Bài 1:
Nước mắt lao động “chui”: Đường vượt biên
(Dân trí) - Nhẹ thì bị bắt bớ, đánh đập, bị chủ bắt làm việc trong những môi trường độc hại, nguy hiểm… nặng thì phải bỏ mạng nơi xứ người là thực trạng mà những lao động “chui” đang phải đối mặt. Song hàng năm ở tỉnh Thanh Hóa vẫn có cả chục nghìn người đi lao động chọn con đường này, bất chấp vi phạm pháp luật và cả những hiểm nguy rình rập.
Xuất khẩu lao động “chui” là từ ngữ dùng để chỉ những lao động tự do đi làm ăn ở nước ngoài mà không có hợp đồng xuất khẩu lao động và dĩ nhiên họ không được bảo vệ theo Luật lao động.
Đường “chui” qua biên giới
Được người quen giới thiệu cho “cò” lao động chuyên đưa người sang Trung Quốc làm ăn, anh L.V.D, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa gặp bà N người cùng xã để xin đi lao động. Qua trao đổi, bà N hứa hẹn sẽ tìm cho anh D một công việc tốt và lương cao bên Trung Quốc. Bà N còn khẳng định chắc nịch, đi lao động với bà hoàn toàn yên tâm bởi “đường dây” của bà làm việc chuyên nghiệp, có uy tín vì đã “bao trọn gói” từ “đường đi nước bước” cho đến địa điểm mà D sẽ làm việc bên xứ người.
Khi giao số tiền 5 triệu đồng, một ngày sau anh D cùng một số thanh niên trong xã được bà N bắt xe cho đoàn đi Quảng Ninh để thực hiện chuyến vượt biên sang Trung Quốc “xuất khẩu lao động”. Anh D kể, đi xe khách từ Thanh Hóa ra Quảng Ninh mất khoảng 4 tiếng, từ đây anh cùng một số người bắt đầu được dẫn để vượt biên sang bên kia biên giới. Trên hành trình vượt biên, có lúc đoàn của anh phải đi bộ qua đường rừng, khi đi xe ôm, lúc ngồi xe buýt... Trên mỗi chặng đường đi đều có người trong đường dây môi giới đón sẵn và dẫn đường sang đến tận nơi làm việc.
Ở Việt Nam thì người dẫn đường là người Việt còn phía bên kia biên gới là người bản địa dẫn đường. Mọi việc diễn ra thuần thục và nhanh chóng dù biết tiếng hay bất đồng ngôn ngữ thì cũng chẳng ai nói với nhau câu nào. Một nguyên tắc mật để đến được đích an toàn là không nói nhiều cũng không hỏi nhiều nhằm tránh lực lượng chức năng phát hiện ra gốc tích. “Mới đi nước ngoài lần đầu nên em cũng sợ, nhưng cô N nói an toàn tuyệt đối vì nhóm của cô làm lâu năm rồi nên em cũng đỡ lo”, anh D nói.
Sang biên giới, đoàn của anh D phải đi một chuyến xe buýt và hai chuyến xe khách mới đến được địa điểm làm việc nằm ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). “Sau khi đến nơi, đoàn của em được nghỉ một ngày cho lại sức và để làm quen trước với công việc. Mọi người trong đoàn được “cò mồi” hướng dẫn trước là mua sim điện thoại mới để tiện liên lạc với nhau trên đất khách quê người. Công việc của anh D là sản suất các loại máy làm đẹp như: máy mát-xa, máy hút mỡ bụng… với mức lương 2,5 nghìn nhân dân tệ/tháng.
Lênh đênh nơi xứ người
Nói về những ngày tháng lênh đênh, lao động chui nơi xứ người, anh D vẫn nhớ như in: “Những lao động chui như chúng em qua đây làm đủ thứ việc từ đứng máy (trông coi máy) đến bưng bê, giúp việc, hàn xì, thợ xây và cả đánh bắt cá trên biển… lương cũng khoảng 5 - 12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, vì là lao động “chui” nên không được chủ đóng bảo hiểm, phải sống chui lủi, khi công an truy quét bắt được buộc phải sống trong trại tạm giam. Muốn được tại ngoại phải mất một khoản chi phí khá lớn”.
Những ngày đầu làm việc trên đất khách quê người khó khăn hơn gấp nhiều lần so với suy nghĩ của lao động Lê Văn Tư (22 tuổi), xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa. Công việc sản xuất các thiết bị máy triệt lông, máy tập gym cho công ty Kinh Dom của Tư cũng không nặng về lao động chân tay nhưng thường mỗi ngày anh phải làm việc trên 10 tiếng đồng hồ, chưa kể muốn tăng ca. Ở công ty của Tư làm đa số là lao động “chui” đến từ Việt Nam. “Buổi trưa anh em lao động được nghỉ một tiếng ăn trưa và tiếp tục làm đến 6h tối. Cơm ở đây khó ăn vì không hợp khẩu vị và thức ăn thường rất cay. Nếu không nhắm mắt mà ăn thì chỉ có ăn cơm trắng hoặc nhịn thôi chứ chúng em không biết phản ánh với chủ thế nào cho họ hiểu được”.
Chính vì thức ăn chủ nấu không hơp khẩu vị nên ngày nào được nghỉ anh em lao động đồng hương người Việt lại tập trung đi chợ mua thức ăn để nấu nướng. “Thường thì chúng em đi chợ dành cho công nhân ở gần nơi làm việc nhưng cũng có khi đi siêu thị. Dù đi chỗ nào cũng không được ở lâu tránh bị công an bắt”, Tư nói thêm.
Ông Lê Văn Hoàng - Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường cho biết, địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý lao động xuất khẩu “chui”. Xuất phát từ việc lao động ở địa phương không có việc làm ổn định, cùng với đó việc đi lao động “chui” không mất phí xuất khẩu lao động nên người lao động dễ tin vào lời dụ dỗ của một số đối tượng.
Hiện xã Hoằng Trường có khoảng 60 - 70 người đang lao động tại Trung Quốc. Chỉ khi nào Tết lao động mới trở về quê. Hầu hết công việc của các lao động này ở Trung Quốc đều là lao động tay chân nặng nhọc, mức lương dao động từ 2.000 - 3.000 nhân dân tệ/tháng.
Xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương) là địa bàn “nóng” về vấn đề xuất khẩu lao động “chui” ở Trung Quốc. Từ đầu năm 2016 đến nay xã có 276 người đi lao động “chui” ở Trung Quốc. Trong đó chủ yếu là lao động ở độ tuổi 17 đến 55.
Theo số liệu của UBND tỉnh Thanh Hóa, tính đến đầu năm 2016, toàn tỉnh có 8.300 lao động “chui” làm việc tại Trung Quốc. Số lao động này chủ yếu ở các huyện ven biển như Hoằng Hóa, Quảng Xương, Hậu Lộc… Hầu hết lao động chui đều có trình độ dân trí thấp, không có công việc ổn định ở địa phương nên khi bị dụ dỗ lôi kéo họ sẵn sàng vượt biên trái phép bất chấp hiểm nguy rình rập và bất chấp cả việc vi phạm pháp luật. Trong số đó đã có 585 người bị chính quyền Trung Quốc bắt, trao trả. 9 người bị phía Trung Quốc đưa ra xét xử, 16 người bị tai nạn thiệt mạng, nhiều phụ nữ bị mất tích. Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân vừa qua có hơn 4.000 người trở về quê ăn Tết.
(Còn nữa)
Ngọc Bích - Trần Lê