Những câu hỏi pháp lý từ vụ nữ tài xế tông chết 2 mẹ con ở Vũng Tàu

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, hành vi của người phụ nữ phải đối diện khung hình phạt 3-10 năm tù. Ngoài ra, trách nhiệm pháp lý của chủ xe khi để người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện cũng cần được bàn tới.

Như Dân trí thông tin, Trần Thị Thu Thanh (37 tuổi, ở TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang bị Công an TP Vũng Tàu bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Bà Thanh là người lái ô tô gây tai nạn liên hoàn tối 27/6 tại TP Vũng Tàu trong tình trạng không có giấy phép lái xe, trong hơi thở có nồng độ cồn vượt mức kịch khung. Sự việc khiến 2 người tử vong cùng nhiều người khác bị thương. 

Trường hợp này, nữ tài xế có thể phải chịu trách nhiệm ra sao? Chủ sở hữu chiếc xe mà bà Thanh điều khiển có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không? 

Những câu hỏi pháp lý từ vụ nữ tài xế tông chết 2 mẹ con ở Vũng Tàu - 1

Bị can Trần Thị Thu Thanh (Ảnh: Công an cung cấp).

Trách nhiệm pháp lý chờ đợi nữ tài xế

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ theo quy định của pháp luật, ô tô được xếp vào nhóm nguồn cao độ nguy hiểm. Để điều khiển phương tiện, người lái xe cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật và tuyệt đối không được chạy xe khi trong người có rượu, bia hoặc các chất kích thích khác. Mọi hành vi cố ý vi phạm đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Đối với trường hợp trên, luật sư nhìn nhận nữ tài xế đã bất chấp các quy định của Luật Giao thông đường bộ về việc điều khiển phương tiện, cố tình lái xe khi chưa có giấy phép lái xe và trong người có chất kích thích, gây tai nạn dẫn tới hậu quả nghiêm trọng làm 2 người bị thương. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, và việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Vũng Tàu khởi tố, bắt tạm giam bị can về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 là hoàn toàn có cơ sở. 

Về chế tài xử lý, theo khoản 2 Điều 260 Bộ luật này, người nào tham gia giao thông mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc trường hợp không có giấy phép lái xe theo quy định; trong tình trạng có sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích khác vượt quá mức quy định hoặc gây hậu quả làm chết từ 2 người trở lên sẽ đối mặt khung hình phạt 3-10 năm tù. 

Những câu hỏi pháp lý từ vụ nữ tài xế tông chết 2 mẹ con ở Vũng Tàu - 2

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Người dân cung cấp).

Như vậy, có thể thấy hành vi của bà Thanh có dấu hiệu của 3 tình tiết định khung theo quy định tại khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Do đó, mức hình phạt nữ tài xế phải đối mặt sẽ là phạt tù 3-10 năm. Về hình phạt bổ sung, nữ tài xế có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm. 

Về trách nhiệm dân sự, trong quá trình vụ án được giải quyết, cơ quan công an sẽ tiến hành thu thập chứng cứ, tài liệu, đơn yêu cầu của những người bị thiệt hại và tiến hành các biện pháp giám định nhằm xác định chính xác mức độ thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng mà hành vi vi phạm của nữ tài xế gây ra. Trên cơ sở đó, bà Thanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trong phạm vi lỗi của mình gây ra. 

Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ phụ thuộc các quy định tại Điều 589, 590, 591 Bộ luật Dân sự 2015 cùng các văn bản hướng dẫn có liên quan. 

Người đàn ông cho mượn xe có phải chịu trách nhiệm? 

Cũng liên quan tới vụ án, một tình tiết khác được nhiều người quan tâm là việc chiếc xe do bà Thanh điều khiển gây tai nạn do một người đàn ông ở TP Vũng Tàu đứng tên. Trong trường hợp này, chủ phương tiện có phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật hay không? 

Những câu hỏi pháp lý từ vụ nữ tài xế tông chết 2 mẹ con ở Vũng Tàu - 3

Sau khi gây tai nạn liên hoàn, chiếc xe chỉ dừng lại khi tông vào cột điện (Ảnh: Người dân cung cấp).

Trích dẫn quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015, luật sư Trang cho biết chủ sở hữu, người quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng sử dụng, rượu bia, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Khung hình phạt cơ bản của tội danh này là phạt tiền 10-50 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trường hợp gây hậu quả làm chết 2 người mức phạt áp dụng là phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 

Đối với tình huống này, công an sẽ phải triệu tập người đàn ông là chủ phương tiện tới làm việc. Quá trình giải quyết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ ý chí của người đàn ông này về việc có biết rõ bà Thanh chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện, trong người có chất kích thích nhưng vẫn cố tình giao xe cho người phụ nữ điều khiển hay không. 

Trong trường hợp chủ xe biết rõ việc bà Thanh không đủ điều kiện nhưng vẫn giao xe, người này có thể bị xử lý hình sự theo Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 và phải liên đới bồi thường dân sự cho các nạn nhân trong phạm vi lỗi của mình gây ra. Ngược lại, nếu người này hoàn toàn không biết hoặc bị bà Thanh lừa dối về việc đã đủ điều kiện lái xe, trách nhiệm hình sự có thể được miễn đề cập.