Không đòi chia thừa kế để giữ "nếp nhà"

Ngọc Hân

(Dân trí) - Kinh tế - xã hội càng phát triển, đất đai càng có giá trị, tình trạng tranh chấp diễn ra phổ biến hơn, nhất là tranh chấp di sản thừa kế về đất đai. Đây cũng là bi kịch của nhiều gia đình.

Thậm chí theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, đã có không ít những vụ án vì mẫu thuẫn giành đất đai thừa kế khiến anh em ruột xảy ra mâu thuẫn mà sát hại nhau, để lại hậu quả đau lòng và gây hoang mang cho dư luận xã hội.

"Không đòi chia thừa kế không có nghĩa là các đồng thừa kế không hiểu biết và không có quyền, mà là nhường nhịn nhau để giữ "nếp nhà"", luật sư Tiền khẳng định. Đồng thời, vị luật sư Tiền nêu ra những vấn đề pháp lý liên quan tới tranh chấp và phân chia di sản thừa kế.

Thực trạng tranh chấp về phân chia di sản thừa kế

Trong quá trình hoạt động, Văn phòng luật sư Đồng Đội đã tiếp nhận nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, ngoài những vụ tranh chấp đất đai giáp ranh, liền kề giữa hàng xóm thì chủ yếu là tranh chấp di sản thừa kế do ông bà, cha mẹ để lại. Có nhiều gia đình chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng nộp đơn khởi kiện tại tòa; dùng bạo lực, côn đồ để giải quyết mâu thuẫn hay thuê người đến dọa nạt, hành hung người nhà… chỉ để nhận lại vài mét đất ruộng, đất ở là di sản mà cha mẹ để lại. Những trường hợp như vậy, dù thắng hay thua, cũng đều để lại nỗi đau tinh thần và cả sức khỏe cho những người trong cuộc, đáng tiếc hơn là họ đã đánh mất một thứ tình cảm gia đình thiêng liêng lớn lao, không vật chất nào sánh bằng.

Không đòi chia thừa kế để giữ nếp nhà - 1

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Nguyên nhân của những tranh chấp trên đến từ nhiều phía. Trong đó một phần là do phong tục tập quán, những bậc cha mẹ hoặc vợ chồng không có thói quen lập di chúc để lại tài sản cho nhau hoặc cho ai đó khi còn khỏe mạnh, minh mẫn. Điều này càng thể hiện rõ ở vùng nông thôn, mọi người quen ứng xử với nhau theo phong tục, tập quán, truyền thống, đạo đức của dòng họ, gia đình.

Ngoài ra, mặt trái của sự phát triển kinh tế - xã hội khiến giá trị đạo đức và sự gắn kết giữa các thành viên gia đình của một bộ phận người dân không được bền chặt, dễ bị tác động bởi vật chất. Họ đặt giá trị vật chất lên cao hơn giá trị tinh thần và tình cảm gia đình, vì thế những trường hợp tranh chấp xảy ra đều là do anh em không tự thỏa thuận được, sự thỏa thuận không công bằng dẫn tới không đồng thuận, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của những đồng thừa kế cùng hàng hoặc cậy quyền, tham lam, bất chấp pháp luật, tình thân…

Trong đó, đáng lo ngại nhất, gây bức xúc nhất là do lòng tham, lợi dụng mối quan hệ xã hội rộng để lo lót, bóp méo sự thật để được pháp luật công nhận di sản đó của riêng mình thông qua việc làm di chúc, biên bản họp hội đồng gia tộc, tặng cho tài sản giả, giả mạo chữ ký...

Quy định pháp luật hiện hành về thừa kế

Trên phương diện pháp lý, quyền thừa kế là một trong những chế định quan trọng được quy định trong Bộ luật dân sự 2015, theo đó: "Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật".

Từ quy định trên có thể thấy, mọi cá nhân, không phân biệt nam, nữ, tuổi tác, thành phần, tôn giáo, địa vị chính trị xã hội… đều có quyền để lại tài sản của mình cho người khác, cũng như quyền được hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trường hợp thừa kế theo di chúc, tức là khi có di chúc của người chết để lại, khi đó việc phân chia di sản phải tuân theo ý nguyện của người lập di chúc đã ghi rõ trong di chúc; còn trường hợp thừa kế theo pháp luật, tức là người chết không có di chúc để lại thì việc phân chia di sản sẽ theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Nếu phân chia theo pháp luật thì căn cứ vào Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự từ hàng thừa kế thứ nhất đến hàng thừa kế thứ 3; những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Để thực hiện và đảm bảo quyền thừa kế của cá nhân, pháp luật dân sự cũng quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự về quyền thừa kế. Cụ thể, theo Điều 623 Bộ luật dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Như vậy, nếu một trong những người thừa kế di sản, có yêu cầu chia di sản thừa kế thì có quyền yêu cầu Tòa án chia di sản trong thời hạn Luật quy định.

Không đòi chia thừa kế để giữ nếp nhà - 2

Tranh chấp đất đai dẫn tới nhiều bi kịch cho các gia đình (Ảnh minh họa: Thế Hưng).

Hầu hết những bi kịch trong gia đình liên quan đến tranh chấp di sản thừa kế đều đến từ lỗi của những người đồng thừa kế khi họ không biết xử lý vấn đề cho đúng pháp luật, đạo lý, tập quán. Việc người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì di sản được phân chia theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015. Đó là nguyên tắc phân chia theo luật nên khi các bên không tự thống nhất phân chia với nhau được thì dựa vào quy định của điều luật để phân chia, kể cả có nộp đơn khởi kiện tại tòa thì tòa án cũng sẽ căn cứ vào điều luật này để phân chia. Mặt khác, lại mất rất nhiều thời gian chờ đợi, hầu tòa và tốn kém thêm án phí, lệ phí, chứ chưa nói tới tình thân bị sứt mẻ.

Lấy đạo lý để xử sự

Mâu thuẫn được giải quyết hợp tình, hợp lý hay trở thành bi kịch, đều đến từ cách ứng xử của những người trong cuộc. Nếu như những người đồng thừa kế trân trọng tình cảm gia đình,  sống có tình yêu thương, biết nhường nhịn, thông cảm với nhau thì lời của cha mẹ nói ra khi còn sống, giá trị không thua kém bản di chúc có công chứng hay chứng thực. Khi đó, anh em cảm thấy thoải mái, sống đoàn kết yêu thương nhau, cha mẹ nơi suối vàng cũng yên lòng.

Có nhiều gia đình, họ coi trọng tình cảm anh em ruột thịt cao hơn giá trị vật chất nên khi cha mẹ mất, dù chẳng để lại di chúc mà anh em trong nhà vẫn đoàn kết, cùng ngồi lại thỏa thuận và thống nhất phân chia tài sản ra sao, tặng cho thế nào… Cũng có nhiều gia đình, một trong những đồng thừa kế từ chối nhận di sản của cha mẹ và chuyển hết quyền này cho một đồng thừa kế khác, đơn giản vì họ không muốn vì chút tài sản mà mất đoàn kết. Đồng nghĩa với việc, họ biết và hiểu rằng, tình cảm gia đình mới là thứ cần được trân trọng và gìn giữ, chứ không phải là những tài sản vật chất kia.

Trên thực tế còn muôn vàn lý do và nhiều tình tiết, sự kiện đau lòng trong các cuộc tranh chấp di sản thừa kế mà không thể liệt kê hết. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng tranh chấp, bất đồng trong lĩnh vực này cần phải có những giải pháp nhất định. Trong đó, ông bà/cha mẹ nếu có tài sản để lại cần xác định rõ tài sản nào là tài sản thừa kế và tiến hành lập di chúc hợp pháp, đúng thủ tục luật định, trong đó ghi rõ những người nào sẽ được hưởng di sản thừa kế, mức hưởng của họ là bao nhiêu và cần phải làm những thủ tục gì để hưởng thừa kế.

Di chúc nên được lập bằng hình thức văn bản có công chứng, chứng thực. Chỉ trong các trường hợp "cực chẳng đã" thì mới lập di chúc bằng miệng. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác hòa giải cơ sở trong lĩnh vực thừa kế, từ đó kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề liên quan đến tranh chấp di sản thừa kế giữa các thành viên trong hộ gia đình.

Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, các bên có quyền lợi, nghĩa vụ nên ưu tiên việc thỏa thuận, giải quyết về mặt tình cảm để tìm ra tiếng nói chung trong vấn đề tranh chấp. Chỉ nên cân nhắc việc khởi kiện ra tòa án khi không còn sự lựa chọn nào khác, bởi kể cả khi vụ việc đã được tòa án giải quyết, thì tình cảm gia đình, anh em có thể sẽ không còn nữa.

Tuy nhiên, cái gốc của mọi vấn đề vẫn nằm ở yếu tố gia đình. Nếu một gia đình có sự gắn kết, yêu thương bền chặt và được trau dồi, giáo dục từ nhỏ sẽ hiếm có trường hợp "anh em tương tàn vì tài sản". Họ không thể nhẫn tâm thấy người thân mình khốn khổ hay dám làm trái với di nguyện của đấng sinh thành… 

Qua những lần tham gia trực tiếp vào quá trình bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong những vụ kiện tranh chấp di sản thừa kế, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội có đôi điều muốn chia sẻ với độc giả:

"Tài sản, tiền của ai cũng quý nhưng quý nhất vẫn là giá trị sống. Vì thế, mọi sự tính toán thiệt hơn sẽ dẫn tới quên mất anh em, khúc ruột trên khúc ruột dưới, quên mất cái thời củ khoai củ sắn chia đôi, quên mất cái điều giá như, tưởng như...

Tất cả đều sẽ muộn và sẽ mất rất nhiều nếu như bạn và tôi không nhìn xa trông rộng, nhường nhịn thương yêu nhau như thuở nào. Tranh chấp thì ai cũng có lý và ai cũng bảo tôi đúng, và ai cũng muốn thắng, anh em cùng hàng thừa kế tranh chấp thì thường rất gay gắt.

Hãy tham khảo luật sư, chuyên gia, các nhà hòa giải để phân chia tài sản cho có lý có tình. Tranh chấp thì cái được chắc ít hơn cái mất. Cái gì của tổ tiên ông bà để lại nên chia đều là cái lộc, là cái tâm không nên tham vì các cụ dạy "tham thì thâm". Hãy nhẹ nhàng với vật chất, giỏi thì ra xã hội mà tranh, mà kiếm, mà tìm, mà làm, mà lấy...!".