Quảng Trị:
Nhiều khuất tất của chính quyền trong vụ “đất mình bị người khác đến xây nhà”
(Dân trí) – Qua điều tra của PV, giữa bản vẽ "quy hoạch phân lô đấu giá" và "bản vẽ hoàn công căm mốc phân lô" có một số tình tiết "không bình thường". Ngoài ra, UBND TP Đông Hà ra quyết định xử phạt hành chính với ông Lê Thiên Thành có một số "khuất tất".
Như Dân trí ra ngày 31/10 đã có bài phản ánh: Ông Trương Trọng Phương đã kiện ông Lê Thiên Thành vì xây nhà trên đất của mình. Để khẳng định, xây dựng nhà đúng giấy đăng ký QSDĐ, với thửa đất lô số 203, tờ bản đồ 28 và đúng theo giấy phép xây dựng số 255/GPXD ngày 31/5/2011 do UBND TP Đông Hà cấp. Ông Lê Thiên Thành đã làm đơn kiện UBND TP Đông Hà vì đã ra quyết định sai và áp chế mình. Đồng thời, cũng nêu ra quan điểm về sự nhập nhằng trong vị trí của lô đất của mình và ông Phương đã bị nằm trùng nhau do cách xác định khi mua đất từ 2 bản vẽ khác nhau.
UBND TP Đông Hà bị kiện
Ngày 8/3/2012 khi ngôi nhà 4 tầng của ông Lê Thiên Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Thành hoàn thành mọc lên, Đội Trật tự Xây dựng TP lại đến lập biên bản vi phạm hành chính và ngày 17/4/2012 UBND TP Đông Hà ra quyết định số 348/QĐ-XPHC, với mức phạt 25 triệu đồng và buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ công trình vi phạm và khôi phục nguyên hiện trạng của lô đất.
Bức xúc trước quyết định này, trong đơn kiện của ông Thành gửi TAND TP Đông Hà đã trình bày lại sự việc. Bắt đầu từ năm 2007, ông Lê Thiên Sử (trú xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đã đấu giá trúng lô đất số 203 thuộc khu đô thị nam Đông Hà với giá 161 triệu đồng. Sau đó ông Sử đã được UBND TP Đông Hà cấp giấy CNQSDĐ số AE 537269 đối với lô đất nói trên. Đầu năm 2011, ông Sử cùng vợ đã lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vợ chồng em trai mình là Lê Thiên Thành cùng vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc Anh.
Ông Thành và bà Anh đã được cấp giấy CNQSDĐ số BD 161252 ngày 15/3/2011 với toàn bộ thông tin lô đất 203. Tại giấy phép xây dựng số 255/GPXD ngày 31/5/2011 của UBND TP Đông Hà đã cấp cho Công ty TNHH MTV Minh Thành của ông Thành là tại lô đất 203 theo giấy CNQSDĐ số BD 161252 nói trên.
Trong đơn kiện, ông Thành đã chỉ ra lô đất 203 được ông Lê Thiên Sử đấu giá trúng là thuộc bản vẽ quy hoạch phân lô đấu giá do Ban quản lý dự án cơ sở hạ tầng tỉnh và Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị ký phê duyệt. Tại bản vẽ này thì phía tây lô 203 có các lô 201, 199 và 197. Nhưng theo bản vẽ hoàn công cắm mốc phân lô thì phía tây của lô 203, ngoài 3 lô 201, 199 và 197 thì còn xuất hiện thêm lô 195. Như vậy bản vẽ hoàn công cắm mốc phân lô không đúng như bản vẽ quy hoạch phân lô đấu giá.
Nếu đối chiếu với những tài liệu nguyên thủy để xác lập quyền sử dụng đất của ông Lê Thiên Sử mà sau này được vợ chồng ông Lê Thiên Thành nhận tặng cho quyền sử dụng đất thì công trình xây dựng của Công ty TNHH MTV Minh Thành đã xây dựng hoàn toàn đúng vị trí. Không xây dựng “nhầm” trên lô đất của ông Trương Trọng Phương.
Do vậy, ông Thành yêu cầu TAND TP Đông Hà chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty ông, tuyên hủy toàn bộ Quyết định số 348/QĐ-XPHC của UBND TP Đông Hà xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty ông.
"Khuất tất " trong quyết định xử phạt
Nói về quyết định xử phạt hành chính đối với ông Thành, luật sư Lê Văn Hiến, Giám đốc Công ty luật Văn Hiến thuộc đoàn luật sư tỉnh Quảng Trị cho biết: Theo quy định của Điều 23 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16/2/2008 của Chính phủ thì thời hạn ra quyết định xử phạt theo điều 56 của Pháp lệnh được quy định như sau:
-Đối với vụ việc đơn giản, hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh thêm thì phải ra quyết định xử phạt trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản về hành vi vi phạm hành chính. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải theo đúng mẫu quy định.
-Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp như tang vật, phương tiện cần giám định, cần xác định rõ đối tượng vi phạm hành chính hoặc những tình tiết phức tạp khác thì thời hạn quyết định xử phạt là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.
Đối chiếu hoạt động tác nghiệp của người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nói trên thì nhận thấy tang vật, phương tiện không tiến hành giám định, đối tượng vi phạm hành chính cũng đã xác định rõ ràng, không có những tình tiết phức tạp khác như phải điều tra, xác minh, thu thập thêm chứng cứ… Hơn nữa trước khi lập biên bản vi phạm hành chính thì Chủ tịch UBND TP Đông Hà đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tác nghiệp về vụ việc trước đó hơn 9 tháng (như khiếu nại vấn đề xây dựng của công ty ông Thành tháng 8/2010; Đội trật tự xây dựng lập biên bản làm việc vào tháng 12/2012; trả lại đơn kiến nghị của ông Thành vào tháng 4/2012…)
Điều này chứng tỏ thời hạn để Chủ tịch UBND TP Đông Hà ra quyết định trong phạm vi 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản là có căn cứ. Vì vậy, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp 10 ngày mà không thuộc thời hạn 30 ngày. Do đó, có căn cứ rõ ràng để khẳng định Chủ tịch UBND TP Đông Hà ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã vi phạm thời hạn theo quy định tại điều 56 của pháp lệnh XPVPHC.
Trong trường hợp này, điều luật trên đây viện dẫn đã quy định: “Quá thời hạn nói trên, người có thẩm quyền xử phạt không được ra quyết định xử phạt”. Như vậy, xét về trình tự thủ tục thì quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND TP Đông Hà đã trái với quy định của pháp luật hiện hành. Do đó quyết định này là không hợp pháp.
“Bởi lẽ đó, tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử xét hủy toàn bộ quyết định hành chính bị khởi kiện” – luật sư Lê Văn Hiến khẳng định.
2 bản vẽ: bản nào đúng, bản nào sai?
Riêng về phần ông Trương Trọng Phương, sau khi cho rằng ông Thành xây nhà trên đất của mình (là lô đất 201 được mua trên cơ sở đấu giá đất với bản vẽ hoàn công cắm mốc phân lô), ông Phương đã khiếu nại đến UBND TP Đông Hà cho rằng Công ty TNHH MTV Minh Thành của ông Thành đã có hành vi xây dựng toàn bộ công trình trên lô đất mà ông Phương có sổ đỏ. Vấn đề hòa giải của 2 bên cũng được chính quyền đặt ra nhưng đến giờ vẫn không có kết quả gì do giá cả chưa thống nhất.
“Ông Phương bắt ép Công ty phải mua lô đất số 201 với là 1,6 tỷ đồng, trong lúc đó giá thị trường khoảng 600 đến 700 triệu đồng, nếu không ông ấy sẽ buộc Công ty tôi phải tháo dỡ công trình”, – ông Thành cho biết.
Vào ngày 13/11, chúng tôi đã có buổi làm việc với Sở Xây dựng và Ban quản lý Dự án cơ sở hạ tầng tỉnh Quảng Trị (nay là Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh) để tìm hiểu về sự sai lệch ở hai bản vẽ: bản vẽ hoàn công cắm mốc phân lô và quy hoạch phân lô đấu giá. Đây chính là điểm mấu chốt dẫn đến sự tranh cãi về mặt pháp lý của lô đất được cấp cho ông Phương và ông Thành có trùng nhau hay không?
Ông Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị - người đã phê duyệt bản vẽ quy hoạch phân lô đấu giá, khẳng định: “bản vẽ quy hoạch phân lô đấu giá là cơ sở để làm căn cứ cho các đơn vị tiếp tục thực hiện bản vẽ hoàn công cắm mốc phân lô và những bước tiếp theo. Nếu ai thêm lô, bớt lô và thay đổi vị trí thứ tự lô thì phải có sự thỏa thuận, giám định của Sở xem có đúng với bản vẽ quy hoạch phân lô đấu giá hay không. Phía Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã không thực hiện đúng theo bản bản vẽ quy hoạch phân lô đấu giá. Việc đó ai sai phải chịu trách nhiệm”.
Trong khi đó, ông Đoàn Thanh Công, Trưởng phòng Kỹ thuật quản lý quỹ đất, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị - người có trách nhiệm chính trong bản vẽ thừa nhận: “bản vẽ quy hoạch phân lô đấu giá là cơ sở để vẽ bản vẽ hoàn công cắm mốc phân lô. Trên hiện trường, chúng tôi kiểm tra bản vẽ quy hoạch phân lô đấu giá, từ đó chi tiết hóa vào máy tính để vẽ bản vẽ hoàn công cắm mốc phân lô. Tuy nhiên, trong quá trình làm đã có sự dịch chuyển về số thứ tự lô, như dồn toa tàu vậy nên các lô tại bản vẽ hoàn công cắm mốc phân lô đã bị lệch thứ tự ban đầu. Nhưng số lượng lô đất ở 2 bản vẽ này như nhau là ổn, không có gì quan trọng (?!).
Khi được hỏi, tại sao thấy thứ tự lô đã bị đảo mà không trình lên Sở Xây dựng để đối chiếu, điều chỉnh cho 2 bản vẽ khớp nhau nhằm cho dân được biết mà mua cho đúng, ông Nguyễn Vĩnh An, Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh nói: “Nếu trình lên, thỏa thuận thì quá mất thời gian. Có hàng chục ngàn lô đất mà cái nào cũng như vậy thì tủn mủn quá. Chúng tôi chỉ có trình lên ủy ban tỉnh về bản vẽ hoàn công cắm mốc phân lô để phê duyệt sau khi đã kiểm tra trên thực địa là được. Từ đấy đến giờ có cái nào sai sót đâu”.
Nếu căn cứ trên bản vẽ quy hoạch phân lô đấu giá, lô đất 203 của ông Thành nằm vị trí thứ tư từ trái qua. Nhưng nếu ở bản vẽ hoàn công cắm mốc phân lô, lô 203 bị đẩy qua một ô và nằm ở vị trí thứ năm. Và lô 201 của ông Phương nằm ở vị trí thứ tư – trùng với vị trí của đất ông Thành ở bản vẽ quy hoạch phân lô đấu giá. Chính ông Thành đã dựa vào vị trí của bản vẽ quy hoạch phân lô đấu giá để xây dựng nhà.
Tại bản vẽ quy hoạch phân lô đấu giá này, lô đất 203 của ông Thành (dấu x) nằm thứ tư từ trái qua
Trước đó, ông Lê Thiên Sử cũng cho biết là sau khi đấu giá trúng thửa đất 203, vị trí thứ tư từ bên trái vào năm 2007 thì được hội đồng giao đất chỉ vị trí miếng đất đó bằng… tay và ông Sử chưa nhận thửa đất bằng biên bản giao đất cũng như Quyết định số 171/QĐ-UBND năm 2007 của UBND TP Đông Hà về việc giao đất cho gia đình ông Sử.
Ông Nguyễn Thanh Hiếu – công nhân hợp đồng giám sát công trình cho Công ty TNHH MTV Minh Thành thừa nhận, khi công trình thi công được 1 tuần, có ông Nguyễn Như Phong – cán bộ Phòng Quản lý Đô thị TP Đông Hà đã đến kiểm tra, tiến hành xác định vị trí lô đất. “Anh Phong nhờ tôi cầm 1 đầu dây để định vị cố định vị trí thửa đất. Thấy anh Phong so sánh với tờ bản đồ phân lô thì anh ấy có ý kiến đồng ý về công trình xây dựng trên lô đất 203 là đúng” – ông Hiếu nói.
Luật sư Lê Văn Hiến cũng nói thêm: “Về mặt pháp lý, bản vẽ quy hoạch phân lô đấu giá được xem có giá trị pháp lý cao nhất, là mệnh lệnh của Nhà nước về quy hoạch. Vì nó đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện những bước tiếp theo tại bản vẽ hoàn công cắm mốc phân lô. Tất cả đều phải tuân thủ theo bản vẽ đầu tiên này từ cách chia lô, đánh số, bố trí lô...
Việc điều chỉnh, thay đổi ký hiệu lô phải thông báo cho cơ quan chức năng quản lý quy hoạch và người dân biết. Chứ nếu không người ta sẽ đặt dấu hỏi “có chuyện gì khuất tất? Nếu anh đẩy vị trí ô của bản vẽ sau sai với bản vẽ đầu, tức là anh đã đẩy lợi ích của người mua sang một hướng khác, từ vị trí mặt tiền đường chính có thể ra đường nhỏ như chơi. Ở đây, điều chúng tôi muốn nói tóm lại là bản vẽ hoàn công cắm mốc phân lô không thể phủ nhận bản vẽ quy hoạch phân lô đấu giá được. Ngoài ra, ngay trong Giấy quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cũng không xác định được lô 201-203 từ ngoài vào là lô thứ mấy nên rất khó cho người nhận đất”.
Đại Dương