Bài 2:
Làm đường tuần tra, phá rừng đặc dụng: Liệu có "lệch pha" giữa những văn bản tận thu?
(Dân trí) - Đường tuần tra biên giới từ xã Hạnh Dịch đi xã Nậm Giải được khởi công từ năm 2011. Đây là tuyến đường xẻ ngang vùng lõi thuộc quyền quản lý của BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt với tổng chiều dài 22km.
Đường giao thông từ trạm kiểm soát ĐBP Hạnh Dịch lên mốc 14M thuộc xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (gọi tắt là đường tuần tra biên giới) được khởi công từ năm 2011. Đây là tuyến đường xẻ ngang vùng lõi thuộc quyền quản lý của BQL KBTTN Pù Hoạt với tổng chiều dài 22km.
Tuy nhiên, kể từ khi tuyến đường đi qua khu rừng già này thì những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi đang bị đốn hạ bởi lý do nhập nhằng giữa những văn bản mang tính… “tận thu” của các cơ quan chức năng?.
Theo tài liệu mà cơ quan chức năng cung cấp, thì ngày 24/3/2015, Ban quản lý KBTTN Pù Hoạt có Báo cáo số 15/BC.BQL-KL báo cáo tình hình việc mở đường giao thông từ trạm kiểm soát đồn Biên phòng Hạnh Dịch lên mốc 14M thuộc xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong.
Báo cáo này nêu những nội dung liên quan đến dự án nói trên về tình hình lâm sản trên tuyến đường, đồng thời có kiến nghị với Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cũng như UBND tỉnh Nghệ An để tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ, tiến hành tận thu phần thân, gốc, rễ...nằm rải rác tuyến đường và đang bị đất đá lấp.
Đồng thời, tận dụng một số cây gỗ chết dọc hai bên tuyến đường do quá trình thi công (thi công tuyến đường) theo quy định của Thông tư 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Sau đó hai ngày, ngày 26/3/2015, Sở NN&PTNT Nghệ An đã có văn bản số 601/SNN-KHTC cho phép chủ rừng là Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt lập hồ sơ thiết kế khai thác, tận thu, tận dụng gỗ gửi UBND tỉnh Nghệ An.
Nhận được văn bản trên, ngày 27/3/2015, UBND tỉnh Nghệ An lập tức có văn bản 1723/UBND-NN về việc lập hồ sơ thiết kế khai thác tận thu, tận dụng gỗ gửi Sở NN&PTNT và Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
Nội dung là cho phép BQL KBTTN Pù Hoạt lập hồ sơ thiết kế, khai thác tận thu, tận dụng gỗ trong quá trình mở đường giao thông từ trạm kiểm soát Biên phòng Hạnh Dịch lên mốc M14.
Tiếp sau đó, BQL KBTTN Pù Hoạt có Tờ trình số 52/TTr-BQL.KHQT xin phê duyệt hồ sơ thiết kế, khai thác, tận thu, tận dụng gỗ như đã nêu ở trên. Sau đó, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 807/QĐ-NN.LN ngày 06/7/2015 phê duyệt hồ sơ, cấp phép khai thác tận thu, tận dụng gỗ thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông từ trạm kiểm soát Biên phòng Hạnh Dịch đi mốc M14.
Theo đó, địa danh khai thác là Tiểu khu 59, gồm các lô a - K10, lô a - K13, lô a - K16, lô a - K17, lô a - K21, lô a - K23, lô a - K24, lô a - K25, lô a - K27. Tiểu khu 72 gồm lô a - K1, lô a - K2 và lô a - K3, thuộc xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Với tổng diện tích khai thác là 22,85ha; số lượng khai thác là 1.273,28m3.
Trong đó gỗ lớn là 787,34m3; gỗ tận dụng là 311,54m3; củi là 174,40m3. Đối tượng khai thác là rừng tự nhiên thuộc đất rừng đặc dụng đã được chuyển mục đích sử dụng đất; thời gian khai thác đến ngày 31/12/2015.
Để rộng đường dư luận trong sự việc này, chúng tôi có buổi làm việc với BQL KBTTN Pù Hoạt, ông Lê Phùng Diệu - Phó giám đốc BQL, kiểm trưởng Ban chỉ đạo việc tận thu gỗ trong khu vực được cấp phép, cho biết: "Khi bắt đầu làm đường thì BQL chưa ra đời, khi đó khu vực nói trên thuộc quản lý của chính quyền địa phương. Mãi đến giữa năm 2013, khi BQL vừa được thành lập thì chúng tôi mới được bản giao quản lý.
Khi tiếp nhận quản lý thì đơn vị thấy gỗ bị chôn vùi, bị chết trong quá trình làm đường nhiều quá. Nếu để thế sẽ phí phạm! Vì vậy, chúng tôi đã làm văn bản xin phép tận thu và được sự đồng ý của cấp trên. Số gỗ này nằm từ nhóm 2 đến nhóm 8 với số lượng được phép khai thác, tận thu là trên 1.000m3. Hiện chúng tôi đã làm thủ tục xuất kho hơn 400m3, còn lại khoảng hơn 200m3 đang ở trong rừng chưa đưa ra được do thời tiết".
Cũng theo ông Diệu, theo thiết kế chuẩn thì việc tận thu chỉ được khai thác gỗ ở khu vực ta luy dương với khoảng cách tối đa là 1,5m; ta luy âm thì đất đá trôi ảnh hưởng đến đâu, có nguy cơ cây gỗ chết hoặc đã chết thì mới được phép chặt gỗ.
Tuy nhiên, khi chúng tôi phản ánh thực chất đơn vị khai thác đã cố tình làm sai lệch so với thiết kế, cố tình khai gỗ ngoài phạm vi cho phép? Về câu hỏi này, ông Diệu cho rằng: "Chúng tôi luôn có từ 3 người trở lên trong Ban chỉ đạo giám sát".
"Chúng tôi vào có thấy anh kiểm lâm nào đâu?". Phóng viên đặt câu hỏi. "Chắc là anh em có sơ hở nên bị "họ" lợi dụng khai thác sai, việc này chúng tôi sẽ cho kiểm tra và báo cáo lại với các anh" - ông Diệu trả lời.
Còn ông Lê Hải Lý - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Quế Phong cũng cho rằng, việc BQL KBTTN Pù Hoạt đang "tận thu" gỗ là có sự giám sát của lực lượng kiểm lâm cùng phối hợp. Tuy nhiên, trước những bằng chứng mà nhóm PV đưa ra, thì ông Lý bảo phải để kiểm tra lại. Đồng thời ông Lý cũng cho rằng không loại trừ khả năng sẽ có sự "lệch pha" trong quá trình tiến hành tận thu.
Sáng 4/10/2015, PV Dân trí có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Hùng - Hạt phó Hạt kiểm lâm Quế Phong. Ông Hùng cho biết, sau khi nhận được phản ánh của anh em (của PV), Hạt kiểm lâm đã lập đoàn đi kiểm tra và xác định các vị trí và không có chỗ nào nằm ngoài vị trí thiết kế đã được phê duyệt. Cũng theo ông Hùng, sau khi báo Dân trí có bài phản ánh Kỳ I, thì sáng 3/10/2015, gồm Hạt kiểm lâm và BQL KBTTN Pù Hoạt tiếp tục đi kiểm tra.
"Hầu hết dọc tuyến mà đang khai thác đều xác định nằm trong đối tượng được thiết kế. Còn thấy việc bất hợp lý có những cây được chặt tỉa ở trong mà không chặt ở ngoài là do phía Pù Hoạt làm (thực hiện chặt theo quy định - PV) những cây có giá trị trước. Hiện nay họ (Pù Hoạt) làm hơn 600m3, dù còn thiếu nhưng do những vị trí khai thác quá khó khăn, kinh phí lớn nên chưa làm được".
Vấn đề dấu búa và dấu bài cây thì thực hiện thế nào?. Phóng viên hỏi. Ông Nguyễn Tiến Hùng khẳng định: "Quy chế của quyết định 44 về búa bài cây, búa kiểm lâm theo quy định về gỗ tròn thì được đóng tại bãi 1 (tức là bãi gom gỗ trong rừng). Từ bãi 1 sau khi có dấu búa kiểm lâm thì lúc đó mới được phép xuất ra khỏi khu vực đó. Còn đối với gỗ xẻ, thì phải đóng búa kiểm lâm ngay tại gốc xẻ. Tuy nhiên hiện nay thì hạn chế về vấn đề xẻ tại rừng. Trừ trong việc những cây gỗ lớn, ở địa hình khó khăn thì được phép xẻ nhưng phải lập văn bản và đóng búa tại gốc cây đối với gỗ trò...".
Còn ông Trần Đức Lợi - Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Quế Phong cùng đoàn đi khảo sát thực tế ngày 3/10/2015 cho biết: "Hầu hết những cây được chặt hạ đều nằm trong hành lang khu vực thiết kế. Tuy nhiên, cũng có phát hiện ra những vị trí khai thác cách ta luy âm hàng trăm mét có 4-5 cây được chặt nhưng đều có búa bài cây. Ở phần ta luy dương phát hiện có 2 gốc lớn nằm ngoài hồ sơ thiết kế khoảng 5m (trong khi đó thiết kế là 1,5m) được chặt hạ, nhưng hai cây này do nằm ở góc cua của đường giao thông khi nắn đường nên được phép chặt hạ".
Theo dư luận cũng như những gì mà PV ghi nhận được thì những dấu hiệu "bất thường" trong khu vực mà BQL KBTTN Pù Hoạt đang "tận thu" gỗ cần phải được cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, làm rõ?.