Nhịp cầu bạn đọc số 4: Bạn đọc tố nhiều tiêu cực trong xử lý đất đai!
(Dân trí) - Báo Dân trí thời gian qua nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc trên cả nước phản ánh, tố cáo nhiều vấn đề liên quan đến việc giải phóng, đền bù đất tại nhiều địa phương trên cả nước như Kiên Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Hà Nội…
Báo Dân trí nhận được đơn của các bạn đọc Phan Thị Dung, Phan Thị Hoàng trú tại tổ 6 ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cho biết gia đình các bà đang phải chịu cảnh lầm than, mất đất, mất nhà cửa không có chỗ để ở, không có công ăn việc làm.
Nội dung đơn như sau: “Chị em tôi có thửa đất với nguồn gốc đất rõ ràng và đã dựng nhà, sinh sống ổn định. Đến năm 2007 thì đột nhiên Công ty Bim không có giấy tờ, không lệnh cơ quan đã dùng máy cuốc phá hết tài sản của chúng tôi. Chúng tôi đã làm đơn gửi lên UBND xã, sau đó Công ty Bim ngừng thi công và chúng tôi tiếp tục tái tạo trồng trọt và nhà cửa.
Đến 2010 chúng tôi nhận được giấy lĩnh số tiền 375 triệu và 210 triệu với diện tích 40 công và 18 công đất. Do số tiền không đủ trong 3 năm để tái tạo đất, vật nuôi và cây trồng, nhà cửa ổn định cuộc sống nên chúng tôi quyết định gửi đơn lên UBND xã để yêu cầu đền bù đất cho thỏa đáng nhưng không nhận được câu trả lời của chính quyền xã.
Đến năm 2011, lực lượng chức năng đoàn xe và máy móc đến phá trên đất của chúng tôi mà không đưa ra được giấy tờ nào cho việc này; sau khi chúng tôi làm đơn kiến nghị lên UBND huyện thì Trưởng công an huyện đã viết thư xin lỗi chúng tôi. Sau đó Công ty Bim tiếp tục đến phá nhà và các tài sản trên đất của gia đình chúng tôi".
Báo Dân trí trân trọng chuyển đơn của bạn đọc đến Thanh tra Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Phú Quốc, UBND xã Dương Tơ xem xét và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của đại diện nhân dân thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cho rằng UBND xã Phật Tích đã sai phạm nghiêm trọng trong quy trình thực thi 2 Quyết định số 352 và 1357 của UBND tỉnh Bắc Ninh.
Đơn có nội dung: “UBND xã Phật Tích đã tự ý mở rộng thu hồi thêm đất ruộng canh tác của dân để phân lô bán nền bằng cách mua chuộc, dụ dỗ dân bán ruộng cho UBND, thậm chí thỏa thuận kín: nếu giao ruộng thì UBND sẽ cấp cho một mảnh đất ở nằm trong hai quyết định nêu trên và đã có vài gia đình đổi ruộng lấy đất (chuyển đổi đất sai mục đích, sai quy định, sai quy hoạch);
Cố tình giao đất, bán đất sai đối tượng để trục lợi vài chục lô đất; Mượn tên (ứng tên) người thân, quen của cán bộ để nhận giao đất và cấp sỏ đỏ nhằm hợp thức hóa chiếm đoạt vài lô đất cho riêng mình.
Cố tình xóa tên nhiều hộ gia đình được hưởng tiêu chuẩn giãn dân khỏi danh sách (26 hộ) xin giao đất và cấp sổ đỏ để chèn tên người của lãnh đạo xã nhằm che giấu tiêu cực, tham nhũng, gây hậu quả khiến những hộ gia đình bị xóa tên khỏi tiêu chuẩn cấp đất giãn dân tới nay là năm 2017 không làm được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
Đối với Dự án đất dân cư dịch vụ thôn Phật Tích khu A,B,C đã quy hoạch và chiếm dụng 3 con đường bê tông và 2 mương cứng của làng Phật Tích có diện tích khoảng 1.300m2 đường bê tông và vài chục vạn gạch bờ xây kè đường. Khối tài sản này đã được phê duyệt trong hồ sơ bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án và là căn cứ để cấu thành giá hạ tầng là 3.916.000đ/mđất dịch vụ nhưng UBND xã và lãnh đạo thôn Phật Tích đã không bồi thường khối tài sản rất lớn này với lý do biện hộ khi bị nhân dân chất vấn tại cuộc họp dân ngày 14/3/2017 như sau: “Nếu UBND xã trả lại số tiền tài sản trên đất này cho dân Phật Tích thì số tiền nộp hạ tầng của những người mua đất dân cư dịch vụ sẽ phải nộp tăng lên”.
Chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp thông tin và bằng chứng để chứng minh và đối chất trước cơ quan pháp luật”.
Báo Dân trí xin trân trọng chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến Thanh tra bộ Tài nguyên và môi trường; UBND tỉnh Bắc Ninh, Thanh tra sở TNMT tỉnh Bắc Ninh xem xét giải quyết vấn đề theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí tiếp tục nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Chúng, trú tại tổ 6, khu vực 7, phường Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Đơn khiếu nại cho biết: “ Gia đình tôi có ngôi nhà xây trên diện tích thổ mộ tại khu vực 8, phường Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn, sau đó bị Xí nghiệp may thêu xuất khẩu Bình Định cưỡng chế để xây xí nghiệp nhưng không cấp đất tái định cư cho gia đình tôi như các hộ khác. Cuối cùng xí nghiệp không sử dụng đất đã thu hồi của nhà tôi mà bỏ ra ngoài hàng rào xí nghiệp.
Đến năm 2010 thì ông Bùi Văn Tuất cũng nằm trong diện giải tỏa nhưng được chính quyền bao che không những không giải tỏa mà còn được nhận tiền đền bù rồi ở lại, lấn chiếm và cất nhà kiên cố trên đất của tôi.
Tôi đã nhiều lần làm đơn khiếu nại và được UBND tỉnh Bình Định, UBND TP.Quy Nhơn yêu cầu UBND phường Nhơn Phú, đội trật tự thành phố kiểm tra trả lời nhưng UBND phường Nhơn Phú cố tình bao che cho ông Bùi Văn Tuất lấn chiếm, xây dựng nhà kiên cố trên đất của tôi.
Cho đến nay, thời gian đã quá dài nhưng không thấy các cấp có thẩm quyền giải quyết và trả lời cho tôi biết”.
Báo Dân trí đã chuyển đơn của bà Nguyễn Thị Chúng đến UBND tỉnh Bình Định, Thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Định, UBND TP.Quy Nhơn, UBND phường Nhơn Phú xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Trần Thị Châu, Trần Thị Thoa, Lưu Thị Dậu ở Bằng A, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội, là những người dân bị mất đất cho dự án Thoát nước giai đoạn 1.
Đơn có nội dung như sau: “Thực hiện theo NĐ/197/2004 NĐ-CP ngày 03/12/2014 Tái định cư tại chỗ cho dân nên dân Thịnh Liệt được TĐC bằng đất tại Đồng Tầu Thịnh Liệt năm 2005. Còn chúng tôi thì trao văn bản 899 BQL-GPMB và văn bản 13/BQL-MB ngày 05/12/2006 bảo chờ đất TĐC tại khu đất thấp tầng X2 Đại Kim (cánh đồng làng tôi nhà nước thu hồi XD khu đô thị kiểu mẫu). Năm 2010 khu X2 Đại Kim được đưa vào sử dụng vẫn không bố trí TĐC cho chúng tôi mà ép lên chung cư. Chúng tôi không chấp nhận và tiếp tục khiếu nại nhiều cấp, nhiều lần.
Đến ngày 13/1/2017 Thanh tra Thành phố ra văn bản 146 TTTP-P5 đề xuất thành phố yêu cầu quận Hoàng Mai vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng và phải chấp nhận chế độ bất công đó là: Chỉ bồi thường đất ở ở một vị trí một 10 triệu đồng/m2; đất vườn là 2-5 triệu đồng/m2.
Phải mua 22,4 đến 28,8 triệu đồng/m2 đất TĐC ở vị trí hai.
Chúng tôi mong mỏi được bồi thường đất bị thu hồi ở vị trí 1 giá sàn không hệ số đất thì đất TĐC cũng chỉ phải mua giá sàn không hệ số, cùng thời điểm theo đúng chính sách có lợi cho dân vì lỗi kéo dài dự án do các cơ quan chức năng, không phải do dân; và cũng mong mỏi được bồi thường đúng và đủ theo chính sách”.
Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND thành phố Hà Nội, Thanh tra Sở TNMT, UBND phường Hoàng Mai, UBND phường Thịnh Liệt xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Ngọc Hân