Nhịp cầu bạn đọc số 15: Đề nghị cấp nhà tái định cư tại chỗ cho người dân ở quận Tây Hồ
(Dân trí) - Báo Dân trí tiếp tục nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc trên cả nước phản ánh về những vụ việc oan sai, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân, đền bù đất phục vụ dự án không thỏa đáng...
Báo Dân trí nhận được đơn của đại diện nhân dân xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng phản ánh việc môi trường sống những năm gần đây bị ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân.
Đơn có nội dung: “Tại khu vực núi đá vôi Da Lợn khu vực giáp ranh giữa xã Gia Minh và xã Minh Tân huyện Thủy Nguyên từ năm 2012 hình thành một bãi rác rộng hàng hecta với nhiều chuyến xe chở rác đổ trực tiếp ra môi trường tự nhiên mỗi ngày mà không qua bất kỳ một quy trình xử lý nào, mùi hôi thối từ bãi rác bay vào khu dân cư khiến cuộc sống của nhân dân trong xã bị đảo lộn.
Ngoài ra, xã Gia Minh vẫn chưa có nhà máy nước, người dân phải sử dụng nguồn nước sông, ngòi tự nhiên nên nước thải từ núi rác này đổ trực tiếp xuống sông gây ô nhiễm hoàn toàn.
Cũng tại khu vực núi đá vôi này, một công ty đang khai thác đá vôi, xe trọng tải lớn chạy thường xuyên gây bụi bặm và khiến cho con đường liên xã bị hư hỏng nặng nề suốt nhiều năm qua.
Tại thôn 4, Trung tâm Giáo dục LĐXH thường xuyên có hoạt động nổ mìn khai thác đá vôi và đốt cao su, sản xuất vôi tại núi Cổ Ngựa, khí thải từ hoạt động này thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên, nguồn nước thải đổ ra sông Thải gây ô nhiễm nguồn nước và không khí nghiêm trọng.
Hàng ngàn người dân địa phương nơi đây đang phải gánh chịu hậu quả từ những hoạt động trên, tính mạng và sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tỷ lệ người mắc các bệnh đường hô hấp và ung thư ngày một cao.
Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên Hội đồng nhân dân, UBND, các sở ban ngành các cấp nhưng chưa được giải quyết.”.
Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của nhân dân xã Gia Minh, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng tới UBND TP.Hải Phòng, Sở Tài nguyên môi trường TP.Hải Phòng, UBND xã Gia Minh, Phòng TNMT xã Gia Minh xem xét, giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của ông Vũ Văn Bạ, trú tại Tập thể xí nghiệp xây lắp H36, tổ 30, cụm 4, phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội, phản ánh việc Công ty Cổ phần đầu tư và xây lắp H36 không cấp nhà tái định cư cho gia đình ông.
Nội dung đơn phản ánh: “Hiện nay Công ty Cổ phần đầu tư và xây lắp H36 đang triển khai thực hiện dự án Khu nhà ở tái định cư và kinh doanh trên khu đất ở hiện tại của tập thể H36 và khu văn phòng cũ tại 603 đường Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội để bố trí tái định cư tại chỗ cho các hộ dân thuộc Công ty xây lắp hóa chất đang sinh sống tại khu tập thể H36 mà gia đình tôi ở đó không được bố trí.
Sau đó ông Nguyễn Văn Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty đã hứa “trường hợp của anh Bạ do sơ suất nên thiếu thì bổ sung”.
Nhưng từ đó đến nay tôi đã nộp nhiều đơn đề nghị và phải đi lại nhiều lần nhưng vẫn không được giải quyết tái định cư như mọi gia đình khác trong khu tập thể với lý do qũy đất không còn mà sẽ chuyển đổi bằng tiền mặt và yêu cầu tôi viết đơn đề xuất.
Nhưng từ đó đến nay H36 và BQL Dự án không đáp ứng mọi đề xuất trên của tôi như đã hứa mà luôn có thông báo ép tôi phải di dời khỏi nơi cư trú để phá dỡ mặt bằng”.
Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của ông Vũ Văn Bạ đến Công ty Cổ phần đầu tư và xây lắp H36 cùng BQL Dự án xem xét giải quyết sự việc theo đúng quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của ông Đỗ Trung Thành, trú tại Tổ dân phố Chợ 1, thị trấn Hùng Sơn, tỉnh Thái Nguyên; là đại diện cho 7 hộ gia đình của Tổ dân phố Chợ 1 phản ánh việc UBND huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đang làm sai luật, cố tình làm ngơ, liên tục ra những thông báo về việc thu hồi đất của dân và đe dọa sẽ cưỡng chế mà không để doanh nghiệp thỏa thuận với dân.
Cụ thể: “Dự án khu dân cư số 1A có vị trí tại thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên được UBND tỉnh phê duyệt, chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư và phát triển thương mại BCD.
Dự án đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, phạm vi giải phóng mặt bằng gồm đất và tài sản trên đất của 07 hộ dân đang sinh sống và kinh doanh.
Theo quyết định số 1727/QĐ-UBND; số 1728/QĐ-UBND ngày 19/4/2017 của UBND huyện Đại Từ, giá đất áp dụng là giá thu hồi đất theo đơn giá nhà nước với mức 8,8triệu đồng/m2, trong khi đó giá thị trường là 40 triệu đồng/m2.
Đại diện Công ty BDC cho rằng công ty không có trách nhiệm thỏa thuận trực tiếp với người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ và phương án định cư mà việc này là do UBND huyện Đại Từ thực hiện.
Dự án này không nằm trong quy định tại điều 61 và 62 Luật Đất đai năm 2013 và không thuộc diện nhà nước thu hồi đất mà chủ đầu tư phải trực tiếp thỏa thuận với người dân thông qua các hình thức quy định tại điều 73 Luật Đất đai năm 2013.
Vấn đề này chúng tôi đã có công văn gửi UBND huyện Đại Từ là cơ quan nhà nước pháp quyền nhưng lại đứng ra thay mặt công ty tư nhân để thực hiện GPMB?
Hiện 07 hộ dân chúng tôi rất hoang mang và bất bình với cách làm của UBND huyện Đại Từ, liên tục làm thay doanh nghiệp mà không để doanh nghiệp tự thỏa thuận với dân”.
Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Đại Từ, xem xét giải quyết vấn đề theo đúng quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của ông Nguyễn Đình Vui, trú tại đội 1 thôn Tiền Lệ, xã tiền Yên, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội, ông Vui làm đơn cho rằng UBND huyện Hoài Đức cưỡng chế buộc tháo dỡ nhà ở của mình làm lối đi thêm cho gia đình ông Nguyễn Đình Nghĩa là không có căn cứ pháp lý.
Đơn có nội dung: “Tháng 8/2002 gia đình tôi xây nhà, ông Nguyễn Đình Nghĩa có tranh chấp, sau đó UBND xã đã giải quyết hòa giải ở cơ sở và ông Nghĩa đã không tiếp tục có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp nữa.
Ngày 16/1/2004, UBND huyện Hoài Đức ra quyết định buộc gia đình tôi khôi phục trạng thái ban đầu vì xây dựng trên phần đất đang có tranh chấp nhưng do đây là quyết định sai vì QĐ có nội dung: “ngõ đi chung công cộng do UBND xã Tiền Yên quản lý”, tôi đã khởi kiện yêu cầu bỏ quyết định này đi.
Sau đó TAND TP.HN ban hành bản án số 52/2014/HC-PT xác định, UBND huyện Hoài Đức xác định ““ngõ đi chung công cộng do UBND xã Tiền Yên quản lý” là sai, cần rút kinh nghiệm. HĐXX cũng giải thích tại tòa là không xem xét giải quyết tranh chấp ngõ đi của ông Nguyễn Đình Nghĩa vì không có yêu cầu của đương sự.
Tuy nhiên, UBND xã Tiền Yên liên tục triệu tập gia đình tôi lên thông báo các văn bản của UBND huyện Hoài Đức (không giao văn bản), buộc tôi phải thỏa thuận với ông Nghĩa về lối đi không tồn tại, đe dọa cưỡng chế và chuẩn bị tổ chức cưỡng chế phá dỡ nhà ở 2 tầng của tôi làm thêm lối đi cho ông Nghĩa.
Xét thấy ô8ng Nguyễn Đình Nghĩa không có yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, không có căn cứ pháp lý giải quyết tranh chấp đất đai. Chẳng có lý do gì để ông Nghĩa yêu cầu UBND huyện Hoài Đức tổ chức các cuộc họp ép buộc gia đình tôi phải thỏa thuận với ông, nêú không thỏa thuận sẽ bị cưỡng chế”.
Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của ông Nguyễn Đình Vui đến UBND TP.Hà Nôị, UBND huyện Hoài Đức xem xét giải quyết vấn đề theo đúng quy định của pháp luật.
Khả Vân