Nhịp cầu bạn đọc số 5: Nhiều câu hỏi của người dân quận Ba Đình bị thu hồi đất cần được trả lời!

(Dân trí) - Báo Dân trí đã nhận được đơn thư của bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước phản ánh nhiều vấn đề tồn tại như ô nhiễm tiếng ồn tại Thanh Hóa, dấu hiệu thất thoát tài sản nhà nước tại TP.HCM, ao cá Bác Hồ tại huyện ngoại thành Hà Nội bị lấn chiếm... Báo Dân trí đã chuyển đơn thư bạn đọc đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.

Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của các hộ dân khu tập thể ủy ban khoa học kỹ thuật nhà nước, tổ14 phường Kim Mã, quận Ba Đình (Hà Nội), là những hộ dân có đất trong diện giải tỏa mặt băng dự án đường Liễu Giai - Núi Trúc giai đoạn 2.

Đơn kêu cứu cho biết: “Căn cứ theo hồ sơ pháp lý của dự án mở đường Liễu Giai - Núi Trúc và căn cứ theo quyết định số 1189/QĐ - UBND của UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 30 tháng 3 năm 2007 về việc thu hồi đất cho dự án đường Liễu Giai - Núi Trúc giai đoạn 2 thì các hộ dân chúng tôi nằm trong diện giải tỏa mặt bằng để phục vụ công trình trên.

Các hộ dân chúng tôi đồng tình chấp hành theo quyết định của thành phố và sẵn sàng ủng hộ dự án, song còn một số vấn đề mà các hộ dân chúng tôi thắc mắc kiến nghị nhiều lần nhưng không được các cơ quan chức năng giải quyết.

Về giá đất đền bù: Căn cứ theo dự thảo về giá đất đền bù cho các hộ dân của ban quản lý dự án quận Ba Đình ban hành ngày 05 tháng 01 năm 2018 là 47,455 triệu/1m2 (Vị trí 3), 59,623Tr./m2 (Vị trí 2). đơn giá này quá thấp, chưa sát với giá thị trường theo quy định của chính phủ là khi giải tỏa thu hồi đất thì bồi thường cho dân theo đơn giá thị trường. Mặt khác nếu theo đơn giá thị trường thì những hộ dân ở gần mặt đường phải có đơn giá cao hơn những vị trí ở sâu trong ngõ nghách nhưng theo bản dự thảo là đơn giá bằng nhau là vị trí 3 ( 47.755.000 đ/m2 )

Về khấu trừ nghĩa vụ tài chính (NVTC): Chúng tôi đề nghị Hội đồng giải phóng mặt bằng không khấu trừ 40% nghĩa vụ tài chính theo Nghị định 99/2015 như đã nêu trong dự thảo đền bù”.

Về nhà tái định cư (TĐC): Theo thông báo niêm yết giá nhà tái định cư (TĐC) từ 17,8 đến 24,8 triệu đồng/m2 đã là sát với giá thị trường rồi. Như vậy thì giá đất của Khu tập thể UBKHNN và Viện KHVN chúng tôi cũng phải sát với giá thị trường.

Ban quản lý dự án chưa công khai về diện tích mà từng hộ gia đình được đền bù, khu tái định cư hiện vẫn đang xây thô chưa hoàn thiện, chưa qua kiểm định về chất lượng. Ngày 14/3/2018 Ban quản lý dự án gửi giấy mời cho từng hộ dân đến UBND phường Kim Mã để bốc thăm căn hộ.

Vì vậy, các hầu hết các hộ dân không đến bốc thăm. ngày 16/3/2018 tại trụ sở UBND phường Kim Mã, ban quản lý dự án đã lập biên bản và cử người bốc thăm vị trí căn hộ đền bù cho từng hộ dân, gây lo lắng và bức xúc cho dân.

Do dự án quá dài chưa thực hiện được, nên nảy sinh quá nhiều yếu tố liên quan đến việc đền bù. Nhiều gia đình có thêm hộ khẩu, nhân khẩu, có nhiều thế hệ ra đời, nhiều nhà đã xây dựng lại, hoặc tôn tạo… Trong quá trình giải phóng thu hồi đất, người dân mong muốn BQLDA áp dụng chính sách cho phù hợp để các hộ gia đình đỡ thiệt thòi sau thu hồi đất, và mong muốn dự án sớm được thực thi để ổn định cuộc sống”.

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn thư của bạn đọc đến UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng TP Hà Nội, UBND quận Ba Đình xem xét, xử lý và hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Nguyễn Thị Hương là đại diện cho tập thể cư dân sinh sống tại khu phố Môi, xã Quảng Tâm, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa phản ánh việc hai cơ sở kinh doanh tại số nhà 161 và 163 (trục quốc lộ 47), phố Môi, xã Quảng Tâm, TP. Thanh Hóa gây nên ô nhiễm tiếng ồn bằng những âm thanh phát ra âm lượng lớn từ những chiếc “loa khủng” phát ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của các hộ dân và cơ quan xung quanh.

Đơn có nội dung: “Hiện nay, tại địa chỉ số nhà 161 và 163 (trục quốc lộ 47), phố Môi, xã Quảng Tâm, TP. Thanh Hóa hoạt động kinh doanh liên tục từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần, từ 7h sáng đến 21giờ 30 hàng ngày.

Hai cơ sở kinh doanh này gây nên ô nhiễm tiếng ồn bằng những âm thanh phát ra âm lượng lớn từ những chiếc “loa khủng” phát ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng và gây khó khăn cho sinh hoạt của gia đình các hộ dân sống xung quanh và một số cơ quan khác như: Bưu điện; Viễn Thông VNPT; Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn VN…

Có lúc, trên tuyến đường sầm uất của khu phố này này (ngay trục Quốc lộ 47), cả hai cửa hàng cùng phát ra những thông điệp quảng cáo trộn lẫn tiếng nhạc xập xình và tiếng ồn của động cơ xe cộ qua lại đã làm người điều khiển phương tiện mất tập trung, và gây ra những tai nạn đáng tiếc.

Vào giờ tan tầm, cao điểm tại đây (hàng ngàn công nhân của các doanh nghiệp sản xuất, gia công tại Khu Công nghiệp Lễ môn). Hai cửa hàng kinh doanh này càng sôi động. loa công suất lớn được mở lớn hơn. Các dịp lễ lớn, năm mới, và các đợt khuyến mãi thì hoạt động này càng rầm rộ.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, gây tiếng ồn vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường là một trong những hành vi bị nghiêm cấm (khoản 8 điều 7). Các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu dân cư gây ra tiếng ồn phải có trách nhiệm kiểm soát, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; có những biện pháp hạn chế, giảm thiểu, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của cộng đồng dân cư.

Qua báo Dân trí chúng tôi kính mong các cơ quan chức năng xem xét tình trạng gây tiếng ồn tại cơ sở kinh doanh nêu trên để trả lại môi trường sống lành mạnh, đảm bảo sức khỏe cho gia đình tôi và những người dân đang sinh sống tại khu vực này”

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND TP.Thanh Hóa, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Thanh Hóa, UBND xã Quảng Tâm xem xét giải quyết.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Nguyễn Thành Nam, đại diện cho người lao động Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 2, TP.Hồ Chí Minh với mong muốn được tiến hành thanh tra Công ty từ năm 2010 đến hết năm 2017 để thu hồi tài sản cho nhà nước trước lúc Công ty tiến hành cổ phần hóa.

Đơn có nội dung: “Tôi đại diện tập thể cán bộ công nhân Công ty kính đề nghị các cơ quan ban ngành có chức năng cho tiến hành thanh tra Công ty các vấn đề cụ thể như sau:

Thứ nhất là về Dự án khu nhà ở An Phú Giang, phường An Phú, quận 2. Dự án nằm ở vị trí đẹp và có giá trị cao vậy mà lãnh đạo ban hành nghị quyết chuyển nhượng cho Công ty TNHH Kinh doanh địa ốc Minh Thông giá trị 65 tỷ đồng, tương đương 5.447.079đồng/m2, giá này rất thấp so với giá thị trường.

Thứ hai là đề nghị thanh tra việc mua bán nền đất tại Dự án Khu dân cư số 1, phường Thạnh Mỹ Lợi;

Thứ ba, đề nghị thanh tra dự án dãy 22m. Dự án này tách ra từ dự án khu dân cư số 1, phường Thạnh Mỹ Lợi, theo quy hoạch là xây 36 nhà liền kề bán cho khách hàng vậy mà lãnh đạo công ty tự bán cho lãnh đạo công ty, lãnh đạo các phòng ban công ty gây thất thoát tiền nhà nước.”

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn của tập thể bạn đọc đến lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM, UBND Quận 2 xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Nguyễn Văn Long, trú tại ngõ 15A đường Minh Cầu, tổ 22, phường Hoàng Văn Thụ, TP.Thái Nguyên, với đề nghị UBND thành phố Thái Nguyên trả lời đơn của công dân.

Nội dung đơn như sau: “Gia đình tôi đã hơn 7 năm chưa được nhận đất tái định cư. Ngày 21/11/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành văn bản số 5257/UBND-BTCD yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên kiểm tra, trả lời đơn ngày 12/9/2017 của gia đình tôi. Kết quả, xong trước ngày 30/11/2017.

Tuy nhiên, đến nay đã gần 4 tháng UBND thành phố Thái Nguyên chưa thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh trả lời đơn gia đình tôi, mặc cho gia đình tôi đã nhiều lần đề nghị được giải quyết.

Trước đó, UBND TP.Thái Nguyễn cũng không thực hiện đến nơi đến chốn chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại văn bản số 30/TB-UBND ngày 03/3/2017 về chế độ chính sách bồi thường GPMB, tái định cư cho gia đình tôi.

Việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của gia đình tôi. Rất mong UBND TP.Thái nguyên sớm quan tâm giải quyết sự việc cho gia đình tôi, chấm dứt 7 năm dài chờ đợi”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND TP.Thái Nguyên xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của tập thể nhân dân thôn Quan Châm, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội phản ánh việc ao cá Bác Hồ tại thôn đang bị lấn chiếm hàng trăm mét để xây dựng công trình trái phép.

Nội dung đơn như sau: “Vào những năm 80 của thế kỷ trước, các nhà lãnh đạo và nhân dân xã Phú Nghĩa đã mất bao công sức để xây dựng ao cá Bác Hồ, nhiều hộ dân trong thôn đã hiến cả ao cá cho công trình mặc dù đã được cấp sổ đỏ, nhiều hộ phải nhường lại nhà ở, đất đai, vườn cây để tạo nên cảnh quan khu trung tâm kinh tế - chính trị văn hóa của xã xanh sạch đẹp và là lá phổi trung tâm của xã.

Vậy nay không hiểu lý do gì, và cấp lãnh đạo nào lại cho xây một ngôi nhà tín dụng của tập thể nào nghịch ngang xuống lòng hồ hàng trăm mét, gây bức xúc cho người dân trong thôn, xã”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ, UBND xã Phú Nghĩa xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Ngọc Hân (tổng hợp)