Sóc Trăng: Vì sao nước mắt Mẹ Việt Nam anh hùng lại tiếp tục rơi?

(Dân trí) - Về huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) những ngày giữa tháng 5/2020, chúng tôi được người dân địa phương kể cho nghe một câu hết sức đau lòng mà nguyên nhân có sự “góp sức” của chính quyền địa phương.

Theo trình bày của người thân bà Võ Thị Giỏi (SN 1933, ngụ xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng): Năm 1992, bà mua của vợ chồng ông Phan Văn Tốt và bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ cùng địa phương) một thửa đất có diện tích khoảng 5.200m2. Khi mua, do chỗ quen biết nên không làm giấy tờ (có xác nhận của bà Hoa).

Sau khi mua xong, bà Giỏi chia lại cho con gái là bà Mai Thị Sáu (SN 1959) một nửa, số còn lại bà Giỏi cho 4 người con và cháu mỗi người một phần làm nhà ở từ năm 1995 cho đến nay. Riêng bà Giỏi là Mẹ Việt Nam anh hùng (có chồng và 2 con trai là liệt sĩ, 2 con là thương binh) nên được nhà nước xây nhà tình nghĩa trên phần đất này năm 1996. Còn phần đất của bà Sáu đã được bà sang bán cho nhiều hộ dân làm nhà ở.

Đến tháng 4/2010, bà Giỏi phát hiện bà Mai Thị Sáu đã đăng ký và được UBND huyện Long Phú cấp “sổ đỏ” ngày 30/9/1997 đứng tên bà Sáu trên phần đất của bà Giỏi với diện tích 3.966m2. Bà Giỏi làm đơn gửi chính quyền địa phương yêu cầu giải quyết nhưng không được.

Sóc Trăng: Vì sao nước mắt Mẹ Việt Nam anh hùng lại tiếp tục rơi? - 1

Nhà tình nghĩa của bà Giỏi được nhà nước làm trên phần đất mà bà mua lại từ người khác.

Sau khi bị bà Giỏi phát hiện, ngày 12/8/2011, bà Mai Thị Sáu làm đơn thưa mẹ ruột và 3 anh chị em cùng cháu của mình gửi chính quyền địa phương yêu cầu chính quyền buộc mẹ, anh chị em và cháu phải trả lại đất cho bà Sáu, với lý do đất của bà Sáu mua của ông Phan Văn Tốt và đã có ”sổ đỏ”, mấy người kia mượn ở tạm nhưng không xong.

Ngày 9/5/2014, bà Sáu khởi kiện em ruột là ông Mai Văn Bảy và người cháu là bà Đặng Thị Út Thôi đòi lại diện tích đất khoảng 240m2 (nhưng đo đạc thực tế của tòa án với diện tích đất ông Bảy đang sử dụng là 308,3m2, của bà Thôi là 202,4m2), với lý do 2 người này mượn đất của bà cất nhà ở, khi nào bà yêu cầu sẽ trả lại. Việc mượn này tòa ghi nhận là không có văn bản thể hiện.

Ngày 31/3/2016, TAND huyện Cù Lao Dung đưa vụ kiện ra xét xử và tuyên buộc ông Bảy, bà Thôi phải tháo dỡ nhà, trả đất cho bà Sáu. Bản án bị kháng cáo. Ngày 27/12/2017, TAND tỉnh Sóc Trăng xử phúc thẩm và tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Sáu; kiến nghị UBND huyện Cù Lao Dung thu hồi “sổ đỏ” của bà Sáu để điều chỉnh lại diện tích, vị trí đất các bên đang sử dụng.

Sóc Trăng: Vì sao nước mắt Mẹ Việt Nam anh hùng lại tiếp tục rơi? - 2

Nơi định xây mộ cho bà Giỏi nhưng bị chính con gái ruột là bà Sáu ngăn cản.

Điều đáng nói, bà Sáu chỉ khởi kiện ông Bảy và bà Thôi nên bà Võ Thị Giỏi không nghĩ đến việc mình sẽ bị gây khó khi sử dụng đất. Cụ thể, những ngày đầu tháng 5/2020, bà Giỏi trở bệnh nặng, có thể khó qua khỏi nên con cháu đã chuẩn bị xây huyệt mộ cho bà trên phần đất cạnh nhà của bà đang ở thì bị bà Mai Thị Sáu ngăn cản, dùng hung khí dọa chém những người này, với lý do đất đó là của bà Sáu chứ không phải của bà Giỏi. Bà Sáu không cho chôn mẹ ruột trên đất của mình.

Chỉ vị trí chuẩn bị xây huyệt mộ cho mẹ nhưng bị bà Sáu ngăn cản, ông Mai Văn Bảy nói: “Đất của mẹ tôi mua, sử dụng từ năm 1992, cho tôi và các cháu làm nhà ở ổn định. Nhà nước xây nhà tình nghĩa cho mẹ tôi từ năm 1996 nhưng không hiểu sao năm 1997 UBND huyện Long Phú lại cấp sổ đỏ cho bà Sáu. Khi mẹ tôi yêu cầu giải quyết thì họ im lặng, còn bà Sáu khởi kiện tôi và đứa cháu thì họ lại tích cực. Chúng tôi cũng thắc mắc là khi thụ lý vụ kiện, tòa không làm rõ nguồn gốc cũng như quá trình sử dụng đất của mẹ tôi để bây giờ mẹ tôi lâm vào tình cảnh chết không có đất để chôn”.

Dù sức khỏe đã yếu, phải thở bằng bình oxy nhưng bà Võ Thị Giỏi vẫn rất tỉnh táo. Bà nói: “Đất này là của tui, phải trả lại cho tui để tui xây mồ tui nằm”.

Sóc Trăng: Vì sao nước mắt Mẹ Việt Nam anh hùng lại tiếp tục rơi? - 3
Sóc Trăng: Vì sao nước mắt Mẹ Việt Nam anh hùng lại tiếp tục rơi? - 4

Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Giỏi sắp gần đất xa trời nhưng lại bị con gái làm khó khi không cho chôn trên phần đất mà bà đã mua trước đây.

Theo lãnh đạo UBND xã An Thạnh 3, khi xảy ra tranh chấp, phía bà Giỏi không có giấy tờ gì chứng minh đất của mình, còn bà Sáu có “sổ đỏ” nên xã thấy yêu cầu của bà Sáu là hợp lý. Hơn nữa, bà Sáu mua đất của ông Tốt có xác nhận của ông Phan Văn Chiếm (người làm chứng); ngay cả ông Huỳnh Hữu Đức là cán bộ địa chính xã trước đây cũng xác nhận ông Tốt và bà Sáu đến địa phương làm thủ tục mua bán, đăng ký làm “sổ đỏ” năm 1997.

Khi PV đặt vấn đề thủ tục, trình tự cấp “sổ đỏ” cho bà Mai Thị Sáu có đúng qui định hay không, thì cán bộ xã này khẳng định “hoàn toàn đúng qui định”.

Tuy nhiên, khi tiến hành đo đạc, xác minh nguồn gốc cũng như hiện trạng đất, xã An Thạnh 3 có thấy trên phần đất bà Sáu xin cấp “sổ đỏ” có nhà của 4 người là bà Giỏi, ông Bảy, bà Thôi, bà Thật không? Khi xây dựng nhà tình nghĩa cho bà Giỏi, xã có biết đó là đất của bà Giỏi hay của bà Sáu?

Cán bộ xã cho rằng, theo trình bày của bà Sáu thì mấy người đó mượn đất của bà Sáu nên cấp “sổ đỏ” cho bà Sáu. Bà Sáu làm “sổ đỏ” từ năm 1997, bà Giỏi không khiếu nại, bây giờ đã quá hạn khiếu nại thì quyền sử dụng đất là của bà Sáu.

Với chi tiết xác nhận của ông Phan Văn Chiếm (là người chứng kiến ông Tốt và bà Sáu mua bán đất với nhau), PV tìm hiểu ở người dân địa phương thì ai cũng lắc đầu bởi ông Tốt và ông Chiếm là chú cháu ruột nhưng có mối hiềm khích từ lâu, từ mặt nhau đã mấy chục năm nên việc ông Chiếm xác nhận cho bà Sáu là không có cơ sở.

Còn xã cho rằng ông Huỳnh Hữu Đức (cán bộ địa chính xã trước đây) xác nhận ông Tốt cùng bà Sáu đến xã làm thủ tục mua bán, xin cấp “sổ đỏ” năm 1997, nhưng bà Phan Thị Cúc (em ông Tốt) và bà Phan Thị Kiền (con gái ông Tốt) viết giấy xác nhận ông Phan Văn Tốt mất ngày 14/8/1994.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thới Nghiêm (SN 1946, ngụ ấp An Nghiệp) xác nhận, biết việc bà Giỏi mua đất của ông Tốt và bà Hoa là có thật; còn bà Nguyễn Thị Hoa (vợ ông Tốt) cũng viết giấy xác nhận vợ chồng bà chỉ bán đất cho bà Giỏi chứ không bán cho ai.

Ông Võ Thanh Quang- Bí thư huyện ủy Cù Lao Dung, cho biết: “Đất trước là của mẹ Giỏi, lúc lớn tuổi cho bà Sáu đứng tên. Bây giờ mẹ sắp chết tính chôn mẹ nhưng bà không cho chôn trên đất đó. Bây giờ bà Sáu không biết ai là người sinh ra mình nữa. Tôi cũng bàn với anh Năm Chưởng (Bí thư Đảng ủy xã) nếu bà Sáu không cho chôn thì bàn với gia đình đưa mẹ về nghĩa trang liệt sĩ vì mẹ là Mẹ Việt Nam anh hùng mà”.

Còn ông Trần Bé Tư- Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung chia sẻ: “Bây giờ khó là đất do bà Sáu đứng tên sổ đỏ, tòa cũng đã xử, không nói gì tới bà Giỏi cả nên chính quyền chỉ còn cách động viên bà Sáu cho chôn mẹ trên đất chứ không thể làm khác được”.

D.B