Nhịp cầu bạn đọc số 16: Hơn mười doanh nghiệp đồng loạt kêu cứu tại huyện Đông Anh!
(Dân trí) - Báo Dân trí nhận được đơn thư của bạn đọc trên cả nước phản ánh các vấn đề như: nhiều vấn đề bất cập đang tồn tại tại bệnh viện nhi Hải Dương; 13 doanh nghiệp tại huyện Đông Anh (Hà Nội) kêu cứu... Báo Dân trí đã chuyển nôị dung đơn thư bạn đọc tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của 13 doanh nghiệp đang nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu đất để thực hiện Dự án nhà máy ô tô 1-5 tại xã Nguyễn Khê, Đông Anh (Hà Nội).
Đơn kêu cứu cho biết: “Chúng tôi làm đơn này kêu cứu về việc UBND huyện Đông Anh có chủ trương phá dỡ các công trình mà chúng tôi đã đầu tư, xây dựng trên đất tại Dự án nhà máy ô tô 1-5 đã gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng tôi và ảnh hưởng nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động đang làm việc tại đây.
Chúng tôi là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, sản xuất các sản phẩm phụ trợ, gia công cho các công đoạn sản xuất ô tô tại Dự án nhà máy ô tô 1-5. Theo lời mời gọi đầu tư của Công ty cổ phần ô tô 1-5, chúng tôi đã đầu tư hàng tỷ đồng vào nhà xưởng, máy móc và các công trình trên đất tại Dự án nhà máy ô tô 1-5 nhằm mục tiêu xây dựng một khu công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô hàng đầu Việt Nam.
Tuy nhiên, khi hệ thống nhà xưởng của chúng tôi hoàn thành và đi vào hoạt động thì UBND huyện Đông Anh lại có chủ trương tháo dỡ các công trình mà chúng tôi đã xây dựng, yêu cầu Công ty cổ phần ô tô 1-5 có phương án tháo dỡ các công trình mà chúng tôi đã xây dựng từ năm 2016 đến năm 2018 xong trước ngày 21/10/2019, tổ chức tháo dỡ các công trình vi phạm xong trước ngày 30/10/2019.
Việc UBND huyện Đông Anh chỉ đạo việc tháo dỡ các công trình xây dựng của chúng tôi là không phù hợp với quy định pháp luật đặc biệt là trong một thời gian rất gấp gáp đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp chúng tôi và của người lao động làm việc cho các doanh nghiệp, cụ thể như sau:
Thứ nhất, các doanh nghiệp chúng tôi xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc, cơ sở vật chất hàng tỷ đồng vào Dự án nhà máy ô tô 1-5 theo lời mời gọi của Công ty cổ phần ô tô 1-5, việc đầu tư này là phù hợp với Dự án và quy hoạch đất sản xuất công nghiệp của Thành phố.
Thứ hai, các doanh nghiệp chúng tôi đầu tư xây dựng nhà xưởng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ ba, theo quy định pháp luật thì các công trình xây dựng của chúng tôi được phép tồn tại mà không phải tháo dỡ, kể cả trong trường hợp vi phạm.
Thứ tư, đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với các công trình xây dựng của chúng tôi, nếu có vi phạm.
Thứ năm, việc UBND huyện Đông Anh đề nghị phá dỡ các công trình mà chúng tôi đã xây dựng gây tác động xấu đến quá trình sản xuất kinh doanh của các Doanh nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp của hàng nghìn người lao động, cụ thể:
Thế nhưng, UBND huyện Đông Anh đột ngột có chủ trương phá dỡ các công trình xây dựng, đẩy chúng tôi ra khỏi nơi chúng tôi đang sản xuất, kinh doanh trong khi đó, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ phương án bồi thường, hỗ trợ nào từ Công ty cổ phần ô tô 1-5 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp chúng tôi, đẩy các doanh nghiệp trước bờ vực phá sản và cũng vô tình đẩy hàng nghìn người lao động đứng trước nguy cơ thất nghiệp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người lao động và việc đảm bảo chính sách của Nhà nước về việc làm cho người lao động sẽ không thể đạt được”.
Báo Dân trí kính đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở TN&MT TP Hà Nội, Huyện uỷ - UBND huyện Đông Anh kiểm tra giải quyết và hồi âm đơn thư bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu của ông Đào Ngọc Doanh (trú tại huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang).
Đơn kêu cứu cho biết: “Dù đã bỏ nhiều công sức để thi công công trình biệt thự số 11TT6A, (thuộc Khu biệt thự Tây Nam Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhưng đến giai đoạn cuối thì tôi bị tổng thầu gây khó dễ, không thanh toán hàng trăm triệu.
Cụ thể, tháng 9/2018, tôi nhận thi công hoàn thiện biệt thự số 11TT6A, thuộc Khu biệt thự Tây Nam Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai với ông Hoàng Tiến Quỳnh, Giám đốc Công ty CP tư vấn Hoàng gia Châu Âu, trụ sở số 3, ngõ 23 Lê Văn Lương, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Trong quá trình thi công, hai bên thực hiện tạm ứng chi phí theo tiến độ, chia làm 7 giai đoạn.
Sau 6 lần tạm ứng suôn sẻ, đến đợt tạm ứng lần thứ 7 (khoảng tháng 4/2019), khi công việc chuẩn bị hoàn thành thì tổng thầu gây khó dễ, với lý do hết sức vô lý "tiền ứng thế đủ rồi”.
Số tiền tổng thầu không chịu thanh toán cho tôi khoảng gần 300 triệu đồng bao gồm tiền thi công và phát sinh thi công sân vườn, hàng rào và vỉa hè khuôn viên. Mặc dù bị tổng thầu phá cam kết không chịu tạm ứng tiền, nhưng do công trình chuẩn bị về đích nên để giữ chữ tín nên tôi phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi để trả công thợ và tiền ăn hàng ngày cho công nhân.
Tuy nhiên sau hơn 2 tháng chi tiền nuôi quân, sức cùng lực kiệt, cực chẳng đã tôi phải dừng thi công để xoay xở tiếp. Lập tức phía Công ty CP Hoàng gia Châu Âu vin vào cớ tôi tự ý bỏ công trình nên điều một đội thợ khác thay thế.
Việc Công ty CP tư vấn Hoàng gia Châu Âu đưa thợ vào công trình do chúng tôi đang thi công mà không có sự đồng ý và bàn giao của chúng tôi là vi phạm nguyên tắc trong xây dựng. Ngoài ra, ông Quỳnh nhiều lần nhắn tin ép tôi ký nhận lỗi tự ý bỏ dở công trình như một điều kiện đầu tiên nếu muốn quyết toán là nhằm đổ lỗi cho nhà thầu để dễ bề o ép, bớt xén nên tôi không đồng ý”.
Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn thư bạn đọc đến VKSND quận Hoàng Mai, Công an quận Hoàng Mai, Công ty CP tư vấn Hoàng gia Châu Âu kiểm tra xem xét, giải quyết và hồi âm đơn thư bạn đọc theo quy định pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc L.T.H ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương thông tin về một số vấn đề đang tồn tại ở Bệnh viện Nhi Hải Dương cần được khắc phục.
Đơn có nội dung: “Thứ nhất, Bệnh viện có môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, ruồi muỗi rất nhiều do bệnh viện tổ chức chăn nuôi lợn, gà vịt ngay sát khu vực khoa hồi sức cấp cứu; căng tin nấu ăn nằm ngay sát các khoa điều trị lâm sàng, xả chất thải không đúng quy định gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cán bộ nhân viên bệnh viện và người bệnh trong nhiều năm qua.
Thứ hai, tại khoa tâm thần kinh và phục hồi chức năng cùng một số khoa khác tổ chức thu tiền của người bệnh, thu tiền giường nằm và tiền điều trị không có biên lai, hóa đơn, để ngoài sổ sách kế toán trái quy định của nhà nước.
Thứ ba, Bệnh viện tổ chức cho người nhà của các bệnh nhân thuê phòng trọ, giường trọ ngay khuôn viên các khoa điều trị và thu tiền của họ không có hóa đơn, không có biên lai, thu sai nguyên tắc trong khi đó chúng tôi được biết bệnh viện vẫn xin thêm giường bệnh với lí do chật chội”.
Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến Ban Giám đốc Bệnh viện nhi Hải Dương, Sở Y tế tỉnh Hải Dương, Thanh tra Bộ Y tế xem xét, giải quyết thực trạng theo nội dung đơn bạn đọc (nếu có).
Báo Dân trí nhận được đơn của tập thể cư dân Khu Nhà ở Cán bộ chiến sỹ - Bộ công an, đại diện là bà Trần Thị Tuyết Nga trú tại Phòng 0414, tòa CT1, Khu Nhà ở Cán bộ chiến sỹ - Bộ công an (Chung cư Thái Hà - Constrexim 1), Phường Cổ Nhuế 2, Quận Bắc Từ Liêm - Thành phố Hà Nội kiến nghị việc Chủ đầu tư là Liên danh Constrexim 1 - Thái Hà đã ứng xử với cư dân chúng tôi thiếu chuẩn mực.
Đơn có nội dung như sau: “Căn cứ Công văn 138/2019/LD-CV ngày 05/10/2019 do ông Phạm Hoàng Trung - Phó Tổng Giám đốc Contrexim 1 (đại diện Liên danh) ký về việc giải đáp thắc mắc của cư dân về phí quản lý dịch vụ (gọi tắt là phí dịch vụ) thu ngoài hợp đồng hai bên đã ký kết, chúng tôi hoàn toàn không đồng thuận do Liên danh giải thích mập mờ, cố bao biện, không đúng quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký kết với cư dân
Thứ nhất, Liên danh cho rằng dự án đã đi vào hoạt động được 10 tháng, phí quản lý dịch vụ 06 tháng đầu tiên đã được thu tại thời điểm bàn giao, đã được 100% các quý cư dân đồng thuận, nghiêm chỉnh chấp hành” là sai: Vì nói 100% cư dân đồng thuận đóng phí dịch vụ 6 tháng đầu tiên tại thời điểm bàn giao với giá Liên danh 6.600 đ/m2/tháng là không đúng. Bởi vì tại thời điểm nhận bàn giao nhà, thông báo rõ ràng của Liên danh ghi là “tạm tính”nên các cư dân hiểu không phải là giá chính thức nên đã tạm nộp để nhận nhà về ở, còn sau đó sẽ đòi nợ hoặc khấu trừ sau trên nền giá chính thức 2 bên ký kết trong hợp đồng là 6.000đ/m2/tháng.
Kể từ tháng thứ 7 trở đi, cư dân đã nộp tiền phí dịch 6.000 đ/m2/tháng theo đúng hợp đồng và bù trừ với tiền đã nộp thừa của sáu tháng đầu năm và đã bị Liên danh chỉ đạo BQLTN cắt nước sinh hoạt để cưỡng ép cư dân ký cam kết thanh toán 6.600 đ/m2/tháng mới mở nước sinh hoạt (Cụ thể ngày 29/08/2019 cắt nước sinh hoạt 200 căn hộ, ngày 12/09/2019 cắt nước 14 căn hộ và ngày 03/10/2019 cắt nước 28 căn hộ. Thời điểm cắt nước sinh hoạt vào những thời điểm nhạy cảm như nửa đêm, ngày nghỉ, ngày đầu tháng âm lịch, ngày rằm và những căn hộ có người già, trẻ nhỏ phụ nữ mang thai, mới sinh con; các thông báo cắt nước của BQLTN gây bức xúc, lo âu, thấp thỏm cho cư dân).
Thứ hai, pháp luật đã quy định phí dịch vụ theo hợp đồng là 6.000 đ/m2/tháng đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (viết tắt là VAT). Việc Liên danh thu thêm VAT (600 đ/m2/tháng) là hoàn toàn sai. Trên thực tế, cư dân chúng tôi chưa bao giờ thấy trong hợp đồng mua bán đã thỏa thuận đơn giá mà người bán hàng lại thu thêm tiền VAT nữa!
Thứ ba, việc Liên danh có trao đổi với một số cư dân song không hề đồng ý viết biên bản làm việc (mặc dù cư dân đề nghị), đồng thời luôn luôn né tránh đối thoại chính thức và có biên bản làm việc là thiếu minh bạch, trốn tránh trách nhiệm, càng gây bức xúc cho cư dân.
Thứ tư, Liên danh đã bắt ép cư dân phải ký thanh lý trước khi nhận sổ đỏ để rũ bỏ trách nhiệm (cư dân chưa ký thì cũng bị người có tên H bút phê chỉ đạo cắt nước) cũng là một nội dung chúng tôi kiến nghị”.
Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND phường Cổ Nhuế 2, UBND quận Bắc Từ Liêm, Cục Thuế TP. Hà Nội, Ban lãnh đạo Liên danh Constrexim 1 - Thái Hà xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Nguyễn Thị Bẩy, trú tại phường Bồ Đề, Long Biên, HN phản ánh việc cán bộ UBND phường Bồ Đề và UBND quận Long Biên vi phạm về cưỡng chế thu hồi đất cả gia đình bà để làm dự án bệnh viện chuyên khoa ung bướu và phẫu thuật thẩm mỹ 1000 năm Thăng Long quận Long Biên.
Nội dung đơn như sau: "Năm 2001, tôi đổ đất san lấp, khai hoang tôn tạo hơn 250m2 đất ở phường Bồ Đề để sinh sống; Đến tháng 2/2009, tôi mua của bà Gái cùng phường 165m2 là đất được giao theo nghị định 64 theo hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ. Thửa đất này đã được Trung tâm quỹ đất quận Long Biên và Chủ tịch phường Bồ Đề xác nhận mốc giới và đã được cấp sổ đỏ cho bà Gái, bà cam kết sau khi làm xong thủ tục tách sổ đỏ thì sẽ chuyển sổ cho tôi.
Ngày 27/12/2016, UBND quận Long Biên ra quyết định số 8930/QĐ-UBND để thu hồi 104,9m2 đất của tôi để giao cho Công ty cổ phần ngàn năm Hà Nội làm Dự án Bệnh viện chuyên khoa ung bướu và phẫu thuật thẩm mỹ ngàn năm Thăng Long là trái pháp luật. Vì theo luật đất đai năm 2013 thì đây là dự án của công ty tư nhân, phải có thỏa thuận giữa người có đất bị thu hồi với doanh nghiệp, chứ UBND quận và phường không được phép tham gia thu hồi để giao đất cho doanh nghiệp tư nhân. Hơn nữa, còn tùy tiện rào tôn hơn 330m2 đất của tôi hoặc chi trả đền bù cho ai đó, cần làm rõ".
Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng TP.Hà Nội; UBND quận Long Biên, UBND phường Bồ Đề xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Ngọc Hân (tổng hợp)