Nước C2, Rồng đỏ nhiễm chì: Hình phạt nào cho đủ?

(Dân trí) - “Liên quan đến vụ việc này, người tiêu dùng cần tập hợp, củng cố tài liệu chứng cứ để khởi kiện yêu cầu URC bồi thường. Dưới góc độ hình sự, trong trường hợp URC biết sản phẩm C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt mức cho phép mà vẫn tung ra thị trường thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trong cho sức khỏe”, luật sư Trương Anh Tú phân tích.

Liên quan đến vụ việc 02 sản phẩm C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì cao hơn mức công bố, thanh tra Bộ Y tế đã tiến hành thanh kiểm tra đối với Công ty TNHH URC Hà Nội (gọi tắt là công ty URC). Theo đó, Công ty URC vi phạm 4 lỗi, bị xử phạt hành chính với tổng số tiền lên tới gần 6 tỷ đồng. Trong đó có hai hành vi vi phạm liên quan trực tiếp tới sản phẩm C2 và Rồng đỏ, cụ thể: hành vi sản xuất hai lô sản phẩm có hàm lượng chì cao hơn mức công bố bị phạt 8.000.000 đồng và hành vi bán hai lô sản phẩm này ra thị trường bị phạt 5.812.867.000 đồng.


Luật sư Trương Anh Tú: Người tiêu dùng cần tập hợp, củng cố tài liệu chứng cứ để khởi kiện yêu cầu URC bồi thường. Dưới góc độ hình sự, trong trường hợp URC biết sản phẩm C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt mức cho phép mà vẫn tung ra thị trường thì có thể bị truy cứu TNHS.

Luật sư Trương Anh Tú: "Người tiêu dùng cần tập hợp, củng cố tài liệu chứng cứ để khởi kiện yêu cầu URC bồi thường. Dưới góc độ hình sự, trong trường hợp URC biết sản phẩm C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt mức cho phép mà vẫn tung ra thị trường thì có thể bị truy cứu TNHS".

Liên quan đến quyết định xử phạt Công ty URC, PV Dân trí có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú - Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú, luật sư Tú cho biết:

“Mức phạt mà Thanh tra Bộ Y tế đưa ra là phù hợp với quy định của pháp luật theo đó hành vi sản xuất hai lô sản phẩm có hàm lượng chì vượt mức công bố vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 điều 17 Nghị định 80/2013/NĐ-CP có mức phạt từ 6.000.000 đến 10.000.000 đồng; hành vi bán hai lô sản phẩm này ra thị trường thì mức phạt từ 01 lần đến 02 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với hành vi bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng theo quy định tại khoản 5 điều 20 Nghị định 80/2013/NĐ-CP. Mức phạt 5.812.867.000 đồng là mức phạt tương ứng gấp 1,5 lần tổng giá trị hàng hóa bị vi phạm. Đây là mức phạt khá cao khiến cho những doanh nghiệp không dám lặp lại hành vi vi phạm và phải kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu, sản phẩm của mình trước khi bán ra thị trường. Đồng thời góp phần cảnh báo, răn đe đối với cá nhân, tổ chức khác nếu có hành vi vi phạm tương tự.

Tuy nhiên, việc xử phạt không giải quyết hết được mọi vấn đề bởi số lượng sản phẩm mà URC tung ra thị trường đến tay người tiêu dùng là rất lớn. Số lượng hàng hóa vi phạm đã xuất bán không thu hồi được theo xác định của Thanh tra Bộ Y tế có tổng giá trị là 3.875.244.610 đồng. Doanh nghiệp vi phạm thì bị xử phạt, tiền phạt được nộp vào ngân sách nhà nước, còn người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thì phải tự gánh chịu trong khi họ là người trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi lô hàng không phù hợp chất lượng nêu trên. Như vậy, số lượng lớn người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm, quyền lợi của họ được đảm bảo như thế nào thì không được đề cập. Họ không được bồi thường, không nhận được bất kỳ một lời xin lỗi nào tư phía nhà sản xuất và cơ quan chức năng”.

Theo luật sư Tú, hiện nay, mặc dù luật pháp có những quy định bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong chính luật bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản luật khác, xong trên thực tế, khi xảy ra những trường hợp tương tự như vụ việc này thì việc bảo vệ quyền lợi của họ là không khả thi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ nhiều phía. Phía cơ quan nhà nước chỉ tập trung vào vấn đề xử phạt khi có vi phạm mà chưa quan tâm thỏa đáng đến vấn đề xung quanh như là có bao nhiêu người sử dụng sản phẩm này, ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao, cơ chế kiểm tra sự tác động lên sức khỏe của người tiêu dùng để đánh giá hậu quả của sản phẩm… Phía người tiêu dùng thì thờ ơ với chính quyền lợi của mình, đơn giản với suy nghĩ lần sau không sử dụng sản phẩm này nữa. Phía doanh nghiệp thì nộp phạt và lờ đi chuẩn bị ra mắt sản phẩm khác…. và còn rất nhiều nguyên nhân khác.


Số nước C2 hương chanh, Rồng đỏ nhiễm chì vượt ngưỡng công bố đã được bán ra thị trường, không có khả năng thu hồi có giá trị đến 3,875 tỷ đồng.

Số nước C2 hương chanh, Rồng đỏ nhiễm chì vượt ngưỡng công bố đã được bán ra thị trường, không có khả năng thu hồi có giá trị đến 3,875 tỷ đồng.

“Liên quan đến vụ việc này, người tiêu dùng cần tập hợp, củng cố tài liệu chứng cứ để khởi kiện yêu cầu URC bồi thường. Dưới góc độ hình sự, trong trường hợp URC biết sản phẩm C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt mức cho phép mà vẫn tung ra thị trường thì có thể bị truy cứu TNHS theo quy định tại điều 244 BLHS hiên hành nếu gây thiệt hại cho tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trong cho sức khỏe.

Tuy nhiên, để xác định trách nhiệm hình sự trong trường hợp này là khó bởi với hàm lượng chì nêu trên thì phải sử dụng trong thời gian dài mới có biểu hiện nhiễm độc, dẫn đến việc khó chứng minh về mối quan hệ nhân quả từ việc sử dụng sản phẩm đến hậu quả làm tổn hại sức khỏe con người. Ngoài ra, trong thời gian dài con người còn sử dụng nhiều sản phẩm khác nên việc chứng minh sử dụng sản phẩm nhiễm chì là tác nhân trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe rất khó.

Do vậy, để bảo đảm quyền lợi cho mình, mỗi người hãy là người tiêu dùng thông thái biết lên tiếng đấu tranh bảo vệ quyền lợi của chính mình và những người xung quanh. Các cơ quan nhà nước với chức năng quyền hạn của mình có trách nhiệm hơn trong việc kết nối giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất để giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, có những quyết định cứng rắn để nhà sản xuất có trách nhiệm hơn nữa với người tiêu dùng thay vì chỉ đơn thuần có mỗi việc xử phạt và nộp phạt”, luật sư Tú nhận định.

Anh Thế - Thuỳ Dương (thực hiện)