Nhịp cầu bạn đọc số 30: Nhiều bức xúc của người dân về việc bồi thường, thu hồi đất

(Dân trí) - Báo Dân trí tiếp tục nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc trên cả nước phản ánh về những vụ việc oan sai, rừng đang bị doanh nghiệp tàn phá rồi bỏ hoang đất, tranh chấp quyền sở hữu nhà đất, quyền lợi của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng...

Đơn thư của bà Nguyễn Thị Sáng (SN 1970, thường trú: xóm 4, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) cho biết: Ngày 30/6/2015, bà có nhận chuyển nhượng của gia đình bà Đỗ Thị Lan (thường trú: khu Nhang, xã Xuân Đỉnh nay là tổ dân phố Xuân Nhang 1, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thửa đất số 283 diện tích 348m2 tờ bản đồ số 9, bản đồ địa chính phường Xuân Đỉnh năm 1987.

Bà Sáng là xã viên của HTX Quyết Thắng, thôn Nhang (sau này là HTX nông nghiệp Xuân Đỉnh). Là hộ nông nghiệp, gia đình bà được HTX chia cho ao lợn và ruộng phần trăm như các gia đình khác để tăng gia sản xuất. Mảnh ao lợn và ruộng đó gồm tất cả là 220m2.

Bà Sáng cho biết từ trước những năm 1976 đến giờ, gia đình bà vẫn trông nom và tăng gia trên thửa ruộng và ao (ao nay đã lấp để mở đường, còn lại gia đình lập nốt để làm vườn). Đã hơn 30 năm qua, bà và gia đình vẫn trông nom, nộp các khoản lệ phí, ngoài sản cho HTX đầy đủ, không có tranh chấp gì với các hộ liền kề xung quanh.

Tuy nhiên, đầu năm 2016, bà Sáng bất ngờ nghe nói thửa đất mà bà nhận chuyển nhượng từ gia đình bà Lan bị đưa vào xây dựng nhà văn hóa. Cụ thể, ngày 6/1/2016, UBND phường Xuân Đỉnh có thông báo số 05/TB-UBND yêu cầu tháo dỡ, giải tỏa công trình trên đất công ao ruộng lợn tổ dân phố Xuân Nhang 2 phục vụ xây dựng nhà văn hóa.

Theo thông báo, “tại vị trí xây dựng nhà văn hóa hiện đang có một số công trình xây dựng trái phép trên đất công do UBND phường quản lý. Hành vi xây dựng nêu trên đã vi phạm đất đai theo quy định tại Khoản 2 điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014”, đồng thời yêu cầu các hộ gia đình tháo dỡ, giải tỏa toàn bộ công trình hoàn trả mặt bằng do UBND phường quản lý.

Bà Sáng cho rằng việc xác định nguồn gốc đất và thu hồi như vậy của chính quyền địa phương là không đúng, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của gia đình bà.

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung khiếu nại của bà Nguyễn Thị Sáng đến Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội; UBND quận Bắc Từ Liêm; UBND phường Xuân Đỉnh xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

Đơn khiếu nại của Lê Văn Hạnh, ngụ tại 518/1B Trần Hưng Đạo, P.14, Q.5, TPHCM về việc không được bồi thường giải tỏa

Ông Hạnh cho biết: Gia đình ông có 74.480m2 tại Quận 2, bị thu hồi làm khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng lại bồi thường cho đối tượng khác. Gia đình ông chỉ được bồi thường khu mộ có diện tích 225m2. Đây là đất do cha của ông để lại, bị người khác chiếm dụng từ 1978. Khi giải tỏa, chính quyền địa phương lại bồi thường cho những người chiếm dụng.

Báo Điện tử Dân Trí đã chuyển đơn của ông Lê Văn Hạnh đến UBND TPHCM; UBND quận 5 xem xét, giải quyết, trả lời bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Đơn khiếu nại của ông Đinh Văn So, ngụ tại 35/5 đường Phan Đăng Lưu, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng về việc bị thu hồi đất làm đường.

Theo đơn khiếu nại, năm 2002 UBND Thị xã Bảo Lộc (nay là TP Bảo Lộc) thực hiện dự án đường Nguyễn Công Trứ. Theo thiết kế thì đất của ông Đinh Văn So chỉ bị thu hồi 1.610m2 để làm đường, nhưng UBND TX Bảo Lộc lại thu hồi đến 3.480m2. Ông So nhiều lần làm đơn đề nghị giao lại phần đất thu hồi vượt cho gia đình ông sử dụng nhưng chưa được giải quyết.

Báo Điện tử Dân trí đã chuyển đơn của ông Đinh Văn So đến UBND tỉnh Lâm Đồng; UBND TP Bảo Lộc xem xét, giải quyết trả lời bạn đọc theo quy định pháp luật.

Đơn khiếu nại của ông Dương Văn Ninh, ngụ tại 38/3, tổ 6, KP 3, đường Hồ Bá Phấn, Quận 9, TP HCM về việc chậm giải quyết vụ án.

Theo đơn khiếu nại, ông Ninh là nguyên đơn vụ kiện ly hôn, chia tài sản. Vụ án được TAND huyện Đồng Phú, sau đó là TAND tỉnh Bình Phước thụ lý và giải quyết từ năm 2004 đến nay nhưng vẫn chưa giải quyết xong.

Báo Điện tử Dân Trí đã chuyển đơn của ông Dương Văn Ninh TAND tỉnh Bình Phước xem xét, giải quyết.

Đơn khiếu nại của ông Châu Quốc Tuấn, ngụ tại số 15 đường số 6, phường Hiệp Phú, Quận 9, TPHCM về việc bị thu hồi đất không đền bù.

Trong đơn, ông Tuấn cho biết gia đình ông có lô đất 3.614m2, do cha của ông Tuấn mua từ 1970 và gia đình ông sử dụng cho đến nay. Chính quyền địa phương thu hồi phần đất này mà không bồi thường vì cho rằng gia đình ông chiếm dụng đất.

Báo Điện tử Dân Trí đã chuyển đơn của ông Châu Quốc Tuấn đến UBND TPHCM; UBND quận 9 xem xét, giải quyết, trả lời bạn đọc theo quy định pháp luật.

Đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, ngụ tại số 44 đường 494, khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú, Quận 9 về việc không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong đơn, bà Hạnh cho biết: Bà được cha là ông Nguyễn Văn Tặng cho một miếng đất 321,3m2 tại phường Tăng Nhơn Phú. Từ năm 2013 đến nay bà Hạnh xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được giải quyết vì chính quyền phường cho rằng cha bà đã hiến đất để làm đường. Theo bà Hạnh, cha bà chưa hề ký tên hiến đất và bị giả mạo chữ ký.

Báo Điện tử Dân Trí đã chuyển đơn của bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đến UBND Quận 9, UBND TP HCM xem xét, giải quyết, trả lời bạn đọc theo quy định pháp luật.

Đơn kêu cứu của ông ông Nguyễn Thanh Hiếu, thường trú tại số 2 Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, Quận 1, phường Bến Thành, Quận 1 về việc bị quỵt nợ.

Tháng 9/2012, ông Hiếu có cho ông Trần Văn T, ngụ tại Phường 10, Quận 3 vay 300 triệu đồng để mua nhà. Sau đó ông T không trả tiền và bỏ trốn. Ông Hiếu đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết.

Báo Điện tử Dân trí đã chuyển đơn của ông Nguyễn Thanh Hiếu đến UBND Quận 3 - TP HCM xem xét, giải quyết.

Trung Phương