Nở rộ phong trào gửi thư ngỏ "xin tiền" cựu học sinh để tổ chức lễ kỷ niệm
(Dân trí) - Tình trạng nhiều trường học đua nhau tổ chức các lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống rầm rộ, gửi "thư ngỏ" kêu gọi tiền hỗ trợ của cựu học sinh gây tốn kém, lãng phí diễn ra khá phổ biến.
Thậm chí, trong cùng một số địa phương thì có dấu hiệu tranh đua nhau giữa trường này với trường kia khi tổ chức lễ kỷ niệm lãng phí, tốn kém, không cần thiết.
Điều đáng nói ở đây là khi tổ chức lễ kỷ niệm thành lập, ngày truyền thống là một số nhà trường thường có "thư ngỏ" kêu gọi quyên góp ủng hộ tiền, vật chất cho nhà trường để tổ chức các lễ kỷ niệm. Việc cựu học sinh sau khi ra trường, thành đạt hướng về trường xưa, tri ân thầy, cô giáo hay phụ huynh có điều kiện quyên góp, ủng hộ nhà trường dịp này là hoàn toàn chính đáng, nên làm.
Tuy nhiên, một số trường lại lợi dụng việc kêu gọi quyên góp để tổ chức lễ kỷ niệm hoành tráng, xa hoa, lãng phí là không cần thiết, xã hội cần lên tiếng. Bởi lễ kỷ niệm nên tổ chức quy mô phù hợp, trang trọng nhưng phải tiết kiệm, không nên xa hoa, lãng phí, nhất là phải phù hợp với tổ chức trường học, cơ sở giáo dục.
Đặc biệt không nên tổ chức các đêm hội, hội diễn văn nghệ quá hoành tráng, phô trương, tưng bừng với việc mời ca sĩ nổi tiếng, cát xê cao hoặc tổ chức buổi tiệc linh đình, trao các phần quà cáp có giá trị lớn, tốn kém cho khách mời...
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng các nhà trường, nhất là cơ quan quản lý giáo dục nên có định hướng, quy định phù hợp trong việc tổ chức lễ kỷ niệm thành lập trường, ngày truyền thống... Theo đó, buổi lễ kỷ niệm nên tập trung vào việc tri ân thầy cô giáo, chương trình văn nghệ chào mừng phù hợp, "cây nhà lá vườn", chủ yếu là ôn lại kỷ niệm, động viên tinh thần.
Riêng tiền quyên góp, ủng hộ nên dành phần lớn cho việc giúp đỡ những trường hợp thầy cô, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng cho học sinh giỏi.
Đặc biệt các trường nên lập quỹ học bổng để nhận quyên góp, ủng hộ cho nhà trường chỉ nhằm mục đích đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường và trao học bổng cho học sinh nghèo, học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, học sinh đạt giải cao, có đóng góp, mang vinh quang về cho nhà trường, địa phương...
Đồng thời, dùng tiền được ủng hộ để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ học tập, giảng dạy như trang bị phòng thí nghiệm, máy tính, đầu tư mua sách cho thư viện... Đây là việc làm thiết thực, cần thiết nên được quan tâm, triển khai hiệu quả thay vì chỉ trông chờ vào ngân sách hoặc nguồn "xã hội hóa" từ phụ huynh học sinh.
Luật gia Phạm Văn Chung