Nhóm lừa đảo gần 2000 tỷ đồng tại Công ty Liên Kết Việt sẽ đối mặt mức án nào?

(Dân trí) - Luật sư nhận định sẽ có hàng loạt tội danh và hình phạt dành cho những đối tượng phạm tội trong vụ lừa đảo của Công ty Liên Kết Việt. Nhiều đối tượng khó có thể thoát được mức án tù chung thân và những hình phạt bổ sung như tịch thu tài sản, phạt tiền.

Ngày 19/2, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với 7 lãnh đạo và tổng đại lý của Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên Kết Việt) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan điều tra xác định trong một thời gian dài hoạt động, ban lãnh đạo Công ty Liên kết Việt kinh doanh kiểu đa cấp đã lừa đảo hơn 45.000 người với số tiền gần 2.000 tỷ đồng.

PV Dân trí đã trao đổi với Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư Hà Nội) xung quanh vụ án này.


Luật sư Vi Văn Diện: Cần truy tố nhóm lừa đảo tại Công ty Liên Kết Việt thêm nhiều tội danh.

Luật sư Vi Văn Diện: Cần truy tố nhóm lừa đảo tại Công ty Liên Kết Việt thêm nhiều tội danh.

Vụ lừa đảo của Công ty Liên kết Việt đã gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục nghìn người. Theo ông, những cá nhân liên quan đến vụ lừa đảo này sẽ phải đối mặt với những tội danh và hình phạt gì?

Luật sư Vi Văn Diện: Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công ty Liên Kết Việt để lại hậu quả là rất nghiêm trọng.

Trên cơ sở chuỗi những hành vi vi phạm pháp luật hình sự của Công ty Liên Kết Việt, tôi cho rằng các đối tượng không chỉ thực hiện duy nhất hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải đưa ra ánh sáng, xử lý nghiêm minh, thích đáng đối với một loạt các hành vi và tội danh tương ứng. Cụ thể, những đối tượng này đã liền lúc phạm các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; kinh doanh trái phép; Sản xuất hàng giả.” theo quy định của Bộ luật hình sự.

Thứ nhất: Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng cầm đầu Công ty này rõ ràng là có tổ chức, sự câu kết chặt chẽ của nhiều đối tượng họ thể hiện rõ sự gian dối từ phương thức, động cơ, mục đích bằng việc quảng bá, nhân danh, mạo mượn hình ảnh thiếu trung thực nhằm tạo lòng tin cho các bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản. Số người bị hại và khoản tiền mà “Liên kết Việt” đã lừa đảo chiếm đoạt trong vụ án này là đặc biệt lớn (con số đến 45.000 người và gần 2.000 tỷ) sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cũng như hệ lụy tiêu cực nặng nề đối với bị hại và niềm tin của người dân dành cho mô hình Bán hàng đa cấp.

Thứ hai: Hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được thể hiện rõ thông qua “Kết quả xác minh tại Ban thi đua khen thưởng Trung ương cho thấy trong hồ sơ lưu trữ không có tài liệu nào thể hiện Thủ tướng Chính phủ cấp bằng khen cho Công ty Liên kết Việt” hành vi này xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước, tổ chức và xâm phạm sự hoạt động bình thường, uy tín của cơ quan Nhà nước, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về con dấu, tài liêu hoặc giấy tờ khác đây là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định để coi nó như thật và trên thực tế để tạo hình ảnh thì các đối tượng đã trang trọng treo tại trụ sở công ty đồng thời đưa lên trang website với mục đích quảng bá, chỉ khi điều tra mới phát hiện những tài liệu đó là giả. Vậy trên cơ sở đó cơ quan điều tra cần thiết mở rộng điều tra về hành vi này, đủ dấu hiệu cần khởi tố bổ sung về tội danh “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự.

Thứ ba: Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thể hiện việc Liên Kết Việt có bán, phân phối ra thị trường máy vật lý trị liệu GREAT-12 in tem nhãn và logo sản phẩm của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và máy khử độc Ozone (G13) dán mác đơn vị sản xuất lắp ráp là Công ty BQP hợp tác với Công ty Thanh Hà - Bộ Quốc phòng, nhưng thực tế Bệnh viện 108 và Công ty Thanh Hà - Bộ Quốc phòng không hợp tác, liên doanh liên kết, nghiên cứu khoa học gì với Công ty Liên kết Việt. Trong trường hợp Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Công ty Thanh Hà đã đăng ký bảo hộ theo quy định của pháp luật tại Cục sở hữu trí tuệ và có quy mô thương mại lớn thì rõ ràng Liên kết Việt đã sử dụng những nhãn hiệu này một cách bất hợp pháp phục vụ cho mục đích kinh doanh, thậm chí còn cần phải xem xét hoạt động kinh doanh có trái phép hay không, hàng hóa sản phẩm có phại là hàng giả, hàng nhái hay không.


Lê Xuân Giang (Lê Xuân Hà), mặc bộ quân phục cùng bộ sậu của Liên Kết Việt đã bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lê Xuân Giang (Lê Xuân Hà), mặc bộ quân phục cùng bộ sậu của Liên Kết Việt đã bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thứ tư: Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả; Kinh doanh trái phép

Riêng hành vi buôn bán hàng giả trong quá trình điều tra, truy tố xét xử đối với các hành vi vi phạm pháp luật của Liên Kết Việt, các cơ quan tiến hành tố tụng chắc chắn sẽ xem xét, mở rộng điều tra xác minh về những hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và Kinh doanh trái phép. Vì trong vụ án này đã có một số dấu hiệu liên quan về “hàng giả” được quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013-NĐ-CP, theo đó hàng giả được chia làm 3 loại:

- Hàng giả về nội dung: là hàng giả về chất lượng hoặc công dụng. Đây là loại hàng hóa không có giá trị sử dụng hoặc có giá trị sử dụng không đúng bản chất tự nhiên tên gọi và công dụng của loại hàng hóa đó.

- Hàng giả về hình thức: là hàng giả về nhãn hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc xuất xứ… Đây là loại hàng hóa mang nhãn hiệu, kiểu dáng… của cơ sở sản xuất khác nhưng có giá trị sử dụng.

- Hàng giả về nội dung và hình thức: đây là loại hàng hóa vừa mang nhãn hiệu, kiểu dáng… của cơ sở sản xuất khác vừa không có giá trị sử dụng mà nó mang tên.

Hành vi sản xuất hàng giả là hành vi làm ra (tạo ra) các loại hàng giả. Người phạm tội có thể làm mới hoàn toàn hoặc lắp ráp các bộ phận của hàng hóa. Người phạm tội có thể tham gia vào cả quá trình làm hàng giả từ đầu đến cuối hoặc chỉ có thể tham gia vào một công đoạn làm ra hàng giả.

Hành vi buôn bán hàng giả là hành vi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để mua đi, bán lại những hàng hóa đã thành phẩm hoặc những bộ phận, chi tiết mà biết là giả để thu lợi bất chính.

Vậy những sản phẩm do Liên Kết Việt mang bán, phân phối ra thị trường thực sự có giá trị sử dụng hay không?

Có vi phạm về mặt hình thức hay không theo tôi các cơ quan chức năng cần thiết phải giám định để làm rõ hành vi. Về hành vi kinh doanh trái phép: Trong quá trình điều tra nếu xét thấy hoạt động kinh doanh của Liên Kết Việt không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Giả sử, Liên Kết Việt kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký... thì sẽ bị xử lý về hành vi này.

Nhận định của ông về mức hình phạt trong vụ án kinh doanh đa cấp này ?

Với toàn bộ nội dung đã phân, hàng loạt các hành vi vi phạm của “Liên Kết Việt” đang bị cơ quan chức năng điều tra xem xét xử lý, với tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do các đối tượng là “lãnh đạo” của Liên Kết Việt đã thực hiện một cách có tổ chức, sau khi điều tra, truy tố và tổng hợp hành vi, tổng hợp hình phạt (nếu có) và căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên thì các đối tượng khó có thể thoát được mức án tù chung thân và những hình phạt bổ sung như tịch thu tài sản, phạt tiền...

Xin cảm ơn luật sư!

Thanh Trầm (thực hiện)