Nhịp cầu bạn đọc số 33: Tranh chấp quyền sử dụng đất, mẹ già gửi đơn tố cáo bị con ruột đối xử tàn tệ
(Dân trí) - Đơn của người mẹ già 87 tuổi “tố” bị con gái út đối xử tàn tệ, nhiều lần xô xát thậm chí đánh ngã đau do mâu thuẫn quyền sử dụng đất trong gia đình.
Báo Dân trí nhận được đơn của của 21 hộ dân xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội là những người đang quản lý, sử dụng đất ổn định 20 năm nay ở khu Đồng Sành thuộc thôn Ích Vịnh, xã Vĩnh Quỳnh.
Đơn thư cho biết: “Hiện khu đất của 21 hộ dân chúng tôi đang nằm trong khu vực đất bị thu hồi nhằm phục vụ dự án đầu tư xây dựng trường mầm non xã Vĩnh Quỳnh tại thôn Ích Vịnh theo quyết định thu hồi đất số 2603/ QĐ-UBND ngày 10/06/2015 của UBND huyện Thanh Trì.
Về chủ trương xây dựng trường mầm non của xã, phải nói rằng các hộ dân chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này và không có bất cứ phản đối hay cản trở nào đối với chủ trương này vì đó chính là tương lai của con cháu chúng tôi.
Tuy nhiên, trong quá trình thu hồi đất có quá nhiều khuất tất và bất công trong việc xác định hiện trạng đất, loại đất, hoàn cảnh thực tế sử dụng của các hộ gia đình chúng tôi. Để từ đó có những quyết định chính xác, phù hợp, kịp thời trong việc hỗ trợ, bồi thường cho các hộ gia đình chúng tôi.
Chính vì xác định hiện trạng đất chúng tôi sử dụng gần 20 năm nay là “ đất ao bèo” nên liên ngành và UBND huyện Thanh Trì đã ra định mức bồi thường GPMB là 135000vnd/ 01m2 (một trăm ba năm nghìn đồng trên một mét vuông ) ( theo thông báo số 13/ BBTGPMB ngày 22/01/2014 Ban Bồi Thường GPMB). Chúng tôi đặt ra câu hỏi với mức bồi thường 135000vnd này cho 1m2 đất mà chúng tôi đã tôn tạo, quản lý, sử dụng gần 20 năm nay liệu có xứng đáng hay không?
Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền xem xét tại sao cùng thửa đất, cùng hiện trạng pháp lý như nhau mà chỉ có nhũng người dân “thấp cổ bé họng” chúng tôi là 21 hộ bị thu hồi, còn lại 08 hộ trong đó có 01 hộ đã xây nhà kiên cố cùng 07 hộ không bị thu hồi; Đề nghị các ban ngành có ý kiến chỉ đạo làm rõ vì sao khi xây dựng và phê duyệt kinh phí đầu tư dự án để lấy tiền ngân sách thì số tiền lại rất lớn mà khi xây dựng phương án bồi thường cho dân chúng tôi thì lại quá ít”.
Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn thư bạn đọc đến UBND TP Hà Nội; Sở Tài nguyên và môi trường TP Hà Nội; UBND huyện Thanh Trì xem xét, giải quyết trả lời bạn đọc theo quy định pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Toan, 87 tuổi và các thành viên trong gia đình trú tại xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Theo đơn của bà Toan, con gái út của bà đã dùng nhiều thủ đoạn ép buộc ông, bà phải ký các giấy tờ công chứng để đưa tên con gái út vào sổ đỏ do ông bà đứng tên nhiều năm. Đến 22/9/2016 gia đình tiến hành xây nhà thờ trên diện tích đất người con trải cả của bà Toan nhưng không nhận được sự đồng thuận của người con gái út với lý do mọi hoạt động xây dựng phải đi qua cổng (là diện tích đất đứng tên sổ đỏ của người con gái út). Thậm chí bà Toan khi đứng ra khuyên nhủ can thiệp còn bị con gái út 2 đánh ngã đau. Bà Toan rất bức xúc với thái độ và hành vi của người con ruột, đề nghị chính quyền và các cơ quan chức năng can thiệp, giúp đỡ.
Ban Biên tập Báo Dân trí trân trọng chuyển đơn trên đến UBND xã Gia Bình; UBND huyện Gia Lộc cùng các đơn vị chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết trả lời đơn bạn đọc theo quy định pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của các ông, bà Trần Văn Đông, Tạ Văn Chung, Nguyễn Minh Khanh và nhiều hộ dân khác trú tại thôn Đan Phượng, Trí Yên, Yên Dũng, Bắc Giang khiếu nại về việc bán đất cho người dân trong thôn để lấy kinh phí làm đường bê tông của thôn; người dân đã mua 54 lô đất ở với tổng số tiền 876 triệu đồng. Số kinh phí thu được thôn được giữ 20% và nộp lên UBND xã Trí Yên 20%. Tuy nhiên, từ năm 2014 khi Nhà nước có chủ trương làm đường 293 có chương trình thu hồi đất ở một số lô phía đông của con đường, lô phía tây đã đổ đất đá 3,5m, thế nhưng khi triển khai toàn bộ nội dung trên toàn bộ các hộ gia đình có đất trong diện thu hồi không được thông báo sớm. Các hộ gia đình trong đơn khiếu nại việc bị mất đất; quyền và nghĩa vụ của công dân bị vi phạm
Ban Biên tập Báo Dân trí trân trọng chuyển đơn trên đến UBND xã Trí Yên; UBND huyện Yên Dũng và cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết trả lời đơn bạn đọc theo quy định pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Nở, trú tại xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Theo đơn của bà Nở, mẹ đẻ của bà Nở là Hoàng THị Nụ trú tại cụm 8- xã Hát Môn - Phúc Thọ - Hà Nội có đưa cho vợ chồng người con nuôi đang ở chung giữ hộ giấy chứng nhận đất và hộ khẩu. Do mâu thuẫn trong gia đình, bà Nở muốn lấy lại các giấy tờ trên nhưng đã bị người con nuôi từ chối và chiếm giữ. Sự việc căng thẳng khiến bà Nở phải gửi đơn nhờ công an xã Hát Môn can thiệp. Tuy nhiên, cho đến nay bà Nở vẫn chưa có lại các giấy tờ hợp pháp thuộc về mình.
Ban Biên tập Báo Dân trí trân trọng chuyển đơn trên đến UBND xã Hát Môn; UBND huyện Phúc Thọ và các đơn vị chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết trả lời đơn bạn đọc theo quy định pháp luật.
Báo điện tử Dân trí nhận được đơn của ông Vũ Sĩ Lợi, trú tại số 36 phố Vũ Tuyên Hoàng, Gia Bình, Bắc Ninh. Theo đơn ông Lợi, ngày 2/2/2016 UBND thị xã Gia Bình đã ra biên bản bàn giao cho gia đình sử dụng 21.204m2 đất từ năm 2016- 2028 với mục đích: Xây nhà cấp 4, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, và các mô hình nuôi trồng. Tuy nhiên, khi gia đình đang tiến hành đầu tư, canh tác, sản xuất thì UBND thị xã Gia Bình đã 4 lần ra văn bản yêu cầu ngừng sản xuất, đơn phương thông báo hủy bỏ biên bản giao đất. Cho tới nay, gia đình ông Lợi đã rất nhiều lần liên lạc với lãnh đạo UBND xã đề nghị giải quyết vụ việc nhưng mọi việc vẫn rơi vào im lặng. Kết quả là hơn 2ha đất bị bỏ hoang, gây thiệt hại kinh tế cho gia đình ông Lợi.
Ban Biên tập Báo Dân trí trân trọng chuyển đơn trên đến UBND thị xã Gia Bình, Bắc Ninh và các đơn vị chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết trả lời đơn bạn đọc theo quy định pháp luật.
Thanh Trầm (tổng hợp)