Phải chăng danh sách quán Việt trong Michelin Guide chỉ dành cho khách Tây?
(Dân trí) - Danh sách 70 nhà hàng Michelin Selected (Michelin đề xuất), trong đó có 32 nhà hàng ở Hà Nội khiến nhiều người sửng sốt vì ít người dân địa phương ăn.
Khẩu vị khác ta?
Nếu điện ảnh có giải Oscar, âm nhạc có Grammy thì ẩm thực có danh hiệu Michelin - một giải thưởng mà bất kỳ nhà hàng nào cũng mong được nhận.
Vừa qua, Michelin Guide - tổ chức xếp hạng ẩm thực danh giá nhất thế giới đã chính thức có mặt ở Việt Nam để vinh danh những nhà hàng trong ngành F&B (Viết tắt của Food and Beverage Service - một loại hình dịch vụ về phục vụ ẩm thực cho thực khách, là một bộ phận không thể thiếu trong mỗi khách sạn, nhà hàng, fast food,...).
Bên cạnh 4 nhà hàng được gắn sao, còn có danh sách 70 nhà hàng được Michelin đề xuất, trong đó có 32 nhà hàng ở Hà Nội. Điều đáng nói, nhiều dân sành ăn cho rằng danh sách này chưa xứng đáng bởi có nhà hàng thậm chí mới thành lập được mấy tháng, hoặc có những nhà hàng mà "dân bản địa" ít khi vào ăn, thậm chí cho vào blacklist - danh sách đen.
Điều này đã dấy lên một làn sóng tranh cãi trong các hội nhóm ẩm thực.
Anh V.T.N.L., một người sành ăn các loại bún, phở tại Hà Nội cho biết: "Không hiểu sao bún chả hàng M., bún chả H. được cho vào danh sách. Chất lượng dịch vụ không có gì nổi bật, chất lượng đồ ăn thì ngày càng đi xuống, chưa kể giá quá cao".
Còn theo chị L.N.L. (Tây Hồ, Hà Nội): "Sau khi xem danh sách xong mình cũng bất ngờ, có vẻ như vị giác của Tây khác ta chăng?".
Nhiều người còn nói vui, chắc Michelin đề xuất cho khách Tây, chứ nhiều quán trong số này chỉ ăn một lần và không bao giờ có lần hai.
Anh T.T. (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: "Hình như Michelin đi mấy chỗ như du khách mới qua Việt Nam lần đầu, ốc Đ. 15 năm trước còn ăn được chứ bây giờ vừa mắc, vừa dở, ốc teo tóp, có cả ngàn quán ốc ngon hơn".
Anh T.T.H. (Thanh Xuân, Hà Nội) thắc mắc: "Không biết Michelin có đi chấm thực sự hay không? Là du khách thì chắc chắn mấy cái tên trong danh sách khá là được biết đến vì sự quảng bá mạnh trên các trang blog du lịch, nhưng là dân địa phương thì ai mà chẳng biết quán dở tệ".
Còn theo chị N.L (Hoàn Kiếm, Hà Nội), một người làm trong lĩnh vực kinh doanh, có cơ hội đi nhiều nước trên thế giới kể lại: "Mình đã có cơ hội thưởng thức một bữa tối tại nhà hàng 3 sao Michelin ở Paris với giá từ 30 triệu đồng chưa bao gồm đồ uống cho 2 người. Đây là một nhà hàng lâu đời nhất nước Pháp với tuổi đời hơn 230 năm".
Chị L. kể, việc đặt bàn cũng không dễ dàng. Thực đơn được đầu bếp đặc biệt hỏi han kỹ lưỡng và chọn lựa nguyên liệu, mỗi vị khách được in một menu có tên riêng.
"Những món ăn được chờ đợi để bùng nổ vị giác, thế nhưng, khi thưởng thức, sự thật thì vừa tanh, vừa ngấy, vừa chua loét vừa đắng gắt. Hết món này đến món khác phá vỡ kì vọng và không thể nuốt được hết món nào, không thể nào cảm thụ được sự điệu nghệ tay nghề múa dao khuấy đũa của đầu bếp. Lắc đầu nhắm mắt để ăn!".
Theo chị L., đây chỉ là một trải nghiệm, vậy nên sao hay không sao, nhiều sao ít sao hay ở đâu, đều là sự phù hợp. Khẩu vị luôn là câu chuyện cá nhân, ngon với người này, khó ăn với người khác. Tóm lại, vẫn chỉ là một trải nghiệm thôi".
Tiêu chuẩn để được chọn là Michelin Selected bao gồm chất lượng món ăn và trải nghiệm ẩm thực xuất sắc, dịch vụ chuyên nghiệp và nhất quán, cùng với môi trường và không gian nhà hàng hấp dẫn. Chính vì những tiêu chí này, khi các nhà hàng được chọn là Michelin Selected đồng nghĩa với việc nhà hàng có thêm danh tiếng, tăng lượng khách, tăng doanh thu, tăng cơ hội phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc, các nhà hàng cũng rất cần sự "công tâm" tương đối.
Giảm kỳ vọng sẽ bớt thất vọng
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Food Reviewer (người nhận xét món ăn) Ninh Tito cho biết, trong số 70 nhà hàng của danh sách Michelin Selected, anh đã ăn và trải nghiệm kha khá nhà hàng từ đường phố đến cao cấp.
"Thú thực trong danh sách có một vài nhà hàng tôi vô cùng yêu thích, đặc biệt là một vài nhà hàng ở Hà Nội, thậm chí đã từng chia sẻ nhiều lần bằng cả hình ảnh và video trên các kênh mạng xã hội của mình. Tuy nhiên, cũng có không ít nhà hàng bản thân tôi không thích, không hợp vị trong 70 quán này.
Lúc đầu khi nhìn vào danh sách này, bản thân cũng đã đứng hình đôi chút vì không nghĩ trong danh sách lại có những quán như vậy. Dù danh sách Michelin đưa ra rất phong phú, thể hiện nền ẩm thực Việt Nam rất đa dạng nhưng khó hiểu khi các loại bánh truyền thống đặc sệt hương vị Việt Nam như bánh mì, bánh cuốn, bún riêu, các quán chè… lại không được lựa chọn vào danh sách".
Tại sao thay vì một món có tận 2-3 quán cùng 1 thành phố ta lại không chọn nhiều món nhưng là quán ngon nhất? Thêm vào đó, bản thân những quán được lựa chọn như phở, bún Hà Nội, ốc Sài Gòn cũng không phải là những quán người bản địa khuyên nên tới ăn. Đây cũng là một dấu hỏi lớn.
Theo Ninh Tito, bản thân Michelin Guide cũng là một danh sách giới thiệu, chia sẻ ẩm thực, chắc chắn cũng sẽ có trái chiều vì khẩu vị mỗi người là khác nhau. Giải thưởng cũng có nhiều tiêu chí và tiêu chí này là nhất quán trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, khi đã được gọi là "các chuyên gia thẩm định" của một giải thưởng danh giá, hay khi được hẳn một tập đoàn lớn của Việt Nam đồng hành thì có lẽ Michelin cần toàn diện hơn, cân đối hơn giữa các tiêu chí của giải thưởng với nền văn hóa ẩm thực Việt Nam mà chính người Việt Nam muốn tự hào chia sẻ tới du khách trong và ngoài nước. Đó chính là cái khó của nghề giới thiệu ẩm thực.
Cuối cùng, Food Reviewer Ninh Tito cho rằng, chúng ta đừng kỳ vọng quá nhiều vào sản phẩm, món ăn mà hãy đến thưởng thức trong tâm thế thoải mái nhất. Một món ngon, một nhà hàng xứng đáng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: khẩu vị, sự đồng đều, tâm trạng, thời điểm… nên nếu bạn thoải mái đón nhận thì dù kết quả thế nào bạn vẫn sẽ có trải nghiệm ẩm thực khách quan nhất. Ngon thì ăn và chia sẻ lại, không ngon thì thôi, rút kinh nghiệm.