Nhịp cầu bạn đọc số 35: Đề nghị làm rõ kêu cứu của dân quanh mảnh đất tại quận Bắc Từ Liêm!
(Dân trí) - Báo Dân trí tiếp tục nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc trên cả nước phản ánh về những vụ việc oan sai, rừng đang bị doanh nghiệp tàn phá rồi bỏ hoang đất, tranh chấp quyền sở hữu nhà đất, quyền lợi của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng...
Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của bà Phạm Thị Ngọc Thư (SN 1946), trú tại Võ Thị Sáu - Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết: “Tại thửa đất số 82, tờ bản đồ số 10, diện tích 208m2 lập năm 1994 tại xá Phú Diễn, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội mang tên tôi là Phạm Thị Ngọc Thư, chủ sử dụng nhà đất (nay là số nhà 2, ngõ 193/140, tổ 16, Phú Diễn, Bắc Từ Liêm). Nguồn gốc đất tôi mua của bà Hoàng Thị Nụ năm 1978, diện tích 216m2, nay còn 208m2, trên đất không có nhà (bà Nụ mua của ông Nguyễn Duy Song, sau đó để lại cho tôi).
Sau khi mua đất, tôi làm các thủ tục kê khai quyền sử dụng đất với chính quyền địa phương. Lúc đó, tôi được UBND xã Phú Minh chấp thuận cho tôi làm nhà và cư trú. Kể từ đó, gia đình tôi làm nhà và sinh sống ổn định đến nay. Như vậy, nhà đất của gia đình tôi đã có tên trong sổ địa chính năm 1987 và năm 1994. Tôi đã kê khai thực hiện nghĩa vụ thuế nhà đất cho Nhà nước từ năm 1992 đến nay.
Bỗng dưng, năm 2001, tôi được ông Trần Bằng - cán bộ địa chính thông báo miệng cho tôi là ông Song có đơn đòi đất. Tôi liên tục đề nghị nhưng không hề được các cấp chính quyền cung cấp đơn này. Cho đến khi ông Song chết cũng chưa lần nào gặp tôi đề cập đến chuyện này. Trong thời gian kéo dài sau đó, nhiều đối tượng côn đồ xông vào nhà tôi đập phá, lật đổ bàn thờ, ném vỡ bát hương, truy bức gia đình tôi.
Sự việc tưởng đã sáng tỏ khi Bộ Tài nguyên và môi trường có Báo cáo số 89/BC-BTNMT ngày 21/4/2007 do Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển ký gửi Thủ tướng Chính phủ ghi rõ: “Gia đình bà Thư đã làm nhà ở từ năm 1978 đến nay, có tên trong sổ sách địa chính và các bàn đồ năm 1987 và năm 1994 của xã Phú Diễn, đã kê khai và thực hiện nghĩa vụ với nhà nước thì gia đình bà Thư đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng lô đất trên”.
Từ đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội ban hành quyết định theo hướng công nhận quyền sử dụng toàn bộ thửa đất tranh chấp cho gia đình bà Thư.
Đơn thư cho rằng: UBND TP Hà Nội sau đó đã ban hành các công văn không khách quan, không đúng với thực tế dẫn đến việc suốt nhiều năm nay, gia đình bà Thư vẫn chưa được trả lại quyền sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật.
Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn kêu của của bà Phạm Thị Ngọc Thư đến Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; UBND TP Hà Nội; Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND quận Bắc Từ Liêm; UBND phường Phú Diễn xem xét, giải quyết, trả lời công dân theo quy định pháp luật. Đồng thời, Báo Dân trí sẽ vào cuộc phối hợp với các cơ quan chức năng thông tin làm rõ sự việc trước công luận.
Báo Dân trí nhận được đơn của bà Hồ Minh Loan, trú tại 62 Nghi Tàm , phường Yên Phụ, Tây Hồ. Theo đơn phản ánh của bà Loan, hai ngôi nhà liền kề với nhà bà tại 64A và 64B đang tiến hành xây dựng mới thành ngôi nhà 4 tầng 1 tum đua ra công trình phía trước. Nhận thấy theo Luật xây dựng có hiệu lực từ 2015, diện tích thửa đất dưới 15m hoặc từ 15- 40m có chiều sâu dưới 3m thì không được cấp phép xây dựng. Trong khi đó hai công trình thuộc nhà 64A và 64B nằm trong diện này. Bà Loan cũng đã gửi đơn kiến nghị đến UBND phường Yên Phụ và đã nhận được xác nhận của thanh tra Xây dựng Phường; trong cuộc họp, ông Phó chủ tịch Phường cũng đã xác nhận hai công trình xây dựng trên là sai phép và đã yêu cầu ngừng thi công, tự tháo dỡ. Nhưng đến nay những công trình này không những không bị tháo gỡ mà còn được đưa vào sử dụng kinh doanh.
Ban Biên tập Báo Dân trí trân trọng chuyển đơn phản ánh của Bà Loan đến UBND phường Yên Phụ và các cơ quan chức năng xem xét giải quyết, trả lời bạn đọc theo quy định pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của các doanh nghiệp vận tải trên tuyến Nghệ An - Hà Nội (đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình). Theo đơn, năm 2007 tất cả các xe khách hoạt động trên tuyến vận tải bằng xe khách trên tuyến Hà Nội - Nghệ An được Cục đường Bộ và sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội điều chuyển về bến xe Nước ngầm, nhưng sau đó lại chuyển về bến xe Mỹ đình.
Tuy nhiên, sau một thời gian các doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định, Sở GTVT có quyết định mở cho phép mở rộng thêm các doang nghiệp khai thác cùng trên tuyến Hà Nội - Nghệ An. Đáng nói là các doanh nghiệp này không tập trung vào bến quy định mà hoạt động bắt khách ngoài bến tạo thành một “bến dù”, bắt khách sai quy định, đồng thời tạo ra những mâu thuẫn cho các doanh nghiệp khách cùng kinh doanh tuyến này. Sự việc căng thẳng khiến Sở GTVT phải đứng ra giải quyết bằng thông báo sẽ chuyển một số đầu xe chạy tuyến Nghệ An h- Hà Nội về bến xe Nước Ngầm. Nhưng nhiều tháng sau khi thông báo, đến thời điểm hiện tại hoạt động của tuyến xe này tại Mỹ đình vẫn diễn ra tình trạng bến “dù”, khiến những doanh nghiệp tuân thủ quy định rất bức xúc, tình trạng bến bãi lộn xộn…
Ban Biên tập Báo Dân trí trân trọng chuyển đơn phản ánh trên đến Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, trả lời bạn đọc theo quy định pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của bà Nguyễn Hương Lan, đại diện cho dân cư sinh sống tại ngõ 183A, ngách 255/47 đường Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng, Quận Hoàng Mai, Hà Nội. Theo đơn phản ánh của bà Lan khu vực nơi đây đang tồn tại về môi trường rất nghiêm trọng như xe quá khổ, quá tải hoạt động gây bụi bẩn, rác thải tồn ứ. Nhiều năm qua dù đã nhiều lần người dân phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng tình hình không hề được cải thiện , gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đời sống của cư dân khu vực này.
Ban Biên tập Báo Dân trí trân trọng chuyển đơn phản ánh trên đến UBND phương Lĩnh Nam và và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, trả lời bạn đọc theo quy định pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của bà Nguyễn Thị May, trú tại thôn Hà Mỹ , xã Chu Điện, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Theo đơn của bà May, từ 2/12/2015 bà May đã có đơn trình báo về việc bị hai đối tượng cấu kết với cán bộ địa phương làm giả giấy tờ chiếm đoạt quyền sử dụng đất. Bà May đã gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng đề nghị can thiệp giải quyết . Tuy nhiên, theo bà May công văn trả lời của địa phương và cơ quan điều tra đã thông báo về sự việc của bà là chưa thỏa đáng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bà May.
Ban Biên tập Báo Dân trí trân trọng chuyển đơn phản ánh trên đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, trả lời bạn đọc theo quy định pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của ông Hà Quý Anh, trú tại số 24, ngách 476, tổ 19, Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội. Theo đơn của ông Quý Anh đoạn mương ngõ 462 dài 200m, rộng 1,2m đang bị một hộ dân lấn chiếm xây dựng gây ảnh hưởng chung đến các hộ dân còn lại. Đến nay UBND phường Ngọc Thụy chưa có phương hướng giải quyết dứt điểm, gây khiếu kiện kéo dài.
Ban Biên tập Báo Dân trí trân trọng chuyển đơn phản ánh trên đến UBND phường Ngọc Thụy và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, trả lời bạn đọc theo quy định pháp luật.
Thanh Trầm (tổng hợp)