Nhịp cầu bạn đọc số 14: Đề nghị thanh tra nghiêm túc vụ thi hành án bị tố khuất tất tại Bình Dương!

(Dân trí) - Tuần qua, báo Dân trí nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc phản ánh một số kiến nghị của người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội tại các phường: Ngọc Hà; huyện Sóc Sơn; khu tập thể Giảng Võ, quận Hà Đông... Báo Dân trí đã chuyển nội dung đơn bạn đọc đến các cơ quan chức năng để xem xét giải quyết.

Báo Dân trí nhận được đơn của ông Liên Tuấn Kiệt (SN 1949), Quốc tịch Mỹ, là Giám đốc Công ty TNHH Rượu Golden Spirits (Việt Nam). Trụ sở tại khu phố 6, phường Thới Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Đơn thư cho biết: “Ngày 22 tháng 6 năm 2018, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương ra Thông báo về việc Bán đấu giá tài sản số 1169/TB-CTHADS. Theo nội dung thông báo, Cơ quan Thi hành án sẽ  bán toàn bộ quyền sử dụng đất, nhà xưởng của công ty TNHH Rượu Golden spirits(Việt Nam) do tôi làm chủ. Thời gian bán đấu giá tài sản dự kiến 19/7/2018. Giá khởi điểm là 246.342.990.552 đồng.

Ngày 21/02/2019 Cơ quan Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương thông qua Công ty bán đấu giá Công Lập đã bán toàn bộ tài sản của Công ty tôi với giá là hai trăm mười một tỷ, bảy trăm mười triệu đồng, thấp hơn giá khởi điểm ban đầu là hai trăm bốn sáu tỷ, ba trăm bốn hai triệu, chín trăm chín mươi ngàn, năm trăm năm hai đồng. Tôi cho rằng, đã có sự không minh bạch.

 Cụ thể như sau:Thứ nhất, về mức giá bán: Cơ quan Thi hành án tổ chức bán đấu giá lần đầu ngày 21/02/2019 (lần duy nhất chúng tôi nhận được thông báo bán bán đấu giá).  Còn các lần trước đó Cơ quan Thi hành án chỉ dự kiến thời gian bán đấu giá.

Thứ hai, về thời gian thông báo bán tài sản: Ngày 19/02/2019, Cơ quan Thi hành án niêm yết thời gian bán đấu giá tại nơi có tài sản (nhà máy) chưa đầy 48 giờ trước ngày mở phiên bán đấu giá. Điều này  không những vi phạm về thời hạn thống báo Bán đấu giá mà Luật đã quy định, mà còn Nhằm tước đoạt quyền được chuộc lại tài sản của chủ sở hữu mà luật cho phép. Mặt khác Người được tôi ủy quyền tham gia cuộc bán đấu giá (ông Nguyễn Thanh Đình) chỉ được nhận thông báo bán đấu giá lúc 15h30 ngày 20/02/2019 (trong lúc đó 08h ngày hôm sau 21/02/2019 mở phiên bán đấu giá) với thời hạn thông báo như trên, người đại diện của Công ty không thể sắp xếp thời gian để tham gia, giám sát cuộc bán đấu giá.

Nhịp cầu bạn đọc số 14: Đề nghị thanh tra nghiêm túc vụ thi hành án bị tố khuất tất tại Bình Dương! - 1
Nhịp cầu bạn đọc số 14: Đề nghị thanh tra nghiêm túc vụ thi hành án bị tố khuất tất tại Bình Dương! - 2

Thứ ba, về tài sản bán đấu giá: Cơ quan Thi hành bán đấu giá tài sản trong đó có việc Quyền sử dụng đất mà Công ty đang thuê của UBND tỉnh trong trường hợp này Chủ sở hữu quyền sử dụng đất là Nhà nước (UBND tỉnh Bình Dương), nhưng Cơ quan Thi hành án vẫn bán mặc dù chưa được sự chấp thuận của UBND tỉnh. Tôi cho rằng việc bán tài sản quyền sử dụng đất đang cho thuê bắt buộc phải có sự chấp thuận tử UBND tỉnh, nơi đã phê duyệt dự án Đầu tư cũng như chấp thuận mục đích sử dụng đất nhà máy sản xuất Rượu.

Tôi đề nghị các cơ quan chức năng xem xét hủy kết quả bán đấu giá tài sản ngày 21/02/2019 của Cục Thi hánh án Dân sự tỉnh Bình Dương; Điều tra xem xét, có hay không sự thông đồng, móc ngoặc, tư lợi cá nhân trong quá trình kê biên bán đấu giá tài sản của Công ty chúng tôi; Thay đổi Chấp hành viên phụ trách, Tổ chức bán đấu giá.  Hiện Thanh tra Bộ Tư pháp đã có quyết định lập đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra toàn bộ sự việc. Tôi rất mong đợi sự công tâm từ cuộc thanh tra này”. 

Báo Dân trí kính đề nghị Thanh tra Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án, UBND tỉnh Bình Dương kiêm tra, làm rõ và hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của cư dân phường Ngọc Hà, thuộc cụm 9, tổ 22 phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội với nội dung:

“300m đoạn mương hở H2C thuộc nhánh T2C Đại Yên, phường Ngọc Hà đã và đang tồn tại 30 năm qua hôi thối, bẩn thỉu, ô nhiễm, mầm mống gây nên bệnh tật cho nhiều gia đình, thế hệ người dân chúng tôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, môi trường sống, sự an toàn… của một khu vực đông dân cư nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội cách UBND quận Ba Đình 500m.

Chúng tôi đã gửi rất nhiều đơn thư phản ánh, đề nghị được giải quyết vấn đề này. Lãnh đạo phường và quận có trả lời rằng đến trước ngày 15/8/2019 sẽ có trả lời về việc giải quyết vấn đề này nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời nào.

Trong trường hợp UBND TP, UBND quận và phường không thể giải quyết được, nhân dân chúng tôi tự đóng góp kinh phí để làm thì có cho phép hay không? Thực hiện theo quy hoạch như thế nào? Ai giám sát?”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND TP.Hà Nội, UBND quận Ba Đình, UBND phường Ngọc Hà xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Dương Văn Dõi, trú tại thôn Thắng Trí, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Đơn có nội dung: “Gia đình tôi được UBND xã Minh Trí cấp diện tích vườn rừng là 3.189m2 trong đó có 400m2 ở. Hàng năm chúng tôi vẫn nộp thuế đất cho nhà nước, diện tích nói trên được cấp từ 10/12/1995 đến nay vẫn sử dụng ổn định, hợp pháp, không tranh chấp, hiện nay gia đình tôi trồng keo để lấy gỗ.

Ngày 28/6/2012 theo quyết định của nhà nước và chính phủ, Bộ Công an có lấy thửa đất trên để xây dựng làm Cục kho vận, Tổng cục hậu cần của Bộ Công an. Gia đình tôi hoàn toàn chấp nhận và ủng hộ nhiệt tình không có thắc mắc gì.

Theo Quyết định ngày 04/11/2012 của UBND huyện Sóc Sơn, UBND xã Minh Trí và Tổng cục hậu cần-Kỹ thuật kho vận hỗ trợ và bồi thường cho gia đình tôi là 105.349.000, đây là tiền đền bù với giá đất lâm nghiệp, không có 400m đất ở. Gia đình tôi đã làm đơn khiếu nại về việc bồi thường không đúng với luật đất đai mà nhà nước đã ban hành.

Ngày 28/6/2012, xã và huyện Sóc Sơn có quyết định bổ sung hỗ trợ 400m đất ở và 2.690m2 đất vườn rừng với giá là 259.709.728đ, nhưng gia đình tôi không đồng ý vì không thỏa đáng với khung giá nhà đất trong thời điểm đó.

Đến tháng 3/2016 UBND huyện và xã lại thông báo đền bù gia đình tôi còn lại không có 400m2 đất ở mà chỉ đền bù 3.198,09m2 là đất vườn rừng với giá là 115.011.413đ.

Gia đình tôi cảm thấy UBND huyện Sóc Sơn và xã Minh Trí có những điều gì không minh bạch, là sai về luật đất đai của nhà nước và chính phủ đã ban hành. Cũng có nhiều gia đình cùng chung hoàn cảnh giống nhà tôi”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND TP.Hà Nội, Sở Tài nguyên môi trường TP, UBND huyện Sóc Sơn xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn kiến nghị tập thể của tập thể cư dân đang sinh sống tại nhà D3-D4 khu tập thể Giảng Võ, quận Ba Đình, HN về việc lập rào chắn đường đi vào nội bộ đã có 40 năm nay của nhà D3-D4 Khu tập thể Giảng Võ.

Nội dung đơn như sau: “Vào sáng ngày 30/7/2019 chúng tôi rất bất ngờ khi thấy có rào chắn và khóa bằng xích được lập chắn lối đi vào sân nội bộ giữa nhà D3-D4 khu tập thể Giảng Võ trong khi lối đi này vẫn được dân cư chúng tôi sử dụng hơn 40 năm qua.

Khi được hỏi thì đồng chí Tổ trưởng Tổ dân phố trả lời là không biết, Bí thư cụm dân cư số 7 thì nhận được thông tin sẽ lắp các máy tập và cũng không có thông tin cụ thể về vị trí lắp đặt và lắp những máy gì, phục vụ người dân D3-D4 hay cả khu Giảng Võ”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND TP.HN, UBND quận Ba Đình, UBND phường Cát Linh xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc.

Báo Dân trí nhận được đơn của Các hộ dân ở ngõ 12 trong khu tập thể Xuất Khẩu, tổ dân phố 1, phường La Khê, Quận Hà đông, Hà Nội về việc Cty CP Xuất nhập khẩu Hà Tây có hành vi lấn chiếm, sử dụng phần đất liên quan đến phần cống thoát nước và đường đi của dân cư ngõ 12, Khu tập thể Xuất nhập khẩu Hà Tây.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND quận Hà đông,UBND Phường La Khê, Quận Hà Đông, Công an Phường La Khê, Quận Hà Đông xem xét giải quyết.

Ngọc Hân (tổng hợp)