Ninh Bình:
Nhiều hộ dân lợi dụng cải tạo đất, ồ ạt khai thác đất rừng trái phép
(Dân trí) - Gần chục ha rừng sản xuất đã bị người dân xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn viện lý do “hạ mặt bằng, cải tạo đất” rồi khai thác đất rừng trái phép để bán chuộc lợi. Nhiều diện tích đất rừng sản xuất tại đây bỗng nhiên biến thành những công trường khai thác đất san lấp mặt bằng.
Việc khai thác đất rừng trái phép trên diễn ra nhiều tháng qua tại khu vực Trại Cuốn thôn Đá Hàn, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Sau khi nhận được phản ánh từ phái người dân, phóng viên Dân trí đã có mặt tại khu vực trên để xác minh sự việc.
Qua tìm hiểu được biết, toàn bộ khu vực rừng Trại Cuốn trước kia là diện tích rừng phòng hộ của huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, sau này số diện tích rừng này đã được chuyển đổi thành rừng sản xuất. Sau khi có chủ trương, xã Gia Hòa đã giao đất rừng tại đây các hộ dân trong xã có nhu cầu nhận quản lý, cải tạo, trồng và phát triển rừng nơi đây.
Tại diện tích rừng, hộ dân nào muốn cải tạo lại đất để trồng rừng thì báo cáo với chính quyền địa phương để làm tờ trình gửi lên UBND huyện Gia Viễn. Nhận được tờ trình, UBND huyện Gia Viễn giao cho phòng NN&PTNT và phòng TNMT cùng UBND xã Gia Hòa về khảo sát kiểm tra sau đó trình UBND huyện đồng ý cho các hộ được hạ mặt bằng, cải tạo đất.
Từ thông báo đồng ý cho hạ mặt bằng để cải tạo đất của UBND huyện, nhiều hộ dân tại khu vực rừng Trại Cuốn, thôn Đá Hàn đã thuê máy xúc về hạ mặt bằng, cải tạo đất. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện công việc trên, nhiều hộ dân tại đây đã lợi dụng việc cải tạo đất này để khai thác đất, bán đất rừng trái phép cho các doanh nghiệp cũng như các hộ dân có nhu cầu.
Nhiều diện tích đất bị khai thác sát vào núi hiện ra những khối đá lớn.
Từ cuối năm 2014 đến nay, tình trạng khai thác đất rừng tại đây diễn ra ồ ạt bất chất sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng. Ghi nhận của phóng viên Dân trí, diện tích đất rừng của nhiều hộ dân bị biến đổi một cách nghiêm trọng do việc cải tạo đất, hạ mặt bằng không đúng quy định. Môi trường nước, đất tại đây bị ô nhiễm nghiêm trọng do trong quá trình cải tạo đã không thực hiện đúng quy trình, diện tích cải tạo khai thác lớn… Thay vào một màu xanh bao phủ của rừng thì nơi đây giống như một công trường của nhiều mỏ khai thác đất.
Các công trường khai thác đất lô nhô chỗ cao chỗ thấp, có chỗ lại sâu xuống như những cái ao lớn đọng nhiều nước mỗi khi có mưa xuống. Điều này hoàn toàn trái ngược với việc đồng ý cho cải tạo đất, hạ mặt bằng để trồng rừng của chính quyền địa phương. Việc khai thác đất rừng sản xuất diễn ra trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phương vẫn không đưa ra được biện pháp ngăn chặn, xử lý mạnh để chấm dứt việc làm sai trái của các hộ dân làm cho cho khu vực rừng nơi đây đang dần bị hoang hóa, đất rừng bị khai thác triệt để, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hộ dân trồng rừng và nguồn nước phục vụ tưới cho diện tích đất lúa cuối nguồn.
Trong số diện tích đất rừng “núp” danh nghĩa cải tạo có hơn 3ha rừng của gia đình ông Trần Thanh Hiển thôn Phú Nhuận, xã Gia Hòa (ông Hiển đã chuyển quyền sử dụng cho ông Đỗ Văn Tiến, xã Gia Thanh) là một trong những hộ dân lợi dụng việc hạ mặt bằng cải tạo đất để khai thác và bán đất rừng trái phép nhiều nhất ở khu vực Trại Cuốn thôn Đá Hàn.
Một con đường kiên cố được làm nên bằng đá cấp phối để vào khai thác đất rừng.
Hơn 3ha rừng sản xuất đã bị gia đình ông Tiến cho máy xúc công xuất lớn vào khai quật biến nơi đây thành một mỏ đất với trữ lượng lớn. Hiện trường mà phóng viên ghi lại được tại diện tích đất rừng của gia đình ông Tiến trái ngược hoàn toàn với những gì mà UBND huyện Gia Viễn đồng ý cho gia đình ông này cải tạo, hạ mặt bằng trước đó.
Trong thông báo nêu rõ về việc hạ mặt bằng, cải tạo đất rừng yêu cầu hộ ông Tiến phải thực hiện cải tạo đúng độ cao cốt đất tương ứng với với cốt đất tự nhiên và đảm bảo môi trường khu vực cải tạo đất xung quanh. Tuy nhiên, hộ ông Tiến đã tự ý đào sâu vào trong núi hàng chục mét, khoét sâu xuống lòng đất cao hơn đầu người tạo thành những chiếc ao nhân tạo. Tại diện tích đất này, gia đình ông Tiến còn dựng hẳn đại bản doanh phục vụ cho việc khai thác đất, một con đường vào “mỏ” được đổ đá cấp phối kiên cố chắc chắn để cho xe tải vào chở đất ra ngoài….
Việc khai thác hàng nghìn mét khối đất rừng sản xuất trái phép của gia đình ông Tiến diễn ra trong thời gian lâu dài nhưng chính quyền xã Gia Hòa không hề hay biết?. Sau khi người dân báo cáo xã mới cho người vào kiểm tra. Thực tế cho thấy, Ngày 4/2/2014, đoàn kiểm tra của UBND xã Gia Hòa mới lập biên bản hiện trường việc khai thác đất không đúng với quy định của hộ gia đình ông Đỗ Văn Tiến. Khi lập biên bản ông Tiến không có mặt tại hiện trường, sau đó UBND xã Gia Hòa đã nhiều lần gửi giấy mời ông Tiến đến UBND xã làm việc nhưng ông này đều không có mặt. Không làm việc được với ông Tiến, UBND xã Gia Hòa đến nay vẫn chưa tìm được biện pháp xử lý đối với hộ dân này.
Không chỉ gia đình ông Đỗ Văn Tiến đào phá mặt bằng đất rừng sản xuất ở khu vực Trại Cuốn, xã Gia Hòa trái phép mà còn nhiều hộ dẫn cũng ngang nhiên vi phạm khiến tình trạng làm biến đổi đất rừng và môi trường tại đây ngày càng nghiêm trọng. Theo đó, UBND xã Gia Hòa đã ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hộ ông Phạm Văn Mùi với số tiền 2.000.000 đồng. Xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Trọng Quảng trú xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn làm nghề lái máy xúc, ủi vì đã có hành vi hủy hoại đất, biến dạng địa hình số tiền 1.000.000 đồng…
Trao đổi với phóng viên ông Bùi Phú Bắc - Chủ tịch UBND xã Gia Hòa thừa nhận việc các hộ dân lợi dụng việc hạ mặt bằng, cải tạo đất để khai thác đất trái phép là có thật. Ông Bắc cho hay, do khu vực các hộ dân “cải tạo” đất xa trung tâm, lực lượng của xã thì mỏng nên không phát hiện được. Khi có tin báo từ người dân xã đã cho người vào kiểm tra, xử lý và yêu cầu các hộ dân dừng ngay việc khai thác đất trái phép.
Chính quyền xã Gia Hòa mạnh tay là vậy? Tuy nhiên việc xử không triệt để, biện pháp không đủ mạnh nên các hộ dân vẫn bất chấp việc xử phạt để tiếp tục khai thác đất kiếm lợi nhuận. Với số tiền UBND xã xử phạt nhiều nhất chỉ 2.000.000 đồng, nhiều hộ dân sẵn sàng chịu phạt để bán đất rừng thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, chưa kể có những hộ được hưởng lợi từ việc “hạ mặt bằng, cải tạo đất” lên đến hàng tỷ đồng (giá bán đất thấp nhất 7.000 đồng/khối đất, cao nhất 20.000 đồng/khối).
Huyện chỉ cho phép hạ mặt bằng, cải tạo đất nhưng các hộ dân lại lấy đất khoét sâu xuống lòng đất, vào sát núi cao cả chục mét.
Việc phát hiện các hộ dân khai thác đất rừng để bán theo ông Bắc đến nay xã vẫn chưa báo cáo lên huyện vì đã ngăn chặn được tình trạng này. Khi phóng viên đưa ra những hình ảnh cũng như đặt câu hỏi về việc hiện nay một số hộ dân vẫn đang còn khai thác đất để bán? Ông Bắc bất ngờ và cho biết: “Do lực lượng của xã mỏng không thường xuyên thường trực tại khu vực này được nên khó phát hiện tình trạng khai thác đất của các hộ dân. Chúng tôi cũng không nhân được phản ánh từ phía người dân nên không biết. Có khi phát hiện vào đến nơi máy móc của các hộ dân lại lui vào bên trong không cho khai thác đất nữa nên không xử phạt được…” - Ông Bắc nói. Ông Chủ tịch xã cũng thừa nhận việc yếu kém trong công tác quản lý khi để xảy ra tình trạng trên.
Thái Bá