Những hộ dân không thể nhận thừa kế tài sản vì... phong tục tập quán

Đặng Dương

(Dân trí) - Nhiều hộ đồng bào dân tộc tại Đắk Nông đang gặp khó khăn trong giải quyết thủ tục đất đai. Nguyên nhân là họ được hưởng thừa kế tài sản, nhưng khi qua đời, cha ông của họ không để lại di chúc.

Là một trong những trường hợp đang gặp khó khăn trong việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), chị Điểu Thị Phương (bon Châu Mạ, xã Hưng Bình, huyện Đắk R'lấp) cho biết, trước đây, chú ruột của chị là ông Điểu Giá cho bố chị là ông Điểu Tư Loan (hiện cả 2 đã qua đời) 2 sào đất.

Hàng chục năm nay, cả gia đình chị sống ổn định trên diện tích đất này, không tranh chấp với ai. Năm 2015, sau khi lấy chồng, mẹ chị Phương cho chị một phần đất nói trên và xây nhà ở ổn định.

Những hộ dân không thể nhận thừa kế tài sản vì... phong tục tập quán - 1

Nhiều năm sau ngày chồng qua đời, bà Dinh vẫn chưa thể tách sổ, chia đất cho các con (Ảnh: Đặng Dương).

Tuy nhiên, vừa qua, trong quá trình làm thủ tục tách thửa, chị Phương gặp rất nhiều khó khăn liên quan vấn đề thừa kế. Bởi lúc ông Điểu Giá cho bố chị Phương 2 sào đất nhưng chỉ nói miệng nên việc tặng cho không có hiệu lực pháp luật. Hiện GCNQSDĐ thửa đất nói trên cũng không xác định được còn hay mất hoặc ai đang giữ.

Đối chiếu với quy định của pháp luật, khi ông Điểu Giá mất thì chị Phương chỉ thuộc hàng thừa kế thứ 3. Song hiện nay, việc xác định hàng thừa kế thứ nhất còn gặp khó khăn.

Trên thực tế, đến nay cả chính quyền, người thân đều chưa xác định được ông bà nội của chị Phương mất năm nào, chôn cất ở đâu trong rừng, do không có giấy khai tử và không xác định được vị trí mộ.

Chị Điểu Thị Phương cho biết: "Theo quy định về thừa kế, mảnh đất của chú Giá sẽ phải chia cho nhiều người, trong đó có cả ông, bà nội của tôi. Bản thân tôi muốn làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho mảnh đất đang ở để thuận tiện đi vay vốn ngân hàng, tuy nhiên suốt nhiều năm qua, do vướng quy định mà chưa thực hiện được".

Tương tự, gia đình bà Điểu Thị Dinh (ở cùng bon) cũng đang gặp khó khăn liên quan đến vấn đề thừa kế.

Gia đình bà Dinh có một lô đất diện tích khoảng 1 ha, được cấp GCNQSDĐ từ năm 2003, do chồng bà là ông Điểu Huân (đã mất) đứng tên. Gia đình có 8 người con, trước khi mất, ông Điểu Huân không để lại di chúc nên sau rất nhiều năm, bà vẫn chưa tách thửa được các lô để chia cho các con.

Bà Điểu Thị Dinh chia sẻ: "Giờ để tách thửa, phải có giấy chứng tử của bố mẹ chồng tôi nhưng bố mẹ mất lúc chồng tôi còn nhỏ. Con cháu sau này chỉ biết là ông bà được chôn trong rừng. Giờ không ai biết chính xác ông bà mất năm nào, vị trí mộ ở đâu".

Những hộ dân không thể nhận thừa kế tài sản vì... phong tục tập quán - 2

Hiện nay rất nhiều trường hợp tại bon Châu Mạ gặp khó khăn khi làm thủ tục đất đai, xuất phát từ phong tục tập quán năm xưa (Ảnh: Đặng Dương).

Bà Vũ Bích Diệp, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Bình, cho biết thêm, không riêng gì hộ chị Phương, bà Dinh, ở bon Châu Mạ còn có nhiều trường hợp tương tự.

Một phần là do phong tục tập quán, một phần là sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên phần lớn việc cho, tặng đất của người dân ở bon Châu Mạ chỉ nói miệng, không để lại di chúc. Khi người thân qua đời, người dân cũng không khai tử.

Đặc biệt, do yếu tố lịch sử, đến nay nhiều người không xác định được huyệt mộ của người thân nằm ở vị trí nào (để phục vụ cơ quan chức năng kiểm tra, giám định huyết thống), chính những điều này gây khó khăn trong việc phân chia tài sản thừa kế.

"Căn cứ theo quy định của pháp luật, địa phương cũng như các cơ quan chuyên môn chưa thể giải quyết quyền lợi cho người dân. Chúng tôi cũng rất mong muốn, chính quyền các cấp có cơ chế mở hơn đối với đồng bào dân tộc để giải quyết những tồn đọng do yếu tố lịch sử, văn hóa để lại", bà Diệp nhấn mạnh.