Những vấn đề từ "cuộc chiến pháp lý" giữa Duy Mạnh và Mercedes Việt Nam
(Dân trí) - Theo luật sư, cần làm rõ nhiều vấn đề pháp lý nhằm xác định nguyên nhân hỏa hoạn cũng như trách nhiệm bồi thường của các bên, bao gồm hãng xe, chủ xe, đơn vị trông giữ và công ty bảo hiểm.
Những ngày qua, bài viết của ông Nguyễn Duy Mạnh (ca sĩ Duy Mạnh, 50 tuổi, ở quận Tân Bình, TPHCM) liên quan tới tranh chấp bồi thường thiệt hại với Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam do chiếc xe bốc cháy trong hầm chung cư nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Theo nội dung đăng tải, năm 2020, ông Mạnh mua chiếc Mercedes-Benz S450 Luxury với giá hơn 4,7 tỷ đồng, thời hạn bảo hành 36 tháng. Tối 15/2/2023, chiếc xe bỗng dưng bốc cháy khi đỗ trong hầm một chung cư tại TP Thủ Đức, TPHCM.
Qua xác minh, chuyên gia của hãng cho rằng không có sự cố kỹ thuật nhưng có sự xâm nhập của động vật gặm nhấm làm chập điện, trong khi kết luận của công an không đề cập vấn đề này. Không đồng tình với kết luận trên, nam ca sĩ đã khởi kiện, yêu cầu Mercedes-Benz Việt Nam bồi thường hơn 2,5 tỷ đồng.
Không riêng trường hợp của Duy Mạnh, thời gian gần đây, nhiều vụ việc ô tô bỗng dưng bốc cháy liên tiếp xuất hiện. Từ đây, nhiều độc giả đặt câu hỏi về việc trong trường hợp xe "bỗng nhiên" bốc cháy, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường?

Chiếc xe bị cháy của Duy Mạnh (Ảnh: FBNV).
Những câu hỏi pháp lý
Bình luận về tình huống dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) đánh giá từ kết luận ban đầu do chập điện, các tổ chức, cá nhân liên quan sẽ tiếp tục thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ, kết hợp các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan công an như khám nghiệm hiện trường hay trưng cầu giám định để từ đó xác định chính xác nguồn cơn ngọn lửa cũng như xác định trách nhiệm bồi thường (nếu có) trong vụ hỏa hoạn.
"Chập điện là một trong những nguyên nhân phổ biến gây cháy xe, song mối nguy hiểm không chỉ nằm ở khu vực nắp capo (nơi chuột có thể chui vào cắn phá) mà còn có thể đến từ hệ thống điện chạy đều khắp xe, từ bên trong cánh cửa xe, dưới thảm, dưới đệm ghế hay bên trong bảng taplo trung tâm điều khiển. Bởi vậy, vấn đề đầu tiên cần xác định là vị trí xảy ra chập điện, nguồn cơn của ngọn lửa tới từ đâu? Có phải tới từ nắp capo không hay ở các vị trí khác?
Tiếp theo, về vấn đề chuột cắn xe (nếu có), cần xác định vị trí phân chuột và rác được tìm thấy ở đâu? Nếu có dấu hiệu cắn phá, cần xác định vết răng chuột được tìm thấy ở vị trí nào, mức độ nghiêm trọng ra sao, vết cắn có đủ sâu tới phần lõi dây, dẫn tới tạo tia lửa điện gây cháy nổ hay không?
Việc xác định thời điểm và vị trí phát cháy đầu tiên là hết sức quan trọng bởi điều này có thể giúp thu hẹp phạm vi nguyên nhân gây cháy. Ví dụ, cháy ở bảng điều khiển có thể liên quan đến điện, trong khi cháy ở khoang động cơ có thể liên quan đến hệ thống nhiên liệu hoặc các yếu tố khác", ông Hùng phân tích.
Ngoài việc làm rõ các nguyên nhân khách quan có thể dẫn tới cháy nổ, cơ quan có thẩm quyền sẽ đồng thời xác minh các vấn đề liên quan tới yếu tố chủ quan của chủ phương tiện như có thường xuyên đưa xe đi bảo dưỡng định kỳ, tại các địa chỉ uy tín, đáng tin cậy hay không? Xe đã bị thay thế thiết bị, phụ tùng nào hay chưa, chất lượng phụ tùng thay thế có đảm bảo chất lượng hay không? Việc lắp đặt đã đúng cách, đảm bảo quy trình, an toàn phòng chống cháy nổ chưa?
Đồng thời, cần xác minh lịch sử di chuyển của phương tiện như việc xe di chuyển ra sao, tới những khu vực nào, trong điều kiện nào trước khi xảy ra cháy? Môi trường và điều kiện tại bãi đỗ xe ra sao, xe có gần nguồn lửa, các chất dễ cháy hay đỗ tại các khu vực không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy không?
Từ hàng loạt câu hỏi pháp lý nêu trên, tùy thuộc kết quả xác minh và giám định của các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, trách nhiệm pháp lý sẽ dần được làm sáng tỏ.

Chiếc xe được kiểm tra nhằm xác định nguyên nhân cháy sau vụ hỏa hoạn (Ảnh: FBNV).
Trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?
Trên cơ sở kết quả xác minh và kết luận của các cơ quan chuyên môn, có thể phân tách trách nhiệm của hãng xe, chủ xe và phía cơ quan bảo hiểm như sau:
Đối với hãng xe Mercedes-Benz, nếu kết luận cho thấy nguyên nhân do lỗi hệ thống điện, hệ thống nhiên liệu của xe hoặc do vật liệu, phụ tùng lắp ráp không đảm bảo chất lượng, không tuân thủ quy trình lắp ráp, hãng xe có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ xe.
Nếu nguyên nhân cháy được xác định do yếu tố khách quan bên ngoài tác động (VD: Loài gặm nhấm) và không có bằng chứng cho thấy hãng xe có lỗi trong việc bảo vệ các bộ phận quan trọng khỏi tác động này (trong điều kiện sử dụng thông thường), thì trách nhiệm của hãng xe có thể được loại trừ.
"Nếu một sản phẩm cao cấp như xe hơi không có đủ thiết kế an toàn để phòng ngừa yếu tố môi trường thông thường như chuột, mưa ẩm, khói bụi, oxi hóa... thì đó cũng có thể xem là lỗi kỹ thuật gián tiếp. Vì vậy, nhà sản xuất có nghĩa vụ đảm bảo sản phẩm của mình an toàn khi sử dụng đúng cách.
Theo khoản 5, Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, trong trường hợp xảy ra thiệt hại do lỗi kỹ thuật, lỗi thiết kế, hoặc sản phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn thì nhà sản xuất hoặc nhà phân phối có thể bị buộc bồi thường thiệt hại. Do đó, nếu kết luận lý do ô tô bị cháy là đến từ lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất thì trách nhiệm bồi thường là của hãng sản xuất xe", luật sư bình luận.
Đối với chủ xe, nếu kết luận cho thấy có dấu hiệu của việc chủ xe tự ý thay đổi kết cấu phương tiện, lắp đặt các phụ kiện không chính hãng, không đảm bảo chất lượng hoặc lắp đặt sai kỹ thuật; không bảo dưỡng định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất, dẫn tới các nguy cơ tiềm ẩn gây cháy (VD: Rò rỉ nhiên liệu, hệ thống điện xuống cấp...) thì chủ xe có thể phải chịu toàn bộ hoặc một phần trách nhiệm.
Ngoài ra, nếu việc không đảm bảo vệ sinh phương tiện, dẫn tới thu hút các loài gặm nhấm và gây ra hư hại, chủ xe cũng có thể có một phần trách nhiệm trong việc bảo vệ tài sản của mình.
Đối với đơn vị trông giữ xe, theo Điều 557 Bộ luật Dân sự 2015, quan hệ giữa chủ xe và bên trông giữ là một dạng hợp đồng gửi giữ tài sản. Theo đó, bên nhận giữ tài sản có trách nhiệm bảo quản tài sản như thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ và phải bồi thường thiệt hại nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ.
Nếu xảy ra thiệt hại tài sản, bên nhận giữ tài sản chỉ được miễn trách nhiệm trong các trường hợp gồm: trường hợp bất khả kháng và trường hợp không được bên gửi giữ thông báo tình trạng, bảo quản thích hợp do tính chất đặc biệt của tài sản.

Luật sư Trần Minh Hùng (Ảnh: FBNV).
Như vậy, cần xác định nguyên nhân cháy có phải là sự kiện bất khả kháng hay không, chủ bãi giữ xe có áp dụng các biện pháp phòng chống cháy nổ cần thiết phòng ngừa trường hợp này không? Hầm gửi xe có đủ các điều kiện an toàn thích hợp để trông giữ xe và ngăn ngừa rủi ro hay không?
Ngoài ra, nếu có bằng chứng cho thấy nguyên nhân cháy là do hành động cố ý hoặc vô ý của một bên thứ ba (VD: người khác gây cháy gần xe), thì bên thứ ba này sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
"Để xác định trách nhiệm một cách chính xác, cần kết quả giám định độc lập từ một đơn vị chuyên môn về cháy nổ ô tô để đảm bảo công bằng và đúng pháp luật. Do đó, chủ xe nên chủ động thu thập tất cả các thông tin và bằng chứng có liên quan để bảo vệ quyền lợi của mình", luật sư Hùng khuyến cáo.
Trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm
Bình luận sự việc, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận đối với sự việc trên và những tình huống tương tự, vấn đề đầu tiên cần xác định là có yếu tố lỗi dẫn tới thiệt hại không hay thiệt hại xảy ra là do sự kiện bất khả kháng?
Nếu nhìn nhận đây là sự kiện bất khả kháng, chủ phương tiện cần thông báo với công ty bảo hiểm nhằm thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm (nếu có Hợp đồng bảo hiểm và Hợp đồng còn hiệu lực). Tuy nhiên, để được công ty bảo hiểm xem xét hỗ trợ khắc phục thiệt hại, chủ phương tiện cần chứng minh mình đã tuân thủ các quy định sau theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022:
Thứ nhất, chủ xe phải đảm bảo đã đáp ứng các quy định về an toàn nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện như dừng đỗ đúng nơi quy định, tránh các khu vực tiềm ẩn nguy hiểm về cháy nổ và phải có các biện pháp đảm bảo nhằm hạn chế thiệt hại xảy ra.
Nếu người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền ấn định một thời hạn để người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đó. Nếu hết thời hạn này mà các biện pháp bảo đảm an toàn vẫn không được thực hiện thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tăng phí bảo hiểm hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm, đồng nghĩa với việc không thực hiện hỗ trợ khắc phục thiệt hại.
Thứ hai, chủ xe phải đảm bảo nguyên tắc không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm. Cụ thể, trường hợp xảy ra tổn thất, người được bảo hiểm không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm và phải áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép để ngăn chặn hoặc giảm thiểu tổn thất, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác.
Nếu đã đáp ứng đầy đủ các quy tắc như trên mà thiệt hại vẫn xảy ra, chủ xe có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm hỗ trợ giải quyết tổn thất. Các khoản bảo hiểm chi trả theo thiệt hại thực tế xảy ra và theo thỏa thuận giữa hai bên trong hợp đồng bảo hiểm đã ký kết, còn hiệu lực.