng em vẫn bảo nhau: F1 đã vậy, không hiểu F2, F3 sẽ như thế nào. Nghe tên vị này trong ngành ai cũng lắc đầu. Hóa ra học tại chức lại rất hên. Hèn gì nhiều người chẳng tội gì phải học chính quy.

Phùng Văn Tiến (phungvtien@gmail.com):

Đã có câu "dốt chuyên tu, ngu tại chức". 100 anh học tại chức may ra được 2-3 anh học ra hồn, còn lại vứt hết. Bạn Bùi Huy Đức nói rất đúng "Đây chính là việc cấp bằng giả mà hợp pháp". Việc thi cử, bằng cấp còn nhiều tiêu cực lắm. Không biết bao giờ nền giáo dục nước nhà mới tốt lên được.

Đặng Ngọc Bích (bichktv@yahoo.com.vn):

Tôi thấy rằng bài viết trên phản ánh rất trung thực. Đại học tại chức là tạo điều kiện cho một số cán bộ cơ hội để được cấp bằng đại học, nhằm mục đích chuyển hệ lương và thăng quan tiến chức. Mong sao các nhà QLGD nên bỏ hình thức này, bởi vì đất nước Việt Nam chúng ta không phải không có những sinh viên đại học đã học xong đang ngồi nhà không xin được việc.

Mến (ttmen85@gmail.com):

Cảm ơn Dân trí đã đăng những bài viết và những bình luận như thế này, tôi thường xuyên đọc rất nhiều báo nhưng tôi thấy chỉ có Dân trí mới đúng là tiếng nói của nhân dân. Với "vấn nạn" này tôi chỉ xin được góp ý một câu: chỉ có những người ngay thẳng, thật sự có tài mới dám làm những điều khiến họ không bị "há miệng mắc quai". Mong đất nước có nhiều những người lãnh đạo như ở Đà Nẵng.

Nguyễn Văn Đức (weld@kyoei-vn.com):

Xin chào! Tôi cũng từng học tại chức nên tôi cũng cảm nhận được những vấn đề trên là đúng. Rất mong các cấp có trách nhiệm vào cuộc vì một tương lai của đất nước tốt đẹp hơn, chứ cứ để những vấn đề bất cập về giáo dục tồn tại mãi như vậy thì ngành giáo dục Việt Nam sẽ không bao giờ sánh vai được với các nước bạn...
 
Bùi Huy Đức (buihuyducduchuy@yahoo.com.vn):

Cần xóa bỏ ngay hình thức đại học tai chức. Đây chính là việc cấp bằng giả mà hợp pháp.

Johny (cobenhutnhat29@gmail.com):

Tôi cũng thấy khó chịu về vấn đề này lắm! Ở cơ quan tôi có tới 80% cán bộ là học tại chức- liên thông. Tôi mới vào làm được 5 tháng thôi nhưng thấy khó chịu về những người này lắm, cách làm việc rất là chậm chạp và không có trí tuệ. Không phải tôi chê đồng nghiệp của mình, nhưng mọi người thấy lời nói của một đồng nghiệp học tại chức nói thế này có được không nhé: "Tôi được phân công viết giáo trình cho một chương trình mới, họ đã nói với tôi: "Lên mạng coppy về, chứ viết thế nào được".

Tôi bức xúc lắm, trình độ thạc sĩ mà nói vậy sao...? (trước ông ta là lao công ở cơ quan tôi, sau đó học trung cấp hệ ngoài giờ hành chính rồi học tại chức lên đại học, sau đó là thạc sĩ). Đó chỉ là một ví dụ trong hàng nghìn tình huống mà tôi chứng kiến. Theo tôi Bộ GD-ĐT nên bỏ hình thức đào tạo này đi. Ngày trước thời kỳ bao cấp còn phù hợp, chứ bây giờ tệ nạn nhiều lắm, thợ thì chẳng có mà thuê, toàn các thầy đến xin việc thôi.

BHl (hailac2005@yahoo.com):

Tôi nghĩ học tại chức ở Viêt Nam như một trò lừa đảo, học sinh thì không chịu học, thầy cô nhìn vào đó liệu có đủ tâm huyết mà dạy hay không? Đến khi thi chỉ cần 1 tập phong bì rồi lại qua mà. Và cái đọng lại sau cùng là KHÔNG một tý kiến thức nào, thay vào đó là cách mới trong việc chạy chọt, mua bằng.

Sơn (soncc1984@gmail.com):

Đúng là tại chức có nhiều bất cập thật. Vấn để giải quyết cốt lõi ở đây là nền giáo dục của ta kém, ý thức trong việc dạy và học của một số bộ phận cả thầy và trò cũng chưa tốt. Muốn cải tổ thay đổi được thì phải làm từ "cái gốc" của nó.

Lê Văn Sơn (levansonhatinh@gmail.com):

Mong sao các nhà có chức năng lên tiếng. Theo mình, xem Đà Nẵng như là một thí nghiệm "Nói không với bằng tại chức". Từ đó mà nhân rộng ra. Mà tốt nhất là không đào tạo hệ tại chức nữa. Như các bạn biết đấy, đại học giờ gọi như là lớp đại trà.

Nguyễn Mạnh Tuấn (nmtuanvn89@gmail.com):

Theo mình nghĩ thì có cung thì mới có cầu. Và càng ngày hệ đào tạo ĐH tại chức càng mất đi cái chất của nó. Nếu như trong xã hội chúng ta không quá đề cao vấn đề bằng cấp và tuyển dụng, nâng lương, thăng cấp theo khả năng thì chắc chắn hệ đào tạo ĐH tại chức không bất cập như bây giờ. Chứ học xong ra chỉ vì bằng cấp thì vừa mất tiền vừa mất đi nhiều thời gian. Mong Bộ GDĐT sẽ có nhiều sửa đổi tích cực cho hệ đào tạo này trong thời gian tới!

Văn Khánh Trình (khanhtrinh1986@gmail.com):

Nhà nước ta cần loại bỏ dần tình trạng học tại chức. Ở ta đã có câu "dốt như chuyên tu, ngu như tại chức". Đành rằng có một số người cũng có năng lực, nhưng đó chỉ là như những giọt nước trong biển rộng bao la. Hơn thế, học tại chức mỗi năm thì học có bao nhiêu ngày ta có thể đếm được trên đầu ngón tay, trong lúc đó những người học chính quy thì chuyên tâm học ngày học đêm, thì thử hỏi trình độ của người nào hơn người nào. Trong công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước thì chúng ta nên trọng dụng người tài, người có trình độ thực sự. Việc làm của Đà Nẵng mới đây trong việc không tuyển dụng những người học tại chức vào cơ quan nhà nước rất đúng với xu thế phát triển của đất nước và công bằng, bình đẳng hơn cho những người học chính quy.

Chiến (internetviet@gmail.com):

Cũng đúng với cái tên của nó. Tại chức, tại vì cần giữ chức hay để có chức nên học để có đủ bằng cấp.

Nguyễn Bắc (nguyenvan.he@yahoo.vn):

Học đại học tại chức = Thuê học + Thi chép + Tiền lệ phí (rất cao).

Nguyễn Thành Kiên (nguyenthanhkien01234999739@yahoo.com.vn):

Cơ bản phải thay đổi việc đề bạt chức vụ và nâng lương. Vì hai thứ đó dựa vào bằng cấp nên mọi chuyện mới rối tinh rối mù lên như vậy. Theo tôi, trình độ đại học vừa phải thôi. Cơ bản vẫn đào tạo trung cấp thật lành nghề, để họ lao động cho xã hội. Trong khi đó chúng ta chạy theo đào tạo "thầy", mà "thầy" cũng không ra "thầy". "Thợ" thì cẫn cứ thiếu. Đại học tại chức ra mà chẳng biết gì cả.

Cơn Mưa Buồn (leanhhai35@yahoo.com):

Tốt nhất là bỏ tại chức và liên thông đi. Tôi cũng đang học tại chức đây, tốn tiền lắm rồi, muốn bỏ lắm rồi.

Văn Thị Thơ (vanthitho@gmail.com):

Chuyện không riêng cơ quan tôi, tôi xin kể sơ qua về cơ quan tôi cho mọi người cùng ngẫm nghĩ. Cơ quan tôi làm là một đơn vị giáo dục nhưng những người có học hành đàng hoàng, có bằng cấp chính quy khó có chỗ đứng, mất hết tinh thần phấn đấu, chỉ đi dạy cho hết trách nhiệm rồi về hoặc chạy ngoài lo miếng cơm manh áo cho vợ con. Nhiều người có tâm huyết chỉ biết ngao ngán lắc đầu.

Tại sao vậy? Xin thưa các vị trí quản lý trong cơ quan tôi đa phần là tại chức, họ cấu kết thành bè phái và tìm cách triệt hạ những người "lắm chữ, nhiều lý lẽ, khó bảo". Vậy là hết đường cho người có học hành chính quy đàng hoàng, bỏ phiếu quy hoạch là rớt, lầy phiếu tín nhiệm là thua.

Học tại chức quản lý tốt không? Xin thưa cũng tuỳ, nhưng ở cơ quan tôi thì khỏi phải nói: làm tổ chức thì không hiểu luật, làm sai từ cái nhỏ đến cái lớn, các vị trí khác cũng vậy nên anh em không phục nhưng trên thấy vẫn tốt vì : "nó là con tôi, cháu ông và em bà nhà hoặc đồng hương với sếp. Thậm chí nó có họ giống tôi".

Đây là đơn vị giáo dục còn thế,  các cơ quan khác như thế nào thì không phải bàn. Theo quan điển của tôi, quyết định của TP. Đà Nẵng là dũng cảm, dám nhìn nhận thẳng vào sự thật.

Công Ty Than (oithitcho@yahoo.com):

Như vậy còn đỡ các bạn ạ. Ở Quảng Ninh tôi lại còn có chiêu này độc đáo hơn, thật 101%. Đã có bằng tại chức trung cấp rồi còn được đăng ký học liên thông 1,5 năm lên cao đẳng rồi từ đó lại học liên thông từ cao đẳng lên đại học 1,5 năm nữa. Như vậy là để học được đại học bây giờ chỉ còn có 3 năm thôi. Các bạn thấy hay không? Vậy học đại học làm gì để tốn cơm gạo của bố mẹ, dùng chiêu này hay hơn nhiều mà khi có bằng đại học bậc lương lại cao nữa chứ vì được cộng thêm thâm niên công tác.

Ví dụ anh A 18 tuổi tốt nghiệp phổ thông đi học trung cấp tại chức mất 1,5 năm ra trường đi làm luôn, ngay sau đó đi học liên thông kiểu trên mất 3 năm nữa ra trường đã có tấm bằng đại học với tổng thời gian mất 4,5 năm. Lúc này anh A trên nộp bằng đại học cho phòng tổ chức lao động để lên bậc lương. Như vậy hệ số bậc lương mới của anh A là = 2,34 + 3 năm thâm niên công tác = 1 bậc nữa (0,31) = 2,34 + 0,31 = 2,65. Đương nhiên người học chính quy thiệt hại nặng nề vì tổng thời gian đi học mất 5 năm, ra trường đi làm được hưởng bậc 1 với hệ số 2,34. Các bạn ngẫm thử mà xem. Điều tôi nói ở trên là sự thật ở các công ty than chúng tôi.

Văn Thắng (tinhcadumuc_thang88@yahoo.com):

Bộ GD&ĐT nên xem xét lại các quy định và chế tài về đào tạo tại chức, đất nước muốn phát triển thì ngành giáo dục cũng nên tạo ra được một môi trường công bằng cho mọi công dân. Chẳng có cớ gì mà cái ông học tại chức lại chỉ đạo người được đào tạo bài bản hơn. Theo cá nhân tôi nên bỏ "tại chức" vì đó là mảnh đất để nuôi dưỡng những tiêu cực xã hội. Và nên bắt tay làm ngay từ bây giờ không thì sẽ là quá muộn!

Văn Cường (cuonghtd2.k51@gmail.com):

Tại chức rất hay thuê sinh viên chính quy làm hộ đồ án và bài tập. Không hiểu các bạn ấy sau ra làm được cái gì hay chủ yếu là "hành là chính".

Nguyễn Tú (login59@yahoo.com):

Tôi thực sự bức xúc với những người học tại chức, chuyên tu... Bởi vì tôi cũng đang làm giảng viên của một trường đại học lớn tại Hà Nội. 10 năm trước tôi có dạy 1 lớp chuyên tu, mà trình độ chuyên tu các bạn biết rồi đấy, đó là những người không đỗ đại học nên kiến thức cả về xã hội lẫn chuyên môn rất kém. Trong lớp đấy bây giờ có anh đang học thạc sỹ và làm phó phòng của một Bộ chủ quản của trường tôi. Tương lai học xong chắc lên trưởng phòng.

Trong khi đấy bao nhiêu sinh viên ưu tú tôi dạy đều phải vất vả kiếm sống. Thỉnh thoảng tôi có đi họp cùng anh ta, anh ta chẳng biết phát biểu gì cả, chỉ ậm ừ cho qua. Tôi cho rằng Bộ GD&ĐT nên chấm dứt việc đào tạo tại chức, chuyên tu.. Hoặc nếu mở thì Bộ Nội vụ cũng quy định luôn những người ấy nên làm ở cấp cơ sỏ như: huyện, xã.. Tôi nói thẳng với giám đốc viện tôi: Nếu nhận bằng tại chức hoặc chuyên tu về bộ môn tôi, tôi sẽ kiên quyết không xếp làm gì, không cho đi học tiếp nữa. Ôi thôi, có lẽ là thi đại học vẫn là công bằng nhất.

HN (alo123@gmail.com):

Theo tôi thì chủ đề là "Học tại chức, quên tại chỗ" là chưa đúng lắm! Có lẽ nên sửa là: "Học tại chức, không có gì để quên" mới đúng!.
 
Vũ Văn Tiến (tổng hợp)