Nhịp cầu bạn đọc số 27: Mất đất, nhiều hộ dân trồng nhãn tại Hưng Yên lo mất nghề

(Dân trí) - Sau gần 20 năm đầu tư, trồng trọt loại cây đặc sản của vùng là nhãn lồng toàn bộ diện tích cây trồng đang bước vào thời kỳ thu hoạch cao điểm thì bị thu hồi đất nhằm phục vụ công tác GPMB. Nhiều hộ nông dân bức xúc do giá đền bù thiếu hợp lý và đối diện với nguy nỗi lo mất nghề.

Báo Dân trí nhận được đơn của 8 hộ gia đình ông bà: Nguyễn Thành Đồng, Nguyễn Văn Việt, Bùi Văn Ước, Bùi Đức Hải, Trần Long Phi, Nguyễn Văn Thỏa, Trần Thế Quân và Bùi Văn Liên cùng trú tại xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên - là những hô dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án xây dựng cầu Hưng Hà, Hưng Yên.

Theo đơn của các hộ dân này, đây là đất thầu 50 năm trả tiền một lần và nộp tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp hàng năm, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện sau gần 20 năm đầu tư, trồng trọt loại cây đặc sản của vùng là nhãn lồng, đến nay toàn bộ diện tích cây trồng đang bước vào thời kỳ thu hoạch cao điểm với năng suất tốt nhất thì lại nhận được tin báo từ chính quyền địa phương: Đây là khu vực thuộc diện phải (GPMB) phục vụ công trình xã hội.

Tuy nhiên, các hộ dân đưa nhiều bức xúc đặc biệt trong vấn đề bồi thường và cho rằng nhiều hạng mục chưa hợp lý, cụ thể như: Dù đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng UBND lại đưa vào dạng đất công điền, không được hỗ trợ nhân hệ số. Về mật độ cây trồng, các hộ dân cho rằng chưa hợp lý. Bởi trên thực tế nhiều loại cây trồng chúng tôi đã trồng nhiều năm trên đất và vẫn cho thu hoạch mà lại quy vào vượt mật độ và không được bồi thường như: táo, cau, ổi, cam, bưởi, hồng, đinh lăng, cây xi, xanh...

Hộ gia đình anh Nguyễn Thành Đồng giãi bày: “Theo phương án bồi thường hỗ trợ chúng tôi không được bồi thường hỗ trợ 30 năm còn lại mà UBND tỉnh lại tính theo hình thức thanh lý hợp đồng, biên bản thầu, sử dụng phương pháp quy đổi ra thóc làm cơ sở tính toán. Như vậy thì quá vô lý, khi giá trị sử dụng đất thời điểm năm 1995, 1996 thấp hơn rất nhiều so với hiện nay 2016.

Các hộ gia đình cũng bày tỏ sự lo lắng bởi theo phương án bồi thường hỗ trợ nhận được thì chúng tôi chưa nhận được các khoản tiền hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ ổn định sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm...

Ban Biên tập Báo Dân trí trân trọng chuyển đơn của các hộ dân trên đến UBND xã Tân Hưng và ban GPMB xã Tân Hưng giải quyết, trả lời khiếu kiện của người dân theo quy định của pháp luật.


Các hộ dân bi thu hồi đất đối diện với thực tế bị mất nghề sau 20 năm đầu tư nghiên cứu trồng nhãn lồng.

Các hộ dân bi thu hồi đất đối diện với thực tế bị mất nghề sau 20 năm đầu tư nghiên cứu trồng nhãn lồng.

Báo Dân trí nhận được đơn của bà Phạm Thị Huyền cùng 50 hộ dân trú tại thôn Dục Linh xã An Ninh huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Theo đơn của bà Huyền các hộ dân ở đây được Nhà nước giao cho sử dụng diện tích 30,784m2 đất để trồng lúa. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây các hộ dân đã bị yêu cầu trả lại ruộng và được đền bù hoa màu theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết đền bù đã xảy ra tiêu cực gây bức xúc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Ban Biên tập Báo Dân trí trân trọng chuyển đơn của các hộ dân trên đến UBND xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ giải quyết, trả lời bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của ông Nguyễn Bá Sáng, trú tại thôn Ngọ Xá, xã Minh Châu, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang là xã viên thuộc đội 5 HTX Ngọc Xá, xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Theo đơn của ông Sáng, thửa ruộng do gia đình ông canh tác hàng chục năm nay nằm trong quy trình tiêu úng và thoát lũ của huyện Hiệp Hòa và là nguồn dự trữ nước chống hạn của xã Châu Minh. Khu vực này không được quyền quy hoạch thành đất ở. Tuy nhiên, hiện nay đang có sự giao dịch, mua bán tại thửa ruộng này.

Ban Biên tập Báo Dân trí trân trọng chuyển đơn của ông Sáng đến UBND xã Minh Châu, huyện Hòa Hiệp, Bắc Giang giải quyết, trả lời bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Thanh Trầm (tổng hợp)