Sao lại hiểu gói gọn "Tiên học lễ..." trong lễ nghĩa hay văn chương?
(Dân trí) - Bạn đọc cho rằng "Tiên học lễ, hậu học văn" là triết lý giáo dục của chúng ta từ rất lâu; không thể bỏ đi được mà phải làm mới chữ Lễ trong giáo dục, đừng tranh luận mà hãy thực hiện nó đúng hơn!
Trong tham luận phát biểu tại hội thảo giáo dục với chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo" hôm 21/11, GS Trần Ngọc Thêm - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM - nêu quan điểm: "Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động".
Theo GS Thêm, để có con người chủ động, cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm, không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như "con ngoan trò giỏi" (ngoan theo nghĩa "dễ bảo, vâng lời", giỏi theo nghĩa "thuộc bài").
"Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo... Chừng nào còn đề cao chữ "lễ" để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển", GS Trần Ngọc Thêm khẳng định.
Có nên bỏ "Tiên học lễ, hậu học văn"?
Quan điểm của GS Thêm đã gây xôn xao dư luận trong mấy ngày qua. Về vấn đề này, vào năm 2012, nhà báo Bùi Hoàng Tám đã có bài viết chia sẻ trên mục Blog của Báo điện tử Dân trí với tiêu đề: Thầy không "trọng đạo", sao trò "Tôn sư"?
Bài báo viết: "Theo các bạn, có nên bỏ câu "Tiên học lễ…" không và nếu bỏ, nên chọn câu nào thay thế? Đặc biệt, bạn nghĩ gì về chủ trương "rèn thầy" trước khi "luyện trò" bởi nói gì thì nói, nếu thầy không "trọng đạo" thì sao trò "tôn sư"?
Có một khẩu hiệu lạ, rất lạ bởi nó không sáo rỗng, chung chung, nặng tính hô hào như hầu hết các khẩu hiệu ở các trường học cả nước. Càng "lạ" hơn, nó không có xuất xứ ở những thành phố lớn, nơi có các trung tâm giáo dục uy tín mà lại xuất hiện ở một ngôi trường huyện. Đó là khẩu hiệu "Rèn thầy trước, luyện trò sau" được trưng rất hoành tráng trên mặt tiền của ngôi nhà văn phòng Trường THPT Nguyễn Duy Thì, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Có thể nói, "Tôn sư, trọng đạo" là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Theo quan niệm Nho giáo, vai trò người thầy chỉ sau vua và hơn cả cha đẻ (Quân - Sư - Phụ). Trong dân gian có câu: "Cha sinh không bằng thầy dạy". Điều đó càng chứng tỏ vai trò và vị thế của người thầy trong đời sống nhân dân cũng như quan niệm của người Việt Nam ta rất lớn.
Thế nhưng muốn trò "tôn sư" thì trước hết, thầy phải "trọng đạo". Thầy không trọng đạo lý mà đòi hỏi sự "tôn sư" ở học trò là không công bằng, là vô lý. Vả lại, người xưa có câu "Thượng bất chính, hạ tắc loạn". Ca dao cũng có câu minh họa cho nội dung này: "Bề trên ở chẳng chính ngôi - Để cho bề dưới chúng tôi lăng loàn".
Thế nhưng đạo lý không tự nhiên mà phải học tập, rèn luyện mới có được. Muốn có đạo, người thầy phải thường xuyên tu luyện nhân cách. Có đạo rồi, vẫn phải rèn luyện bởi nhân cách con người không phải bất biến, nếu để lâu không rèn giũa là dễ bị hư hỏng. Tiền nhân dạy: "Ngọc càng mài càng sáng" là bởi vậy.
Thầy thời nay không chỉ rèn về đạo đức mà còn phải luôn luôn rèn luyện về kiến thức. Trong thời đại khoa học tiến như vũ bão, nếu thầy không rèn luyện về kiến thức, đi sâu học hỏi thì sẽ sớm trở nên lạc hậu. Thậm chí, trở thành vật cản bởi những suy nghĩ già cỗi, lỗi thời…
Nếu phân tích, sẽ còn có rất nhiều điều để nói nhưng tóm lại, đây là khẩu hiệu rất hay bởi đề ra được những hành động cụ thể, giàu tính thực tiễn.
Gần đây, dư luận đang đặt câu hỏi có nên bỏ những câu "đại ngôn" như "Tiên học lễ, hậu học văn" nửa cổ, nửa kim. Thay vào đó là những câu thiết thực như "Học tập suốt đời" hay "Rèn thầy trước, luyện trò sau"…
Theo các bạn, có nên bỏ câu "Tiên học lễ…" không và nếu bỏ, nên chọn câu nào thay thế?".
Bình luận về vấn đề này, có bạn đọc ủng hộ quan điểm của GS Thêm và cho rằng, "Thời đại hiện nay đã thay đổi, lễ nghĩa và kiến thức nên được dạy và học song hành với nhau. Các nhà trường cũng nên tập trung rèn luyện cho học sinh về tư duy phản biện, kĩ năng mềm và các kĩ năng xử lý tình huống khác thay vì chỉ tập trung vào lễ nghĩa và kiến thức như hiện nay. Đặc biệt là các trường cấp 2, cấp 3.
Các kiến thức, kĩ năng như vậy sẽ cần thiết hơn cho các con trong tương lai, đặc biệt là trong công việc và cuộc sống của các con. Vậy nên chúng ta nên bỏ khẩu hiệu "tiên học lễ hậu học văn" là việc nên làm. Nếu các con có lỗ hổng về mặt kiến thức các con có thể tự học và nếu các con có một môi trường sống văn minh và lành mạnh thì tự thân các em sẽ học được cách cư xử và lễ nghĩa phải đúng. Nhưng nếu như không có các kĩ năng sống cần thiết khi bước ra đời thì trường đời sẽ dạy các em bằng những bài học đắt giá".
Đồng quan điểm, bạn đọc Anh Tuấn cho rằng: "Giáo dục hiện đại chú trọng vào thái độ và kỹ năng chứ không chú trọng sự ngoan hiền và kiến thức nữa. Thái độ chính là đạo đức, còn "Lễ" chỉ là cái vỏ bên ngoài. "Văn" chỉ là kiến thức suông, trong khi Kỹ năng là biến kiến thức thành hành động cụ thể.
Giờ quan điểm này đã quá lỗi thời, đào tạo hiện đại thì trí thức phải có thái độ tốt và kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn để dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, phồn vinh chứ không đào tạo trí thức vâng dạ như thời xưa nữa".
Khẩu hiệu không sai!
Với góc nhìn nhận và phân tích khác về khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", nhiều bạn đọc không đồng tình với GS Thêm.
"Các nước Á Đông luôn khác Âu Mỹ, chúng ta có những giá trị văn hóa khác họ. Con người phải dạy lễ nghĩa trước, lễ phép đạo đức tốt các năm đầu đời trước khi bắt đầu học chữ. Nước Nhật là một ví dụ, con nít họ được dạy rất lễ phép, ra đường gặp người lớn đều cúi chào. Trên bản đồ thế giới họ ở đâu? Số lượng các giải Nobel mà người Nhật nhận được ngày càng nhiều. Kinh tế hay khoa học kỹ thuật không thua ai. Nhật Bản là quốc gia văn minh hàng đầu thế giới họ cũng chủ trương dạy đạo đức, lễ nghĩa trước văn hóa. Người không giỏi nhưng tư cách tốt vẫn có ích, người giỏi mà vô đạo đức thì vứt đi", bạn đọc Minh Thu viết.
"Sao lại hiểu gói gọn khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn" trong lễ nghĩa hay văn chương? Bản chất của nó là học làm người trước khi học làm nghề, học nhân cách trước khi học kiếm sống. Học đạo trước khi học thuật.
Điều này đã được cha ông ta đúc kết qua nhiều đời, không phải chuyện ngày một ngày hai. Khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ có thể khiến xã hội tiện nghi hơn chứ không thể khiến xã hội tốt đẹp hơn. Chỉ có lòng tốt, sự lương thiện của con người mới khiến cuộc sống này tốt đẹp hơn mà thôi. Xã hội văn minh bây giờ không hề thiếu những đau khổ và bất hạnh vì lòng tham, tàn nhẫn và vô đạo của con người.
Vì vậy theo tôi dù ở thời đại nào cũng cần đặt chữ lễ lên làm đầu, còn vận dụng phối hợp với những quy chuẩn nào cho phù hợp mới là cái cần phải bàn. Quan điểm của giáo sư là "Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động" nó không liên quan đến chữ Lễ tí nào cả.
Theo GS Thêm, để có con người chủ động, cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm, không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như "con ngoan trò giỏi" (ngoan theo nghĩa "dễ bảo, vâng lời", giỏi theo nghĩa "thuộc bài"). Giáo sư dựa vào nghiên cứu nào mà bảo con ngoan trò giỏi thì không có tính chủ động?", bạn đọc Nguyễn Hương nêu quan điểm.
Cho rằng "Tiên học lễ" không hề gây cản trở tư duy, bạn đọc Phương Trần phân tích: "Lễ ở đây nó cũng giống như lễ phép, phép tắc, tôn trọng giá trị truyền thống, tôn trọng giá trị văn hóa trong ứng xử, giao tiếp. Hay nói cách khác nó chính là vấn đề Đạo Đức, ngày nay tôi thấy một bộ phận các em trẻ đang có sự sai lệch về đạo đức nghiêm trọng. Còn việc phản biện, tiếp thu những cái mới mẻ phản biện những cái đã cũ rất đáng hoan nghênh và không hề bị nói là "thất lễ"".
Cho rằng khẩu hiệu này không hề sai hay lỗi thời, cái sai là ở người sử dụng nó vì mục đích gì, bạn đọc Minh Tú viết: "Tiên học Lễ, hậu học Văn là một câu nói nhằm nhắc nhở con người rằng đạo đức là ưu tiên hàng đầu. Phản biện là điều cần thiết, trong một con người có lễ nghĩa thì luôn kính trên, nhường dưới, luôn mong cho thế hệ sau giỏi hơn thế hệ trước nhưng không bao giờ quên công lao người đi trước như câu ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Ở đây chúng ta nên quan tâm đến việc tìm ý nghĩa tốt đẹp trong những câu nói ấy để phát huy. Việc người thầy người cô dựa vào những câu nói đó để làm tấm khiên cho chính mình như vậy là trong bản thân họ cũng chẳng có Tiên học lễ, Hậu học Văn. Một người học trò có lễ nghĩa thì tự khắc thấy điều sai trái họ cũng sẽ chiến đấu chống lại nó để bảo vệ nghĩa lễ đó".
""Tiên học lễ, hậu học văn" là triết lý giáo dục của chúng ta từ rất lâu rồi và nó không thể bỏ đi được mà phải làm mới chữ Lễ trong giáo dục, đừng tranh luận mà hãy thực hiện nó đúng hơn để giáo dục thực sự là một việc vô cùng quan trọng của một quốc gia dân tộc", bạn đọc Thanh Hà bình luận.