Thứ trưởng Hải: "Không thể nói Bộ Công Thương chậm trễ trong vụ Liên Kết Việt"

(Dân trí) - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, ngày 15/7/2015, 7 tháng sau khi cấp phép lại cho Liên Kết Việt, Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra và phạt 570 triệu đồng với doanh nghiệp này, tuy nhiên không công bố rộng rãi.

Bộ Công Thương hỏi trách nhiệm... địa phương!

Trao đổi với phóng viên sau khi kết thúc cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2016 diễn ra chiều 29/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải cho biết, Công ty Liên Kết Việt được Sở Công Thương cấp phép vào ngày 10/2/2014. Đến ngày 22/12/2015 thì được Cục Quản lý Cạnh tranh (QLCT - Bộ Công Thương) cấp lại.

Chỉ 7 tháng sau khi cấp phép lại (tức ngày 15/7/2015), Cục QLCT đã trực tiếp đi kiểm tra hoạt động của công ty này và đã phát hiện công ty này có hàng loạt vi phạm quy định pháp luật về kinh doanh đa cấp.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trả lời báo chí chiều 29/2
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trả lời báo chí chiều 29/2

"Như vậy, doanh nghiệp này vừa hoạt động được 7 tháng thì Bộ Công Thương đã đến tận nơi kiểm tra, như vậy không thể nói là Bộ Công Thương chậm trễ được" - vị Thứ trưởng trần tình. Đồng thời cho rằng, từ khi Liên Kết Việt bắt đầu hoạt động đến khi phát hiện ra vi phạm là hơn 1 năm - đây chỉ là một thời gian ngắn.

Ông Hải cũng khẳng định, ngày 15/7/2015, Bộ Công Thương đã ra quyết định xử phạt hành chính 570 triệu đồng với Liên Kết Việt. Lãnh đạo Bộ Công Thương nhìn nhận, đây là một mức xử phạt "hết sức nghiêm khắc".

Tuy nhiên khi được hỏi "vì sao xử phạt từ 15/7/2015 với doanh nghiệp này nhưng Bộ Công Thương lại không hề có một cảnh báo nào với người tiêu dùng cho đến khi vụ việc vỡ lở?", ông Hải giải thích, việc công khai tuỳ thuộc vào mức độ sai phạm. Theo ông Hải, Bộ Công Thương đã làm đúng thẩm quyền, quyền hạn của mình theo quy định tại Nghị định 42 của Chính phủ về quản lý bán hàng đa cấp.

Đề cập đến trách nhiệm của cơ quan quản lý với quyền lợi người tiêu dùng, ông Hải nói: "Các đơn vị, cơ quan chức năng tại các địa phương trên toàn quốc đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì với số lượng hàng chục nghìn người tham gia thì không chỉ một mà nhiều địa phương, tại sao không vào cuộc để ngăn ngừa, cảnh báo? Ngay cả những người khi tham gia vào hoạt động đa cấp trước hết cũng phải xem xét, những doanh nghiệp này với từng mặt hàng nhất định liệu có xâm phạm quyền lợi hợp pháp của mình hay không?".

Theo ông Hải, sự phối kết hợp với nơi cấp phép là Bộ Công Thương với chính quyền địa phương các cấp trong quản lý lĩnh vực này còn hạn chế. "Cục QLCT của Bộ Công Thương chỉ có 50-60 con người trong khi đã có sự phân cấp nhiệm vụ đến các chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương cũng có đầy đủ các bộ máy, từ các Sở Công Thương đến các lực lượng quản lý thị trường, lực lượng công an, Sở Y Tế... Chính quyền địa phương hoan toàn có thể xác định được giá trị thực sự của sản phẩm sau khi đã được bán qua nhiều cấp" - ông Hải cho hay.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, chưa thể khẳng định được số người bị thiệt hại trong vụ Liên Kết Việt là 45.000 người hay 60.000 người. Con số chính xác sau khi cơ quan điều tra làm việc cụ thể với công ty này sẽ có con số chính thức. Đồng thời, chưa thể khẳng định thiệt hại là 1.900 tỉ đồng vì lãnh đạo Liên Kết Việt không nắm hoàn toàn số này mà trong quá trình thực hiện, số tiền này đã được chia qua nhiều cấp dưới hình thức tiền hoa hồng nên phần còn lại để chia cho cấp trên Liên Kết Việt chỉ ở một mức độ nhất định.

Liên Kết Việt đã lợi dụng kinh doanh đa cấp để lừa đảo hàng trăm nghìn người
Liên Kết Việt đã lợi dụng kinh doanh đa cấp để lừa đảo hàng trăm nghìn người

"Việt Nam đã siết chặt trong cấp phép kinh doanh bán hàng đa cấp"

Nói về hoạt động quản lý bán hàng đa cấp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trước khi Nghị định 42 ra đời thì các Sở Công Thương trên toàn quốc đã cấp hơn 100 giấy phép cho hơn 100 công ty kinh doanh đa cấp.

Bắt đầu từ ngày 1/7/2014, Nghị định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đã giao lại trách nhiệm cấp giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp cho Bộ Công Thương mà đầu mối chính thức là Cục QLCT. Theo ông Hải, Nghị định này đã giúp việc sàng lọc các công ty kinh doanh về hoạt động đa cấp.

Cụ thể, từ khi giao cho Bộ Công Thương quản lý, cơ quan này đã sàng lọc lại hoạt động cấp phép. Hiện nay chính xác có 65 công ty kinh doanh đa cấp hoạt động tại Việt Nam, trong đó, gần 20% là các công ty, doanh nghiệp đầu tư 100% vốn nước ngoài.

Hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp đang phổ biến trên thế giới. Ví dụ Malaysia đã cấp phép cho hơn 1.000 công ty kinh doanh đa cấp, Thái Lan có hơn 500 doanh nghiệp, Đài Loan (Trung Quốc) có hơn 700 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bán hàng đa cấp. Trong khi đó, tại Việt Nam, con số này chỉ là 65 doanh nghiệp. Như vậy, về số lượng mà nói thì Việt Nam đang có sự siết chặt, Thứ trưởng Hải đánh giá.

Theo ông Hải, kinh doanh bán hàng đa cấp là một hoạt động được luật pháp thừa nhận và đây cũng là một điều khoản mà Việt Nam phải chấp thuận khi gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

"Chúng tôi khẳng định rằng, công ty Liên Kết Việt đã thực hiện hành vi lừa đảo chứ không phải thực hiện kinh doanh đa cấp mà gây ra việc này" - đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh. Đồng thời ông cho biết, mặc dù Nghị định 42 về quản lý kinh doanh bán hàng đa cấp được ban hành mới 1,5 năm nhưng Bộ Công Thương sẽ thực hiện rà soát liệu có khe hở nào trong các quy định pháp luật nay không để trách việc bị các doanh nghiệp lợi dụng.

Bích Diệp

Thứ trưởng Hải: "Không thể nói Bộ Công Thương chậm trễ trong vụ Liên Kết Việt" - 3