Nhịp cầu bạn đọc số 3: Đất công viên, cây xanh thành nhà hàng, quán bia tại KĐT Văn Quán?
(Dân trí) - Tuần qua, Báo Dân trí nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc phản ánh những vụ việc như: việc UBND quận Long Biên cấp phép xây dựng đối với các thửa đất đang tranh chấp; cư dân khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông kiến nghị giải quyết dứt điểm sai phạm của Công ty HUD tại lô đất CC2, khu đô thị Văn Quán; khiếu nại việc UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định nhầm địa chỉ nên đã không cấp GCN QSDĐ...
Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Đinh Tiến Thịnh, trú tại số 7, ngách 42 ngõ đường Bát Khối, tổ 7, phường Long Biên, quận Long Biên - TP Hà Nội về việc UBND quận Long Biên thực hiện cấp phép xây dựng đối với các thửa đất đang tranh chấp.
Đơn có nội dung: “Lối đi tại ngách 42, ngõ 129 đường Bát Khối, phường Long Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội do cha mẹ chúng tôi là ông Đinh Văn Đợi và bà Đinh Thị Tỵ để lại, sử dụng từ trước năm 1945. Theo sơ đồ thửa đất thể hiện trên bản đồ các năm 1974, 1986, thửa đất của cha mẹ tôi không nằm sát ngõ 129 đường Bát Khối mà nằm giữa hai thửa đất (hướng Tây Nam giáp thửa đất số 123 của bà Vũ Thị Hồng, phía Đông Bắc giáp thửa đất số 243 của ông Đinh Văn Đài), chỉ có một lối đi duy nhất vào thửa đất từ ngõ 129 đường Bát Khối. Do đó, lối đi vào thửa đất của cha mẹ tôi là một phần trong tổng thể thửa đất của cha mẹ tôi. Từ trước năm 1993, bà Hồng và ông Đài đều xây tường bao, không trổ cửa và cửa số hướng ra lối đi riêng của gia đình tôi.
Hơn nữa, ngõ đi này đã được gia đình tôi sử dụng ổn định, lâu dài mấy chục năm nay, không có tranh chấp và đều được bà con lối xóm, dân làng thừa nhận là lối đi riêng của gia đình tôi.
Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh quận Long Biên đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai khi:
Thứ nhất, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh quận Long Biên và UBND phường Long Biên xác định ngõ đi sử dụng riêng của gia đình tôi là ngõ đi công là hoàn toàn sai trái.
Thứ hai: Hồ sơ tách thửa đất số 123 tờ bản đồ số 05 phường Long Biên trái với quy định của pháp luật.
Thứ ba: Vẫn thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi có tranh chấp.
Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND TP.Hà Nội, Thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường TP.Hà Nội, UBND quận Long Biên xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của các cư dân khu đô thị Văn Quán, Q.Hà Đông, Hà Nội, đại diện là ông Lương Chính - Tổ trưởng tổ dân phố 6 với nội dung kiến nghị giải quyết dứt điểm sai phạm của Công ty HUD tại lô đất CC2, khu đô thị Văn Quán.
Đơn có nội dung: “Chúng tôi khẩn cầu các cơ quan chức năng giải quyết những sai phạm của Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) tại khu đất công cộng CC2 KĐT Văn Quán. Sự việc đã kéo dài trên 10 năm nay, cư dân chúng tôi đã gửi rất nhiều đơn từ tới các cơ quan cấp thành phố, cấp bộ… nhưng HUD vẫn cố tình chiếm giữ lô đất công cộng CC2 giành để xây công viên, cây xanh với mục đích biến nó thành nhà hàng, quán bia.
Việc chiếm dụng lô đất này, bắt đầu từ việc xây chung cư tháp đôi 39 tầng trên 7.000m2 tại lô đất này. Sau rất nhiều đơn khiếu nại gửi tới các cơ quan chức năng, Thanh tra Bộ Xây dựng cuối cùng cũng trả lời bằng công văn 43/TTr-TTrXD3 ngày 09/2/2010 về phần đất còn lại 3.000m2 của khu CC2: “cam kết không bố trí nhà hàng mà xây dựng thành vườn hoa, cây xanh phục vụ nhân dân trong khu vực”.
Tuy nhiên, HUD sau đó vẫn cố tình biến phần đất này thành nhà hàng bằng cách bán cho công ty tư nhân.
Gần đây nhất, ngày 2/5/2018, Sở Xây dựng HN đã chủ trì cuộc họp giữa các bên liên quan, theo đó HUD cam kết giữ lô đất này làm công viên cây xanh, tuy nhiên đến nay đã hơn 6 tháng mà lô đất này vẫn bị chiếm dụng, trong khi đó khu công trình công cộng, chỗ vui chơi cho trẻ em, người cao tuổi đang bị thiếu trầm trọng”.
Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND TP.Hà Nội, Thanh tra Bộ Tài nguyên & môi trường, Thanh tra Bộ Xây dựng, Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), UBND quận Hà Đông xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Nguyễn Thị Thái, trú tại 7B Phù Đổng Thiên Vương, P8, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, khiếu nại việc UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định nhầm địa chỉ nên đã không cấp GCN QSDĐ dù đã có quyết định của bản án phúc thẩm của TAND tối cao số 36/2015/HC-PT và thủ tục Giám đốc thẩm.
Nội dung đơn như sau: “Gia đình tôi rất bức xúc vì đã luôn đóng thuế đầy đủ, có họa đồ vẽ ranh giới nhà đất từ năm 1962, vậy mà:
Chỉ vì UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định số 472/QĐ-UB năm 1987- Quyết định này không gửi cho gia đình tôi; khi gia đình tôi làm đơn xin cấp GCN QSDĐ thì UBND phường 8 photo cho chúng tôi quyết định này. Sau khi đọc quyết định này, chúng tôi khẳng định QĐ nhầm địa chỉ, không có tên gia đình tôi.
Thẩm phán TAND tỉnh Lâm Đồng và Phó Giám đốc Sở TN&MT đã đến nhà tôi lập biên bản xác định trụ sở ấp Đông Tĩnh không nằm sát đất của gia đình tôi (trái với xác định trong QĐ 472 năm 1987)
Khi bản án phúc thẩm của TAND tối cao số 36/2015/HC-PT ngày 14/4/2015 có hiệu lực, chúng tôi làm thủ tục để được cấp sổ đỏ thì UBND tỉnh cho biết đang yêu cầu kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm.
Sau khi quá hạn 3 năm kể từ ngày tuyên án, chúng tôi mới nhận được quyết định kháng nghị của TAND tối cao. Chúng tôi đã làm đơn khiếu nại phản đối quyết định kháng nghị gửi đến quý cấp ngày 10/10/2018, nay đã hơn 5 tháng nhưng chưa nhận được văn bản nào trả lời”.
Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn đến đồng chí Chánh án TAND tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ TN&MT xem xét trả lời nội dung đơn của bạn đọc.
Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Nguyễn Quốc Việt, trú tại 111 đường TTN17, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM với nội dung:
“Tôi tham gia vào lực lượng công an trước giải phóng miền nam 30/4/1945, có thời gian dưới 20 năm công tác, hiện tôi đang được hưởng chế độ lương trợ cấp hàng tháng, theo quyết định số 53/2010/QĐ.TTg của Thủ tướng Chính phủ
Cụ thể, về chế độ BHYT, hàng chục năm nay tôi được hưởng chế độ theo mã số KC2.79.7935760865. Năm 2019 chuyển xuống KC4.79.793 576 0856. Tức là từ chỗ đang hưởng BHYT 100% xuống còn 80%.
Việc thay đổi này không hề được thông báo cũng như giải thích nguyên nhân.
Tôi hỏi cán bộ chuyên trách ở phường và ở quận Tân Bình thì được trả lời là không rõ nguyên nhân gì mà bên Bảo hiểm lại điều chỉnh như vậy và có gợi ý là nên tham gia vào Hội Cựu Chiến Binh để được hưởng chế độ BHYT 100% - thiết nghĩ tại sao cứ phải vào đây mới được hưởng chế độ như vậy? Nhà nước có tổ chức Hội CCB công an đâu mà vào?
Tại sao một sự thay đổi lớn với những người góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc, họ là đối tượng chính sách nhưng lại không được thông báo, giải thích rộng rãi trên báo đài. Nguyên nhân gì quyền lợi của họ bị cắt giảm mà nhẽ ra phải là tốt lên?”.
Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội TP.HCM xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Ngọc Hân (tổng hợp)